Những thắng lợi đầu tiên của nhân dân Quảng Bình

Một phần của tài liệu quảng bình kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỉ xv đến cuối thế kỉ xix (Trang 62 - 65)

7. Bố cục của đề tài

3.2.2.1. Những thắng lợi đầu tiên của nhân dân Quảng Bình

Hưởng ứng chiếu Cần Vương, nhân dân Quảng Bình đã sôi nổi đứng lên kháng chiến giữ làng giữ nước. Họ tập hợp dưới lá cờ của những người sĩ phu yêu nước hoặc tự động vũ trang khởi nghĩa. Họ xây dựng những làng chiến đấu “trong thì đắp lũy, đắp thành, ngoài thời đào hào thả chông” [89] để bao vây tiêu diệt địch.

Tháng 11 năm 1885, sau khi vua Hàm Nghi từ Bãi Đức vượt qua xóm Trành, làng Kiên Trinh, tổng Thanh Lạng đến Quy Đạt. Hôm đầu tiên đến Quảng Bình, vua Hàm Nghi nghỉ lại nhà Đinh Hiền, Tôn Thất Thuyết ở nhà Đinh Đối, Trần Soạn ở nhà Đinh Trọng. Ba hôm sau, đoàn xa giá dời về Cổ Liêm nhưng nhận thấy chỗ này không đóng quân được nên rút đến xóm Lim thuộc làng Ba Nương và ở tại nhà Đinh Xớn [70, tr. 223]. Trương Quang Ngọc người ở Thanh Lạng bấy lâu chiêu mộ quân cố thủ ở Ve, cũng đưa toàn đội theo vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết phong cho Ngọc chức Hiệp quản, dự vào đoàn quân hộ giá.

Vua Hàm Nghi ở Ba Nương được tám ngày thì quân do thám ở Kiên Trinh về báo rằng Pháp từ Bãi Đức đến Trành (Kiều Trinh), vua phải lánh vào núi Marai thuộc tổng Kim Linh. Cuối tháng 12 năm 1885, khi Pháp chiếm được thành Vinh, chúng cho một đạo quân do Đại úy Hugo cùng hai Trung úy Gayge và Bellamy chỉ huy đi theo lưu vực sông Ngàn Sâu lên Bãi Đức đánh vào trung tâm căn cứ của vua Hàm Nghi. Quân Pháp tiến đến làng Ba Nương thì dân làng đã chạy cả vào rừng, đáp lại sự nhộn nhịp của chúng bằng sự im lặng. Chúng sục sạo trong làng bắt được một ông cụ tên là Cố Tư vì già yếu chạy không kịp, bị chúng tra hỏi, ông phải chỉ đường vua đi. Hugo cho quân đuổi theo đến eo Lập Cập, bị nghĩa quân do Trương Quang Ngọc cầm đầu chặn đánh kịch liệt. Đạn và tên cứ xuyên qua cành lá và nã vào quân Pháp. Chúng bị chết quá nữa, Hugo bị trúng tên vào cánh tay, y hô quân lui lại bị Ngọc bắn thêm phát nữa vào lưng. Hugo bị thương nặng phải rút quân về Vinh (3 - 1 - 1886), do bị trúng tên độc quá nặng nên về đến Vinh, Hugo bị chết [70, tr. 225].

Cũng tháng giêng 1886, đoàn quân lưu động khác của địch do Trung úy Camus cầm đầu, lên đánh Thanh Thủy vùng hoạt động của Lê Trực rồi tiến đánh sâu hơn vào cứ điểm Khe Ve. Trên đường tiến quân, giặc Pháp thực hiện chính sách đốt sạch, giết sạch cực kì tàn bạo hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của nhân dân Quảng Bình. Lợi dụng đêm tối và địa hình phức tạp quân ta tiến đánh giáp lá cà. Địch bị thiệt hại rất nhiều. Khi địch hoàn hồn thì quân ta đã rút lên núi Marai, rồi qua sông Nái (tức trung lưu sông Gianh); Địch rượt theo cùng qua sông Nái, qua tới giữa dòng sông, quân ta phục kích bên bờ nổ súng, buông cung, làm một số đông lính Pháp bị chết chìm. Camus bị một tên thuốc vào vai, kéo quân trở lại bờ bên kia; cuộc chiến đấu tiếp diễn, địch toan qua sông một lần nữa; lần này chúng bị đánh rát hơn, chủ tướng bị giết ngay dưới sông, bọn sống sót chạy thẳng một mạch về Quảng Khê [22, tr. 575].

Những cuộc tấn công đầu tiên của quân Pháp lên căn cứ vua Hàm Nghi đã bị thất bại. Nghĩa quân sau khi đánh lui được quân Pháp đã đưa vua Hàm Nghi đến xóm Ve, làng Thanh Tuyền, tổng Thanh Lạng và đóng quân ở Cửa Khe. Tại đây, nghĩa quân tiến hành xây đồn lũy bằng đất cao hai thước để làm căn cứ kháng Pháp lâu dài. Nhân dân Quảng Bình ở vùng Tuyên Hóa và các làng lân cận ra sức cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân đội của vua Hàm Nghi và tham gia công việc chuẩn bị kháng chiến. Những chiến thắng bước đầu của nghĩa quân trước giặc Pháp đã làm nức lòng nhân dân. Căn cứ vùng Thanh Thủy nghĩa quân tham gia ngày càng đông đảo, Tôn Thất Thuyết phải cho quân về vùng đồng bằng để dò la tin tức của giặc Pháp, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân để tranh thủ được nhiều hơn sự ủng hộ của nhân dân cho nghĩa quân.

Tuy thua, bọn Pháp vẫn cương quyết phục thù và quyết đánh cho được đồn Cửa Khe. Chúng chia ra hai đạo quân: Thiếu tá Plagnol mang quân từ Bãi Đức đánh vào, Thiếu tá Pelletier từ Hà Tĩnh tiến đến Qui Hợp rồi hành quân xuống Cửa Khe. Quân số của giặc là hai lữ đoàn. Quân ta ở trong đồn bắn ra, Pháp bị thiệt hại nhiều. Nhưng vì lực lượng quá nhỏ, Trương Quang Ngọc không dám ham chiến, đem vua chạy lánh sang núi Marai. Ngọc đưa vua đi ẩn khi ở Thanh Cước, khi ở Marai, có khi ở hẳn ở Cửa Khe, nhưng cũng chỉ quanh quẩn trong mấy khu rừng giáp ba tỉnh Quảng Bình - Hà Tĩnh - Cam Mông (Lào).

Quân Pháp phải chịu những tổn thất nặng nề sau những trận đánh đầu tiên nhưng không chịu từ bỏ âm mưu bắt sống vua Hàm Nghi, nhanh chóng dập tắt phong trào kháng chiến. Để gỡ lại ba lần thua liên tiếp trước nghĩa quân Cần Vương, quân Pháp do Thiếu tá Pelletier và Đại úy Parreaux chỉ huy, không cần đợi sự chi viện từ đội quân của Metzinger đã đánh chiếm sơn phòng ở Hà Tĩnh. Đội quân này gồm khoảng 250 lính theo sông Ngàn Sâu tiến vào Tuyên Hóa, suốt trong ba tuần bọn chúng không thu được kết quả như mong muốn. Một trận đánh lớn đã diễn ra tại Trại Na vào cuối tháng giêng năm 1886. Nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Đề đốc Trần Xuân Soạn đã dựa vào rừng núi hiểm trở để tiêu diệt quân giặc. Pháp vừa đánh thẳng vào quân kháng chiến, vừa chia nhau bọc hậu làm cho nghĩa quân bị nguy ngập. Bị kẹt giữa hai làn đạn của giặc, Đề đốc Trần Xuân Soạn phải vác loa kêu gọi các lính tập của Pháp: “Các con em đất Bắc! Đừng đánh vua, vua là cha chúng ta. Hãy quay súng về bọn Tây, bắn chết chúng đi, chúng không đông đâu! Hãy mang đầu chúng đến nộp để lãnh thưởng”! Trận này cả hai bên đều tổn thất nặng, quân Pháp chết mất 5 tên, bị thương 17 tên; quân của nhà vua cũng mất vài người [67, tr. 84]. Đến tháng 2 năm 1886, Thiếu tá Pelletier phối hợp với quân của Plagnol từ hai ngã Quì Hợp và Bãi Đức đánh vào căn cứ của Hàm Nghi. Nhờ có người chỉ đường, quân Pháp băng rừng vượt núi bao vây ngôi chùa mà vua Hàm Nghi ở. Pelletier phải giao chiến với toán quân cung nỏ của vua Hàm Nghi. Chúng bị tổn thất rất lớn mà không thu được kết quả gì. Quân Pháp phải nhờ quân đội của Thiếu tá Plagnol đến tiếp viện mới rút về Vinh. Nhờ sự chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân, quyết bảo vệ vua đến cùng nên vua Hàm Nghi đã thoát được. Từ lúc này vua phải chuyển chỗ ở liên tục để tránh sự vây bắt của Pháp.

Cùng với thắng lợi của nhân dân Quảng Bình, phong trào Cần Vương ở ngoài Bắc cũng phát triển mạnh mẽ, quân địch phải điều ba binh đoàn lưu động ở Bắc trung kì ra Bắc. Do đó, chúng phải rút hết đồn lẻ ở Quảng Bình, Hà Tĩnh để tập trung lực lượng giữ một số cứ điểm ở miền duyên hải. Nhân đó, nghĩa quân lại tranh thủ phát triển lực lượng và đẩy mạnh hoạt động. Địch phải thú nhận rằng: “Vùng ảnh hưởng của nghĩa quân Hàm Nghi mở rộng đáng kể” [89]. Con đường Đồng Hới và Vinh, địch chỉ mới đóng được một số cứ điểm lẻ tẻ, những trạm liên lạc và những đoàn xe của địch muốn thoát khỏi những trận phục kích của nghĩa

quân phải có đội hộ vệ vũ trang đi kèm. Những quan lại ngụy quyền do triều đình bù nhìn cử đến để thay những quan lại đã theo nghĩa quân vẫn không dám hoạt động. Vào tháng 11 năm 1886, viên tri huyện Bố Trạch phải ở trong đồn Quảng Khê và quyền hành của hắn không ra khỏi một vài làng ở xung quanh. Ở Quảng Trạch (Ba Đồn), bọn Pháp phải xây dựng ngay cạnh nhà viên tri huyện một đồn nhỏ để bảo vệ hắn nhưng hắn chỉ mới dám đi kiểm tra quanh vài làng ở gần đồn và ngày nào cũng lo bị đánh. Những viên đội hay cai do hắn cử đi tuần tiễu con đường qua lộ giữa Quảng Khê và Roòn, thường bị nghĩa quân giết chết. Vùng thượng lưu sông Gianh và sông Nậy cũng do nghĩa quân kiểm soát. Vùng sông Troóc, nghĩa quân cũng hoạt động rất mạnh. Họ làm chủ trong vùng, thu thuế, tuyển mộ nghĩa binh. Viên tri huyện Tuyên Hóa được lệnh bổ nhiệm nhưng không dám đến nơi nhận chức mà chỉ bám lấy gót giày của quân đội Pháp không dám ló ra khỏi Đồng Hới. Trước tình hình đó, địch không dám tổ chức càn quét và sục tìm căn cứ của vua Hàm Nghi. Những hoạt động quân sự qui mô của địch tạm thời ngừng lại, địch thú nhận rằng: “Từ mùa xuân, vùng thượng lưu giữa sông Nậy và sông Gianh không đến được, các làng dưới quyền kiểm soát của nghĩa quân” [89].

Một phần của tài liệu quảng bình kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỉ xv đến cuối thế kỉ xix (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(111 trang)
w