Nếu phân độ suy thận dựa vào mức Creatinin máu (>150 µmol/l) thì chúng ta có 23% trường hợp tương ứng với suy thận độ 1 và 4% suy thận độ mức độ 2 có 0,4% suy thận độ 3 trong đó suy thận độ 4 chiếm 0,1%. Trong nghiên cứu của Cieza và cộng sự cũng cho thấy tình trạng suy thận ở 42 người bệnh tả nặng điều trị tại Đơn vị tả thuộc Bệnh viện trường đại học Y của thủ đô Lima-Peru, với Creatinin trung bình là 121 ± 115 µmol/L ở 20 người < 60 tuổi và 194 ± 80 µmol/L ở 22 người ≥ 60 tuổi. Theo tác giả này, không có sự khác biệt có ý nghĩa của trị số này lúc vào viện ở bệnh nhân tả nặng theo nhóm tuổi [27].
Thay đổi điện giải đồ lúc vào viện của những bệnh nhân nghiên cứu cho thấy có đến (45,9%) bệnh nhân có hạ kali máu lúc vào viện. Tác giả Greenough ghi nhận trong bệnh tả mất nước nặng thường gây nhiễm toan, nhưng thiếu hụt kali nặng chỉ biểu hiện qua nồng độ kali máu thấp khi nhiễm toan đã được hiệu chỉnh [36]. Nguyễn Duy Thanh, cho rằng trong bệnh tả kali có thể tăng lúc ban đầu dù mất nhiều kali theo phân do sự di chuyển kali nội tế bào ra ngoài, còn natri và Clo có thể bình thường hoặc giảm [1]. Trong một nghiên cứu khác Phạm Bá Đà đã xác nhận có đến 36,9% số bệnh nhân có hạ kali máu lúc vào viện trong đó có gần 10% số bệnh nhân có mức hạ kali máu có thể gây triệu chứng cần phải bù kali [10].
Ở nghiên cứu này có 11,9% có biểu hiện toan máu ( pH <7,35). Đây là những bệnh nhân có xu hướng nhiễm toan. Không có sự tương quan giữa pH máu với huyết áp của bệnh nhân. Như vậy, tình trạng toan hóa máu chủ yếu do tiêu chảy mất HCO3 chứ không phải là hậu quả của tình trạng toan chuyển hóa do giảm tưới máu tổ chức do sốc gây ra. Nghiên cứu của Cieza nói trên tìm thấy những biểu hiện nhiễm toan rõ ở bệnh nhân tả bị mất nước nặng với pH lúc vào viện là 7,13 ± 0,11 (< 60 tuổi) và 7,11 ± 0,09(≥ 60 tuổi); HCO3 là 12,2 ± 3,1 mmol/L (< 60 tuổi) và 11,3 ± 2,4 mmol/L (≥ 60 tuổi) [27].