Kết quả loại trừ nấm, bảo tồn nhãn cầu

Một phần của tài liệu đánh giá tác dụng của fluconazole trong điều trị viêm loét giác mạc do nấm (Trang 49 - 52)

Kết quả thu được cho thấy, ở nhóm có dùng fluconazole, tỷ lệ khỏi là 50/57 bệnh nhân (87,7%). Trong khi đó, ở nhóm I, số mắt khỏi là 37/57 bệnh nhân (64,9%). Sự khác biệt về tỷ lệ khỏi giữa hai nhóm có ý nghĩa thông kê với p < 0,05. Điều này chứng tỏ fluconazole đã làm tăng đáng kể khả năng loại trừ nấm tại tổn thương giác mạc.

Theo nghiên cứu của Mahdy RA và cs (2010), khi so sánh điều trị phối hơp giữa nhỏ mắt amphotericin B (0,5 mg/ml) kết hợp tiêm dưới kết mạc fluconazole (2mg/ml) với nhỏ mắt amphotericin B (0,5 mg/ml) trên 48 mắt viêm loét giác mạc do nấm cho kết quả khỏi của nhóm có tiêm fluconazole là

22/24 mắt (83%), của nhóm chỉ nhỏ amphotericin B là 16/24 mắt (66,7%) [10]. Kết quả này tương tự kết quả nghiên cứu chúng tôi, điều này cho thấy fluconazole có hiêu quả trong việc điều trị nấm tại giác mạc.

Một số tác giả khác khi nghiên cứu nghiên cứu điều trị viêm loét giác mạc do nấm có tiêm fluconazole cho kết quả tốt:

Yilmaz S và cs (2005), đã nghiên cứu tiêm dưới kết mạc 1ml fluconazole 2% × 2 lần/ngày trên 13 mắt viêm loét giác mạc nặng do nấm sau 10 ngày điều trị mà không đáp ứng với với thuốc chống nấm tra mắt, tiêm tĩnh mạch fluconazole và uống itraconazole cho kết quả khỏi 8 trong số 13 mắt chiếm 61,5% [7].

Dev S và cs (2006), đã nghiên cứu tiêm dưới kết mạc 0,5ml fluconazole 2% × 1 lần/ngày bổ xung sau khi điều trị thất bại với uống ketoconazole 200mg × 2 lần /ngày, tra natamycin 5% hoặc clotrimazole 1% × 2 lần/giờ, tra thuốc mỡ itraconazole cho 33 mắt viêm loét giác mạc nặng do nấm sợi cho kết quả khỏi 18/33 mắt khỏi (54,5%) [9].

So với nghiên cứu một số tác giả khi điều trị viêm loét giác mạc do nấm không tiêm fluconazole thì kết quả ít khả quan:

Đoàn Cao Minh và cs (1992 - 1994) đã sử dụng miconidazole tiêm dưới kết mạc và tra mắt để điều trị 285 mắt nhiễm nấm giác mạc cho kết quả 137 mắt khỏi (48%) [41]. Kết quả khỏi này thấp hơn nhóm II của chúng tôi và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,001, có thể do bệnh nhân chỉ dùng một loại thuốc chống nấm.

Trần Thị Phương Thu và cs (1994 - 1995) khi nghiên cứu điều trị 90 mắt viêm loét giác mạc do nấm bằng itraconazole hoặc ketoconazole đường uống đơn thuần và phối hợp với ketoconazole 0,3% tra tại mắt, tác giả nhận thấy số mắt khỏi là 41/90 (46%), trong đó ở nhóm bệnh nhân chỉ điều trị

bằng đường uống itraconazole là 19/30 (46%), ở nhóm điều trị bằng itraconazole uống phối hợp với tra ketoconazole là 16/30 (53%) và ở nhóm điều trị bằng ketoconazole uống và tra là 6/30 (20%) [49]. Khi so sánh với kết quả của nhóm II chúng tôi thì tỷ lệ khỏi của chúng tôi cao hơn và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Kết quả trên cho thấy sự phối hợp giữa uống itraconazole với tra ketoconazole không làm tăng hiệu quả điều trị. Có thể phối hợp uống itraconazole với tiêm dưới kết mạc fluconazole có hiệu quả tốt hơn.

Thái Lê Na (2006) đã nghiên cứu điều trị viêm loét giác mạc do nấm bằng phối hợp amphotericin B tại chổ và uống itraconazole cho 98 mắt có 80 mắt khỏi (81,6%). Kết quả khỏi của nghiên cứu này thấp hơn nhóm II của chúng tôi nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05, điều này có thể do bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu ở mức độ nặng (77,2%) ở cả nhóm I và nhóm II trong khi nghiên cứu Thái Lê Na chỉ có 36,1% ở mức độ nặng.

Basak S. K. và cs (2004) đã điều trị 23 mắt viêm loét giác mạc sâu có mủ tiền phòng do nấm bằng amphotericin B 5-15µg/0,1ml tiêm tiền phòng phối hợp điều trị nội khoa (tra mắt natamycin 5%, amphotericin B 0,15% và uống fluconazole) cho kết quả khỏi 17/23 mắt (73,9%). So sánh kết quả nhóm II chúng tôi với nghiên cứu này, tỷ lệ khỏi chúng tôi cao hơn với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Lê Thị ngọc Lan và cs (2010) đã điều trị 25 mắt viêm loét giác mạc có mủ tiền phòng bằng amphotericin B 5μg/0,1ml phối hợp với tra amphotericin B 0,15%, tra natamucin 5%, uống itraconazole 100mg cho kết quả khỏi 22/25 mắt (88%). Kết quả khỏi nghiên cứu này tương đương với kết quả của nhóm II chúng tôi do cỡ mẫu nghiên cứu Lê Thị ngọc Lan và cs chỉ 22 mắt trong

khi nghiên cứu chúng tôi có mỗi nhóm là 57 mắt. Mặt khác kỹ thuật tiêm thuốc tiền phòng khó khăn, khi tiêm vào nhãn cầu gây kích thích, đau nhức mắt và có thể đục thể thủy tinh.

Trước đây, tại khoa KGM fluconazole cũng đã được dùng để điều trị VLGM do nấm. Kết quả ban đầu cho thấy fluconazole có tác dụng tốt trong điều trị. Đó chính là cơ sở để chúng tôi thực hiện nghiên cứu này. Với nhóm I, sau khi bệnh nhân được điều trị theo phác đồ 10 ngày [7], nếu tình trạng bệnh nặng lên thì được coi là không đáp ứng với điều trị. Để đảm bảo lợi ích của bệnh nhân, chúng tôi đã dùng thêm fluconazole cho những bệnh nhân này. Điều này thì tốt cho bệnh nhân nhưng lại làm giảm tính chính xác của nghiên cứu vì mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm chứng minh tác dụng điều trị của fluconazole. Việc chuyển sang dùng thêm fluconazole cũng có nghĩa là chúng tôi đã “thừa nhận” fluconazole đã có tác dụng trong điều trị nhiễm nấm giác mạc. Với 15 mắt được điều trị thêm fluconazole ở nhóm I, có 5 mắt khỏi bệnh, chiếm 30% tổng số mắt được điều trị thêm này. Nếu cộng cả những mắt được điều trị khỏi thêm này vào số mắt được tính là điều trị khỏi thì tổng số mắt điều trị khỏi ở nhóm I là 42, chiếm tỷ lệ 73,7%. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn tỷ lệ khỏi của nhóm có dùng fluconazole ngay từ đầu (bảng 3.13). Số liệu này càng khẳng định rằng, fluconazole thực sự có hiệu quả trong điều trị VLGM do nấm.

Với những mắt được điều trị bằng fluconazole bổ sung, tỷ lệ khỏi là 30%, thấp hơn so với tỷ lệ khỏi của nhóm điều trị bằng fluconazole ngay từ đầu (87,7%). Điều này chứng tỏ việc dùng fluconazole sớm hơn thì hiệu loại trừ nấm sẽ cao hơn.

Một phần của tài liệu đánh giá tác dụng của fluconazole trong điều trị viêm loét giác mạc do nấm (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(93 trang)
w