Nhân dân Quảng Bình tham gia khởi nghĩa Lam Sơn lật đổ ách thống trị nhà

Một phần của tài liệu quảng bình kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỉ xv đến cuối thế kỉ xix (Trang 31 - 37)

7. Bố cục của đề tài

2.1.3. Nhân dân Quảng Bình tham gia khởi nghĩa Lam Sơn lật đổ ách thống trị nhà

nhà Minh (1418 - 1427)

Những cuộc khởi nghĩa trước Lam Sơn đã bùng cháy một cách mạnh mẽ, uy hiếp nền thống trị của giặc Minh. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau cuối cùng đã đi đến thất bại. Nhưng sự thất bại đó đã tạo điều kiện thuận lợi, là tiền đề cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra và giành thắng lợi.

Ngày 7 - 2 - 1418, Lê Lợi cùng toàn thể nghĩa quân làm lễ tế cờ khởi nghĩa, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang chống quân Minh. Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi các nơi kêu gọi nhân dân cùng nổi dậy giết giặc cứu nước. Khởi nghĩa Lam Sơn tiêu biểu cho ngọn cờ yêu nước và chính nghĩa, ngọn cờ đoàn kết đấu tranh ngoan cường và tất thắng của nhân dân ta. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ thực sự mở đầu một thời kì mới trong lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào đầu thế kỉ XV. Trong những năm tháng chuẩn bị khởi nghĩa, hào kiệt

nhiều nơi trong cả nước tìm về Lam Sơn tụ nghĩa như Phạm Văn Xảo (Hà Nội), Trần Nguyên Hãn (Vĩnh Phúc), Lưu Nhân Chú (Thái Nguyên), Nguyễn Xí (Nghi Lộc, Nghệ An). Những người con ưu tú của mảnh đất Quảng Bình, tuy ở xa trung tâm cuộc khởi nghĩa nhưng không quản đường sá xa xôi, vượt bao khó khăn cũng tìm về với nghĩa quân Lam Sơn như Nguyễn Danh Cả (Nguyễn Danh Khá) ở xã Tuy Lộc (Lệ Thủy, Quảng Bình), theo Lê Lợi dấy binh ở Lũng Nhai, đánh giặc lập công được ban tước Trung Lượng Đại phu. Con ông là Nguyễn Tri giữ chức Đại đội trưởng Thánh dực sở Thần vệ, cháu ông là Nguyễn Đình Tuấn theo nghĩa quân đi đánh giặc, cần mẫn, giữ đúng quân pháp được trao chức Quả cảm tướng quân rồi thăng chức Phấn lực tướng quân, Chánh võ úy sở Cương tả vệ Nghệ An. Nguyễn Tử Hoan, người châu Bố Chính có tài mưu lược, dâng kế lên Lê Lợi, hợp ý vua được trao chức Quân sư. Phạm Thượng tướng (không rõ tên) người xã Đại Phúc Lộc huyện Lệ Thủy nghe tin Lê Lợi dấy binh liền tìm theo. Khi đi ngang qua xã Duy Liệt, Nghệ An đã giết chết viên Đại Hành khiển làm ngụy quan cho giặc Minh làm lễ dâng vua. Về sau lập công trạng được phong Thượng tướng [15]. Đó là những người nông dân, những người lao động bình thường từ bốn phương về tụ nghĩa ở Lam Sơn vì cùng chung một lòng yêu nước, một mối thù không đội trời chung với quân thù và một ý chí đấu tranh ngoan cường.

Thời kì hoạt động ở núi rừng Thanh Hóa là giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa. Trong thời gian đầu, lực lượng nghĩa quân Lam Sơn chỉ có vài ngàn người, lương thực thiếu thốn, thường chỉ thắng được vài trận nhỏ và hay bị quân Minh đánh bại. Bị quân Minh vây đánh nhiều trận, quân Lam Sơn khốn đốn ba lần phải rút lên núi Chí Linh những năm 1418, 1419, 1422. Ngoài quân Minh, Lê Lợi và quân Lam Sơn còn phải đối phó với một bộ phận các tù trưởng miền núi tại địa phương theo nhà Minh và quân nước Ai Lao bị xúi giục hùa theo. Dù gặp nhiều khó khăn, quân Lam Sơn mấy lần đánh bại quân Ai Lao có lực lượng đông hơn. Tuy nhiên, do lực lượng chưa đủ mạnh nên Lê Lợi thường cùng quân Lam Sơn phải ẩn náu trong núi rừng, nhiều lần phải ăn rau củ và măng tre lâu ngày.

Từ năm 1418, bên cạnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở vùng thượng du Thanh Hóa, nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ khác cũng bùng cháy nhiều nơi. Vào khoảng năm 1419 - 1420, phong trào đấu tranh lan rộng khắp nơi với một khí thế mãnh liệt.

Tháng 8 năm 1419, Phan Liêu nổi dậy bắt giết bọn quan lại nhà Minh và tiến đánh thành Nghệ An. Nhân dân Quảng Bình, Quảng Trị cũng đứng lên đấu tranh chống quân Minh một cách mạnh mẽ. Ở vùng phía nam Quảng Bình và ở phía bắc Quảng Trị, Trần Thuận Khánh giữ chức thiên hộ của nhà Minh, cũng khởi binh chống cự lại. Lý Bân sai bọn Việt gian Nguyễn Huân và Trần Nguyên Khôi tiến quân vào đàn áp vào cuối năm 1419.

Sau ba năm chiến đấu liên tục, nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo tài tình của bộ tham mưu đứng đầu là Lê Lợi, đã bộc lộ một tinh thần chiến đấu dẻo dai, một sức sống mãnh liệt và đã nói lên khả năng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Đến năm 1421, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã trở thành một trung tâm kháng chiến lớn nhất có ảnh hưởng trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, do lực lượng nghĩa quân còn yếu, nếu đem quân ra đương đầu với địch thì chưa có lợi, mà cứ giam chân ở núi Chí Linh thì không thể phát triển được lực lượng. Do đó, bộ chỉ huy nghĩa quân chủ trương tạm thời đình chiến với địch để tạo điều kiện khôi phục và phát triển lực lượng rồi giành thế chủ động tiến công, tiếp tục hoàn thành sứ mạng của cuộc khởi nghĩa. Tạm hòa hoãn chỉ là kế sách, “bên ngoài giả thác hòa thân” để “bên trong lo rèn chiến cụ, quyên tiền mộ lính” [34, tr. 199]. Nghĩa quân đã tranh thủ thời gian hòa hoãn ngắn ngủi để tiến hành khẩn hoang, sản xuất tích trữ lương thực. Mặt khác, Lê Lợi cùng với các tướng soái ra sức chiêu tập thêm nghĩa binh, sắm sửa thêm vũ khí.

Sau khi đã quyết định tuyệt giao với địch và tiếp tục cuộc đấu tranh vũ trang, Lê Lợi liền họp bộ tham mưu khởi nghĩa để bàn kế tiến thủ. Trong buổi họp, tướng Nguyễn Chích đã đề ra một kế hoạch có tầm chiến lược quan trọng. Ông nói: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông. Tôi đã từng qua lại Nghệ An nên rất thông thuộc đường đất. Nay ta hãy đánh lấy Trà Long chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đất đứng chân, rồi dựa vào nhân lực tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ” [34, tr. 205 - 206].

Chính quyền đô hộ của nhà Minh ở Nghệ An mới được xây dựng từ năm 1414, chưa được củng cố và luôn luôn bị uy hiếp bởi những cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Thành Nghệ An khá kiên cố, nhưng lực lượng của địch cũng không tập trung nhiều như ở Thanh Hóa. Hơn nữa về mặt Bắc, Nghệ An lại cách xa sào huyệt

như Đông Quan, Tây Đô, về mặt Nam, lực lượng của địch ở Tân Bình, Thuận Hóa rất mỏng. Trong tình hình đó, nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ và nhanh chóng giải phóng toàn phủ Nghệ An. Nghĩa quân trước hết theo đường thượng đạo chiếm lĩnh miền núi rừng hiểm yếu, rồi tràn xuống vùng đồng bằng đất rộng người đông, xây dựng đất đứng chân vững chãi. Sau đó, nghĩa quân tiếp tục tiến quân ra bắc giải phóng Diễn Châu, Thanh Hóa và tiến vào nam giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa. Việc nghĩa quân Lam Sơn giải phóng được Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa đã làm cho lực lượng của quân địch bị chia cắt làm thành hai vùng không tiếp ứng được với nhau. Đó là vùng Tân Bình, Thuận Hóa ở phía nam và vùng các châu, phủ quanh thành Đông Quan ở phía bắc.

Lực lượng quân Minh ở vùng Tân Bình (Quảng Bình và bắc Quảng Trị), Thuận Hóa (nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) trước đây vốn đã yếu. Quân địch mới thực sự chiếm được vùng này và thiết lập chính quyền đô hộ ở đó từ năm 1414 sau khi Trương Phụ đánh bại được cuộc khởi nghĩa Trần Quí Khoáng. Chính quyền của địch ở vùng này rất yếu và quân lính đóng giữ các thành cũng không nhiều. Sau khi Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa được giải phóng thì vùng Tân Bình, Thuận Hóa bị mất hẳn sự liên hệ với các căn cứ trung tâm của địch ở phía bắc và do đó bị lâm vào thế cô lập. Nhân dân Quảng Bình, Quảng Trị đồng loạt đứng lên đấu tranh làm cho quân địch rất hoang mang lo sợ. Lực lượng của của chúng ở đây đã mỏng lại càng bị suy yếu hơn. Nhận thấy rõ tình thế của địch, bộ tham mưu nghĩa quân quyết định tiến gấp vào giải phóng vùng Tân Bình, Thuận Hóa. Lê Lợi đã nhận định: “Các bậc tướng giỏi đời xưa bỏ chỗ vững, đánh chỗ hở; lánh chỗ thực, đánh chỗ trống; như thế thì dùng sức chỉ một nửa mà thành công gấp bội” [34, tr. 278]. Đánh vào Tân Bình, Thuận Hóa lúc bấy giờ đúng là đánh vào chỗ hở và chỗ trống nhất của địch.

Tháng 8 năm 1425, Lê Lợi phái các tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ, Lê Đa Bồ đem hơn 1000 quân và một con voi, theo đường núi tiến vào giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa. Nghĩa quân tiến vào đến sông Bố Chính (sông Gianh) thì gặp quân Minh do tướng Nhâm Năng (Nhậm Năng) chỉ huy. Trần Nguyên Hãn chọn địa hình hiểm yếu, bố trí nghĩa quân mai phục ở Hà Khương. Đây là khúc sông sâu, nước chảy xiết, có địa thế rất hiểm trở. Nhân dân Quảng Bình hai bên bờ sông

Gianh đã đứng lên hưởng ứng rất mạnh mẽ, họ không chỉ đóng góp lương thực thực phẩm cho nghĩa quân Lam Sơn mà còn sẵn sàng gia nhập nghĩa quân để tham gia kháng chiến. Được sự giúp đỡ của nhân dân, tướng Lê Nỗ tiến hành lập trận địa mai phục chờ sẵn. Còn tướng Trần Nguyên Hãn tự mình đem quân ra giao chiến với địch rồi giả vờ thua để nhử địch vào trận địa mà ta đã phục sẵn. Quân Minh tuy đông nhưng bị đánh bất ngờ ở một địa hình hiểm yếu nên tan vỡ nhanh chóng và tổn thất rất nặng với hơn 1000 quân bị giết và bị chết đuối [34, tr. 278 - 279]. Cùng với đội quân của Lê Nỗ, Trần Nguyên Hãn, Lê Lợi còn phái các tướng Lê Ngân, Lê Văn An, Phạm Bôi chỉ huy một đội quân thủy gồm hơn 70 chiến thuyền từ Nghệ An vượt biển vào tiếp ứng.

Bao năm sống trong khổ nhục vì sự thống trị và bóc lột tàn bạo của quân Minh làm cho đời sống của nhân dân Quảng Bình vô cùng cơ cực. Vì vậy, nhiều lần nhân dân Quảng Bình đã đoàn kết lại, vũ trang đứng lên chống quân xâm lược. Họ đấu tranh để giành lại quyền sống cho nhân dân, giành lại độc lập dân tộc cho quê hương đất nước. Nhưng vì cuộc đấu tranh thiếu đi những người lãnh đạo tài tình và đường lối đấu tranh đúng đắn, nên nhiều cuộc khởi nghĩa đã bị quân Minh dập tắt. Với trận thắng ở Hà Khương là minh chứng thể hiện sự khao khát đứng lên đánh đuổi ngoại xâm của nhân dân Quảng Bình. Những toán quân nhỏ, các cuộc khởi nghĩa trong địa phương đều hưởng ứng và qui tụ về với đội quân Lam Sơn. Nhân dân các vùng, các huyện trong toàn tỉnh đã nhất tề nổi dậy cùng phối hợp với quân đội Lam Sơn vây diệt các đồn địch, đánh sụp chính quyền đô hộ, giải phóng quê hương.

Sau trận thắng Hà Khương, đội quân thủy của Lê Ngân, Lê Văn An cùng phối hợp với đội quân bộ của Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ tiến đánh thành Tân Bình, Thuận Hóa. Quân địch khiếp sợ trước uy vũ của nghĩa quân và nhân dân đã lui hết vào trong thành cố thủ. Trong giai đoạn chuyển hướng chiến lược tiến vào giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa hình thái phát triển và đem lại thắng lợi cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đó chính là sự tập hợp, thống nhất mọi lực lượng yêu nước chống giặc, kết hợp sức mạnh chiến đấu của nghĩa quân với sự tham gia hưởng ứng và nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân. Bằng sức mạnh tổng hợp đó, chỉ trong một thời gian rất ngắn toàn bộ đất Tân Bình, Thuận Hóa đều được giải phóng trừ hai thành bị bao vây. Khi nghĩa quân Lam Sơn tiến vào vùng đất Nghệ An, Quảng Bình, Lê Lợi đã ra lệnh: “Dân ta bị khổ vì

chính sách tàn bạo của giặc đã lâu, hễ đến châu huyện nào cũng không được xâm phạm đến của dân, nếu không phải là trâu bò, thóc lúa của địch thì dù có đói khổ cũng không được lấy” [34, tr. 263 - 264]. Chấp hành mệnh lệnh trên nên nhân dân vô cùng phấn khởi đem hết nhiệt tình ra đón tiếp và ủng hộ nghĩa quân. Sau bao ngày tối tăm cay đắng nay lại được thấy ánh sáng độc lập, mọi người đều muốn được góp phần công sức nhỏ của mình vào sự nghiệp cứu nước chung. Vì vậy, nhân dân Quảng Bình đã tham gia một cách rất nồng nhiệt, nhân dân dắt díu nhau đến như đi chợ, nghĩa quân đi đến đâu nhân dân đều theo đến đó. Nhiều người con yêu nước của Quảng Bình đã gia nhập vào nghĩa quân Lam Sơn. Hàng vạn thanh niên khỏe mạnh của vùng đất Tân Bình, Thuận Hóa với lòng căm thù quân xâm lược, quyết tâm giải phóng quê hương đất nước đã hăng hái nhập ngũ. Chẳng mấy chốc lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn được tăng cường lên gấp bội lần.

Tân Bình, Thuận Hóa được giải phóng làm cho căn cứ của cuộc khởi nghĩa mở rộng vào đến đèo Hải Vân và lực lượng nghĩa quân trưởng thành thêm một bước mới. Chiến thắng này đã trừ khử hẳn mối uy hiếp của một bộ phận quân địch ở mặt nam. Dải đất miền Trung từ Thanh Hóa vào tận Hải Vân đã được giải phóng, nhân dân vô cùng phấn khởi ra sức khai hoang mở rộng sản xuất, tích trữ lương thực cho chiến tranh. Từ nay nghĩa quân đã có một hậu phương rộng lớn và vững chắc làm cơ sở cho cuộc tiến công ra mặt bắc, tiêu diệt quân Minh hoàn thành công cuộc giải phóng đất nước.

Khởi nghĩa Lam Sơn giờ đây đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên qui mô cả nước. Khu vực giải phóng từ Thanh Hóa trở vào đến Hải Vân đã do nghĩa quân kiểm soát. Hầu hết chúng ta đã làm chủ các phủ, châu, huyện trừ một số nhỏ thành lũy và vùng kiểm soát của quân địch. Quân Minh đã suy yếu, lại bị dồn vào thế phòng ngự bị động trên cả nước. Những thắng lợi vô cùng quan trọng đó đang tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta tiến lên quét sạch quân thù. Kết hợp với lực lượng vũ trang của các làng xã và được nhân dân hết lòng ủng hộ, nghĩa quân Lam Sơn đã làm nên những chiến công vang dội chấn động núi sông. Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động (11 - 1426), chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang (11 - 1427) là thắng lợi oanh liệt, lẫy lừng của trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa định đoạt của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Bằng thắng lợi đó, quân

dân ta đã đập tan mọi cố gắng chiến tranh lớn nhất của nhà Minh, buộc Vương Thông ở thành Đông Quan phải xin đầu hàng và triều đình nhà Minh ở Bắc Kinh phải từ bỏ mưu đồ xâm lược nước ta. Sau khi Vương Thông phải đầu hàng và rút quân, đất nước ta mới thực sự được giải phóng và nền độc lập đã thực sự được khôi phục. “Xã tắc từ nay bền vững, sơn hà bởi đó đẹp tươi” [34, tr. 476]. Ngày 29 tháng 4 năm 1428 Lê Lợi chính thức lên ngôi hoàng đế, khôi phục quốc hiệu là Đại Việt. Đó là một quốc gia có chủ quyền và hoàn toàn độc lập.

Một phần của tài liệu quảng bình kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỉ xv đến cuối thế kỉ xix (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(111 trang)
w