7. Bố cục của đề tài
2.1.2. Nhân dân Quảng Bình kháng chiến chống Minh trước khởi nghĩa Lam Sơn
Sơn (1406 - 1418)
Vào khoảng giữa năm 1407, quân Minh đã đánh bại được nhà Hồ, nhưng đến đâu cũng vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của nhân dân ta và ngay trong vùng chúng đã chiếm đóng được, những cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra liên tiếp. Một phong trào đấu tranh rộng rãi và mạnh mẽ của nhân dân ta dâng lên khắp nơi. Mãi đến năm 1414, quân Minh mới thực sự chiếm được toàn bộ lãnh thổ nước ta và hoàn thành cuộc xâm lược của chúng.
Năm 1407, ngay sau khi nền đô hộ của nhà Minh được thiết lập, nhiều cuộc khởi nghĩa đã bùng lên khắp nơi như ở Diễn Châu (Nghệ An), Tây Đô (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội), Nam Sách (miền Hải Dương), Cửu Chân (miền Nam Thanh Hóa), Kiến Hưng (miền Nam Định)... Nhà Minh coi những nơi đó là những “ổ quân ác nghịch” và ra lệnh cho bọn tướng tá quan lại đô hộ phải chú ý theo dõi và đề phòng [34, tr. 39 - 40].
Sang đầu năm 1408, phong trào kháng Minh càng lan rộng ra nhiều nơi. Tuy nhiên, những cuộc khởi nghĩa trên đây nổ ra trong từng địa phương nhỏ hẹp, lại không liên kết được với nhau nên lực lượng phân tán và dễ bị quân địch đàn áp. Những cuộc khởi nghĩa ấy lần lượt bị thất bại, nhưng đó là những cuộc đấu tranh
đầu tiên sau khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, mở màn cho cả một phong trào kháng Minh rộng rãi sau này.
Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh chống quân Minh trước khởi nghĩa Lam Sơn đó là hai cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng.
Ngày 1 tháng 11 năm 1407, Trần Ngỗi tự xưng làm Giản Định hoàng đế, đặt niên hiệu là Hưng Khánh, lập hành cung ở Yên Mô. Cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi bắt đầu từ đó. Dưới ngọn cờ của nghĩa quân Trần Ngỗi, nhân dân Quảng Bình (Tân Bình) đã nhất tề đứng lên hưởng ứng, chuẩn bị lực lượng và căn cứ sẵn sàng hợp sức cùng với nghĩa quân chiến đấu chống ngoại xâm. Nghe tin Trần Ngỗi khởi nghĩa, một số quan lại yêu nước và một số thủ lĩnh nghĩa binh trong toàn tỉnh tìm đến cùng hợp sức mưu đồ sự nghiệp cứu nước.
Đến cuối năm 1407, Trần Ngỗi đã tập hợp được một lực lượng kháng chiến khá lớn ở Nghệ An. Đầu năm 1408, Trần Ngỗi nổi quân khởi nghĩa đánh bại và giết chết bọn quý tộc đầu hàng (Trần Thúc Giao, Trần Nhật Chiêu), chiếm giữ Nghệ An, Diễn Châu. Đó là thắng lợi đầu tiên của nghĩa quân. Nhưng ngay sau đó, Trương Phụ cùng với tên Việt gian Mạc Thúy điều quân vào đàn áp. Trước sức tiến công mạnh của quân địch, nghĩa binh phải rút lui vào Hóa Châu. Quân Minh đuổi theo đến cửa biển Bố Chính (của sông Gianh ở Quảng Bình). Ở đây một viên quan cũ của nhà Hồ là Phạm Thế Căng ra đầu hàng. Trương Phụ cho Phạm Thế Căng làm tri phủ Tân Bình (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị) và củng cố lại chính quyền đô hộ ở miền này, rồi rút quân về Đông Quan.
Sau khi Thế Căng nhận chức của nhà Minh, làm oai làm phúc tiếm xưng là Duệ Vũ Đại Vương. Đến đây họp quân chiếm cứ núi An Đại (Lệ Ninh, Quảng Bình), Đặng Tất đánh dẹp được [36, tr. 266].
Sau khi Trương Phụ rút đại quân về nước (1408), lực lượng quân Minh đóng giữ ở nước ta tương đối yếu. Nhân dân Quảng Bình đã đứng lên đấu tranh hưởng ứng cùng với phong trào kháng chiến trong cả nước. Lợi dụng thời cơ này, nghĩa binh của Trần Ngỗi tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của mình. Tháng 5 năm 1408, Đặng Tất cùng với Trần Ngỗi từ Hóa Châu tiến ra chiếm lấy Nghệ An. Miền Tân Bình vẫn do Phạm Thế Căng đóng giữ với chức tước của một thổ quan. Tháng 7 năm 1408, Đặng Tất từ Nghệ An tiến vào Tân Bình. Nhân dân Tân Bình phối hợp
cùng với nghĩa quân đứng lên đấu tranh, đánh tan quân của Thế Căng ở của biển Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình), bắt và giết chết Căng cùng với cháu là Phạm Đống Cao. Sau đó nghĩa quân lại tiến ra chiếm lấy cả Diễn Châu, Thanh Hóa, một khu vực rộng lớn từ Thanh Hóa đến Hóa Châu đã được giải phóng [34, tr. 45].
Sau thắng lợi ở Tân Bình, Trần Ngỗi mở cuộc tiến công lớn ra Bắc. Mùa đông tháng 10, Quốc Công Đặng Tất điều quân các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa tiến đánh Đông Đô. Nghĩa quân đi tới đâu đều được nhân dân và hào kiệt ở đó nổi dậy hưởng ứng rất đông. Sự tham gia ủng hộ của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Quảng Bình nói riêng là nhân tố quyết định những bước phát triển mạnh mẽ và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.
Trước sự tham gia hưởng ứng và chiến đấu quyết liệt của quần chúng nhân dân, nghĩa quân Trần Ngỗi đã làm nên chiến thắng vang dội đánh tan quân Minh ở bến Bô Cô. Với chiến thắng Bô Cô, nghĩa quân giết chết thượng thư bộ binh Lưu Tuấn, đô ty Lữ Nghị, tham chính ty bố chính Giao Chỉ là Lưu Dục, đô chỉ huy sứ Liễu Tông cùng với quân Minh hơn 10 vạn tên. Mộc Thạnh cùng với tàn quân chạy thoát trốn về thành Cổ Lộng.
Chiến thắng Bô Cô là một chiến thắng lẫy lừng của nghĩa quân Trần Ngỗi. Với chiến thắng này, nghĩa quân đã tiêu diệt được một bộ phận quan trọng quân chủ lực của địch, làm cho quân địch khắp nơi bị hoang mang và kích động mạnh mẽ tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân ta. Đó là một thời cơ thuận lợi để phát triển lực lượng và tiến công tiêu diệt địch. Nhưng tiếc rằng bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa đã không tận dụng được những điều kiện đó, lại nảy sinh ra những mâu thuẫn nội bộ đưa đến sự giết hại lẫn nhau làm cho lực lượng suy yếu và cuộc khởi nghĩa tan rã.
Sau khi cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi đi vào thoái trào thì ngày 2 tháng 4 năm 1409, Trần Quý Khoáng lên ngôi vua ở Chi La (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), đặt niên hiệu là Trùng Quang. Sau khi thống nhất được lực lượng, nghĩa quân đã lấy vùng Tân Bình, Thuận Hóa làm căn cứ hoạt động. Giữa năm 1413, sau khi đã ổn định xong tình hình mặt bắc và chuẩn bị thêm về lương thực, Trương Phụ, Mộc Thạnh huy động thủy bộ, mở cuộc tiến công quy mô lớn vào căn cứ cuối cùng của Trần Quý Khoáng với quyết tâm lấy được vùng đất này: “Ta sống là tại Hóa Châu,
chết cũng vì Hóa Châu, chưa bình định được Hóa Châu, còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng” [64, tr. 332].
Tháng 5, Trương Phụ chiếm lại được Nghệ An, Trần Quý Khoáng phải rút lui vào Hóa Châu, nhưng nghĩa quân vẫn làm chủ vùng Tân Bình, Thuận Hóa. Nghĩa quân cho rằng cửa biển Hà Hoa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) gần núi Hoành Sơn có địa thế hiểm yếu, quân địch khó vượt qua nên nghĩa quân dưới sự giúp đỡ của nhân dân Quảng Bình đã lập đồn lũy ở của biển Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) để phòng thủ và xây dựng lực lượng chờ thời cơ phản công quân Minh. Nhưng Phan Liêu (con Phan Quý Hữu) giữ chức tri phủ Nghệ An, đã mật báo tình hình lực lượng của nghĩa quân ở Quảng Bình, Thuận Hóa cho Trương Phụ biết. Trên cơ sở đó, Trương Phụ quyết định đánh thẳng vào Hóa Châu nhằm tiêu diệt căn cứ cuối cùng của Trần Quý Khoáng.
Tháng 8 năm 1413, Trương Phụ đem chiến thuyền từ cửa biển Kỳ La (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đánh thẳng vào đồn lũy của nghĩa binh ở của Nhật Lệ. Nghĩa quân đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng cùng với sự nổi dậy hưởng ứng đấu tranh của nhân dân Quảng Bình, nhưng do bị đánh bất ngờ nghĩa quân bị tan vỡ, phải đốt doanh trại rút lui vào sông Trà Kệ (Bố Giang ở Thừa Thiên Huế) để giữ Hóa Châu. Trương Phụ đuổi theo chiếm được thành Hóa Châu.
Sau khi Hóa Châu - căn cứ cực nam của nghĩa quân đã bị địch chiếm, Trần Quý Khoáng phải lui ra giữ miền Tân Bình. Trương Phụ và Mộc Thạnh hội quân ở Thuận Châu (miền nam Quảng Trị) rồi tiếp tục đuổi theo nghĩa quân. Trước sự tiến công ào ạt của quân Minh với một tương quan lực lượng rất chênh lệch và bất lợi cho nghĩa quân. Nhưng nghĩa quân đã chống lại một cách quyết liệt biểu thị một tinh thần chiến đấu rất gan dạ, ngoan cường. Trước sức mạnh của quân Minh, lực lượng nghĩa quân hoàn toàn bị tan rã không sao hợp lại được. Trần Quý Khoáng và các tướng lĩnh nghĩa quân mỗi người chạy mỗi ngã và đến cuối năm 1413, sang đầu năm 1414 đều lần lượt sa vào tay giặc. Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bị bắt ở Sách Sá Bồ Cán (thượng lưu sông Gianh, Quảng Bình). Trần Quý Khoáng chạy ra miền núi Nghệ An rồi trốn sang Lão Qua, nhưng cũng bị quân Minh vượt biên giới đuổi theo bắt được ở Sách Cập Mông (Lào) [34, tr. 83 - 85]. Sau hơn bốn năm hoạt động, cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng đến đây bị thất bại hoàn toàn.
Như vậy, từ khi quân Minh xâm lược và đặt nền đô hộ ở nước ta cho đến trước cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đã bùng lên một phong trào đấu tranh rộng rãi và liên tục của nhân dân Quảng Bình. Họ đã đứng lên đấu tranh mạnh mẽ chống quân Minh cùng với phong trào trong cả nước. Là địa bàn hoạt động, căn cứ đóng quân của nghĩa quân, nhân dân Quảng Bình đã đóng góp sức người, sức của, một lòng một dạ đi theo nghĩa quân quyết tâm đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Tuy nhiên, phong trào khởi nghĩa trong cả nước cũng như phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Bình chống quân Minh trước khởi nghĩa Lam Sơn đều đi đến thất bại.
Nguyên nhân thất bại đó là phong trào tuy lan rộng và mãnh liệt nhưng mang nặng tính chất tự phát, riêng lẻ. Đây là một phong trào đấu tranh yêu nước nhằm chống lại nền đô hộ của nhà Minh, biểu hiện ý chí quật cường bất khuất của nhân dân Quảng Bình. Trước vận mệnh của quê hương, đất nước bị đe dọa, không một người con Quảng Bình yêu nước nào có thể đứng ngoài cuộc đấu tranh đó. Quân Minh càng tàn bạo thì tội ác của chúng càng chất chứa, ngọn lửa căm thù và đấu tranh càng bốc cao. Cuộc khởi nghĩa này bị đàn áp thì cuộc khởi nghĩa khác nổ ra, nơi này bị càn quét thì nơi khác cuộc đấu tranh lại phát triển, không lúc nào ngừng nghỉ đã tạo tiền đề cho cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Bình dưới ngọn cờ khởi nghĩa Lam Sơn.