Các đặc điểm về quan hệ cội nguồn, loại hình và xã hội ngôn ngữ

Một phần của tài liệu hệ thống ngữ âm tiếng rơ-măm (Trang 28 - 33)

6. Bố cục của luận văn

1.2.2.Các đặc điểm về quan hệ cội nguồn, loại hình và xã hội ngôn ngữ

học tiếng Rơ-măm

1.2.2.1. Về quan hệ cội nguồn

Theo các nhà nghiên cứu quan hệ cội nguồn, tiếng Rơ-măm là một ngôn ngữ thuộc tiểu chi Ba-na (được xác định có tới 29 ngôn ngữ (?)) [3], chi Môn- Khơme, được phân bố trong một vùng rộng lớn giữa Nam-Trung bộ Việt Nam, Nam Lào và Tây Bắc Campuchia.

Các ngôn ngữ thuộc tiểu chi Ba-na được chia thành ba nhóm nhỏ hơn là: Nhóm Ba-na Nam, nhóm Ba-na Bắc và nhóm Ba-na Tây. Hai nhóm Ba-na Nam và Ba-na Bắc vừa có mặt trên lãnh thổ Việt Nam vừa có mặt trên lãnh thổ Lào và Campuchia. Riêng nhóm Ba-na Tây phân bố chủ yếu ở lãnh thổ Lào. Theo các nhà nghiên cứu quan hệ cội nguồn thì tiếng Rơ-măm thuộc nhóm Ba-na Tây (Smith, K.D., 1981; Jacq, Pascale & Sidewell, P. 2000; Sidwell, P., 2000; 2002, 2003...). [35], [36], [39].

Theo các học giả Việt Nam [3], [13] … Nếu xếp theo thành phần dân tộc thì tiểu chi ngôn ngữ Ba-na là tiểu chi có nhiều thành phần ngôn ngữ nhất ở Việt Nam (12/54 ngôn ngữ). Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thuộc tiểu chi này được chia thành:

+ Nhóm Ba-na Bắc gồm: Tiếng Ba-na, Xơ-đăng, Hrê, Giẻ - Triêng, Co, Brâu, Rơ-măm.

+ Nhóm Ba-na Nam gồm: tiếng Cơ-ho, Mnông, Xtiêng, Mạ, Chơ-ro.

Tuy nhiên, với những cứ liệu hiện có, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đang phân chia lại các ngôn ngữ tiểu chi Ba-na thành nhiều nhóm khác nhau. Hiện nay, chính Viện Ngôn ngữ học cũng đã và đang tiếp tục cùng Ủy ban dân tộc của Chính phủ tiếp tục vấn đề xác định số lượng các ngôn ngữ thuộc tiểu chi Ba-na. Thực tế, hiện nay trên danh mục thành phần dân tộc thì có 12 dân tộc sử dụng các ngôn ngữ tiểu chi này, tức có 12 ngôn ngữ. Song thực tế lại hoàn toàn khác bởi nhiều người cho rằng các ngôn ngữ như Triêng (thuộc DT Giẻ - Triêng), hay tiếng Brâu có lẽ nên coi là ngôn ngữ thuộc nhóm Ba-na Tây (Smith, K.D., 1981, hay một vài người khác nữa) hoặc tiếng Rơ-măm (Lamam) được Smith, K.D., 1981 coi là thuộc Ba-na trung tâm, chứ không phải là thuộc Ba-na Bắc Đây là một vấn đề hết sức phức tạp.

Hình 1.3 Bản đồ các ngôn ngữ Bahnaric của Eva Ujlakyova (2013) Nguồn : Mon-Khmer Studies Volume 42.

Là một trong những tiểu chi ngôn ngữ điển hình thuộc chi Môn-Khơ me, họ ngôn ngữ Nam Á, lại có địa bàn phân bố ở nhiều quốc gia, các ngôn ngữ tiểu chi này được nhiều học giả trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Có thể nhắc đến một loạt tên tuổi với những công trình nghiên cứu quan trọng về các ngôn ngữ Ba-na như: Smith, K.D (1972, 1981); Sidwell, P. (2000, 2002, 2003, 2009, 2010...), Sidwell, P., & Jacq Pascale (2003); Robert Headley- David Thomas.

Bahnaric

West

-Jru’ (Laven), Juk, , Su’ -Nyaheaun, -Ôi, Laveh, Brao, Krưng, Kravet, Sok, Sapuan, The

Central -Taliang (Kasseng) -Alak -Central South: Tampuon,Bahnar -South Bahnaric: Chrau, Sre, Stieng, Mnong. North -Halang, Kayong -Jeh -Kotau -Tadrah, Modrah -Sedang -Hrê -Mơnơm (Bơnâm), -Rengao -Kaco’, Ramam (Rơ-măm) East -Cua (Kor) Sơ đồ về vị trí của tiếng Rơ-măm trong các ngôn ngữ Bahnaric.

Sơ đồ 1.1: Sơ đồ phân loại các ngôn ngữ Bahnaric của Sidwell (2009) 1.2.2.2. Đặc điểm về loại hình

Theo các nhà loại hình học, tất cả các ngôn ngữ ở Việt Nam đều thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập (hay còn được gọi là các ngôn ngữ “phi hình thái”, “vô dạng”, “không biến hình”, “đơn âm”, “phân tiết tính”, “đơn tiết tính”…, tuỳ thuộc vào quan niệm và góc nhìn khác nhau). Tuy nhiên, trong cách hiểu chung nhất, gọi một ngôn ngữ là “đơn lập” tức là nói rằng trong ngôn ngữ đó quan hệ giữa các từ được biểu thị không phải bằng các phụ tố chứa trong bản thân từ, mà bằng những phương tiện nằm bên ngoài từ, tuy mức độ tính đơn lập biểu hiện ở các ngôn ngữ có khác nhau. Theo cách phân loại chi tiết hơn về loại hình đơn lập của

Yu. Jakhontov thì tiếng Rơ-măm thuộc tiểu loại hình cổ. Chỉ riêng thuộc tiểu loại hình cổ thôi thì tiếng Rơ-măm là một ngôn ngữ đa tiết (hay còn gọi là ngôn ngữ âm tiết rưỡi), không có thanh điệu, mang dấu vết của hệ phụ tố phong phú cổ xưa.

1.2.2.3. Đặc điểm về xã hội-ngôn ngữ học

Sa Thầy là huyện miền núi lớn nhất tỉnh Kon Tum. Địa hình của Sa Thầy chủ yếu là vùng núi và cao nguyên. Giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là từ thị trấn Sa Thầy về xã Mo Rai. Sa Thầy bao gồm 11 xã và thị trấn, là địa bàn sinh sống của hơn 20 dân tộc anh em với tổng số dân là hơn 40 nghìn người, trong đó gần 40 % là người Kinh và khoảng 60 % là các dân tộc thiểu số như: Gia-rai, Xơ-đăng, Ba-na, Rơ-măm, Hrê, Giẻ-Triêng, Brâu, Ê đê, Ra-glai, Xtiêng, Thái, Tày, Dao, Mường, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Thổ, Nùng, Pu Péo. Trong đó các dân tộc có số dân đông là: Gia-rai, Xơ-đăng, Ba-na.

Xã Mo Rai là một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Sa Thầy, tiếp giáp với phía Bắc Campuchia. Nơi đây là địa bàn cư trú của đồng bào 5 dân tộc: Gia-rai, Kinh, Rơ-măm, Thái, Mường. Người Gia-rai và người Kinh là những dân tộc chiếm ưu thế ở khu vực này. Về cơ cấu hành chính Mo Rai bao gồm 7 làng và 2 xóm công nhân (thuộc công ty quốc phòng 78). Trong đó, làng Le đông dân thứ 3 trong xã với 113 hộ và 407 nhân khẩu. Ở làng Le, ngoài người Rơ-măm chiếm đa số, còn một số ít người Kinh mới ở nơi khác đến sinh sống trong vài năm gần đây.

Địa bàn xã Mo Rai là địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống, do đặc điểm không gian sinh sống cũng như quá trình phát triển của lịch sử xã hội mà tiếng Rơ-măm có sự tiếp xúc lâu dài với các ngôn ngữ như: Gia-rai, Việt….

Với lợi thế về số dân đông từ lâu tiếng Gia-rai đã trở thành ngôn ngữ vùng của khu vực này. Tuy nhiên, hiện nay tiếng Việt cũng đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp giữa các dân tộc trong vùng. Còn tiếng Rơ-măm chỉ được sử dụng trong phạm vi làng Le.

Trong lĩnh vực giao tiếp hành chính, ở cấp xã tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất, tiếp đến là tiếng Gia-rai. Tiếng Rơ-măm chỉ được sử dụng trong giao tiếp hành chính cấp làng, nơi mà số người Rơ-măm chiếm tuyệt đại đa số.

Trong giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình cũng như trong giao tiếp tâm linh, người Rơ-măm vẫn duy trì khá tốt tiếng nói của dân tộc mình. Họ có ý thức tốt trong việc bảo tồn tiếng mẹ đẻ, tiếng Rơ-măm vẫn là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình, những người đồng tộc trong làng Le. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cũng cho thấy rằng tiếng Việt đang len lỏi vào đời sống sinh hoạt, kể cả trong lĩnh vực giao tiếp tâm linh của người Rơ-măm (nơi mà ngôn ngữ được cho là có tính bảo thủ cao).

Một phần của tài liệu hệ thống ngữ âm tiếng rơ-măm (Trang 28 - 33)