Về người Rơ-măm

Một phần của tài liệu hệ thống ngữ âm tiếng rơ-măm (Trang 26 - 28)

6. Bố cục của luận văn

1.2.1.Về người Rơ-măm

Người Rơ-măm là một trong những dân tộc có số dân ít ỏi tại Việt Nam. Theo một số tài liệu [22], [23]…. thì đầu thế kỷ XX người Rơ-măm còn có 12 làng, nay chỉ còn lại làng Le bên bờ sông Sa Thầy và một hoặc hai làng ở Campuchia, loạn lạc, dịch bệnh, chiến tranh đã cướp đi 9/10 số dân của tộc người này.

Người Rơ-măm ở Việt Nam hiện nay chỉ có 436 người (1), có mặt tại 7 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Cư trú tập trung tại Làng Le, xã Mo-rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum (419 người, chiếm 96,1% tổng số người Rơ- măm tại Việt Nam). Ngoài ra còn có người Rơ-măm ở một số tỉnh khác như:

thành phố Hồ Chí Minh (9 người), Đồng Nai (3 người). Làng của người Rơ- măm theo chế độ tự quản, đứng đầu là già làng, người có tư cách đạo đức tốt, hiểu rõ luật tục, được dân làng tín nhiệm và tôn trọng. Quan hệ xã hội ở đây còn lưu giữ khá đậm các tàn dư của thời kỳ mẫu hệ vào giai đoạn đang chuyển nhanh sang chế độ phụ quyền.

Người Rơ-măm sinh sống chủ yếu bằng phát rẫy, làm nương, chọc tỉa và săn bắn, thức ăn chủ yếu theo mùa. Lúa nếp là loại cây trồng chính và đây cũng là lương thực chủ yếu của người Rơ-măm. Ngày nay, cùng với lúa rẫy thì người Rơ-măm đã biết trồng lúa nước.

Nếu như ngày xưa, cồng chiêng và lúa được coi là tài sản thể hiện sự giàu có của các gia đình thì ngày nay đồng bào Rơ-măm đã có quan niệm khác, nhà nào có nhiều trâu bò, nhiều ruộng lúa nước, nhiều rẫy cao su, bời lời… mới là giàu có. Săn bắn và hái lượm vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây. Ngoài ra đồng bào còn biết chăn nuôi gia súc, đan lát và dệt vải.

Người Rơ-măm xưa kia, ở trong những ngôi nhà sàn dài, xếp quanh ngôi nhà chung, mỗi nhà có nhiều bếp. Ngày nay người Rơ-măm sống trong những ngôi nhà kiên cố, nhà sàn truyền thống ngày càng thưa thớt.

Đồng bào Rơ-măm vẫn còn thói quen ăn bốc, trong lễ hội thường uống rượu cần. Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, người dân tộc Rơ-măm tin tưởng vào sự tồn tại của linh hồn. Do vậy, họ cũng xây dựng nền văn hóa ẩm thực mang tính tôn thờ thần linh, thể hiện rõ sự ngưỡng vọng, tôn kính, cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no.

Người Rơ-măm hiện nay vẫn còn duy trì những tục thờ cúng liên quan đến sản xuất nương rẫy để cầu mong sự phù trợ của các vị thần như lễ cúng Yàng, lễ cúng lúa mới, lễ cầu mưa ... Lễ, hội được coi là một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất vẫn còn được người Rơ-măm duy trì đến ngày nay, trong đó 3 lễ hội quan trọng nhất là: trọc tỉa, cúng mừng lên đòng và cúng lúa mới. Những lễ hội này gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp của người Rơ-măm. Lễ hội trọc tỉa (theo

tiếng Rơ-măm là Et Choi [t cj]) được diễn ra khi các gia đình chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Đến khi lúa chuẩn bị trổ bông thì các gia đình làm một cái lễ đơn giản (còn được gọi là Et Gah) để cúng Yàng, cảm ơn về quãng thời gian qua Yàng đã phù hộ để cây lúa, cây bắp lên tốt và cầu mong Yàng tiếp tục phù hộ để có một mùa rẫy bội thu. Lễ cúng mừng lúa mới (hay còn gọi là Et Nhu [t ul]) là lễ to nhất được diễn ra khi việc thu hoạch của người dân đã diễn ra xong xuôi và chuẩn bị đưa lúa xuống kho, đây cũng là tết của người Rơ-măm.

Cùng với lễ hội thì tục lệ ma chay cũng được người Rơ-măm lưu giữ. Nghĩa địa của người Rơ-măm luôn nằm về phía Tây của làng bởi theo quan niệm nếu đặt về hướng Đông thì khi mặt trời mọc và đi qua làng, linh hồn người chết cũng sẽ đi theo sẽ không tốt, các ngôi mộ được sắp xếp có trật tự, khi chôn, tránh để người dưới mộ "nhìn" về phía làng. Sự khác biệt là ngày nay, người Rơ-măm không còn tục lệ chôn chung người chết trong một gia đình như trước đây.

Khác với nhiều dân tộc, trang phục truyền thống của người Rơ-măm thường dùng màu trắng của vải mộc, có phong cách riêng trong cách tạo dáng và trang trí, nhất là trên trang phục của người phụ nữ. Đàn ông, con trai thì đóng khố, còn đàn bà, phụ nữ mặc váy và áo, có trang trí các đường viền màu đỏ làm nổi bật lên trang phục và nét duyên dáng của người phụ nữ Rơ-măm. Cùng với váy, áo; Trước đây, phụ nữ Rơ-măm còn đeo nhiều đồ trang sức như hoa tai, vòng tay…

Người Rơ-măm còn có ca dao, tục ngữ, một số điệu dân ca và truyện cổ. Nhạc cụ của người Rơ-măm gồm có chiêng, trống và đàn, sáo...

Một phần của tài liệu hệ thống ngữ âm tiếng rơ-măm (Trang 26 - 28)