Nhìn chung, đối với các địa danh dùng cho đặc sản của địa phương, nếu việc xây dựng chỉ dẫn địa lý là không phù hợp hoặc chưa có đủ các điều kiện cần thiết thì việc bảo hộ địa danh dưới hình thức NHCN, NHTT là lựa chọn tốt nhất nhằm đảm bảo và nâng cao giá trị cho đặc sản đó.
Hàng năm số lượng rất lớn đơn đăng ký nhãn hiệu mới được nộp ở Việt Nam, bao gồm đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp (“đơn quốc gia”) tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) hoặc tại các Văn phòng đại diện của Cục SHTT, và đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu (“đơn quốc tế”) theo hệ thống Madrid được nộp tại Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trước khi chuyển về Việt Nam và được tiếp nhận bởi Cục SHTT. Số lượng đơn đăng ký được ghi nhận ngày càng tăng tính theo hàng năm, đạt mức tăng trung bình khoảng gần 20%.
Theo báo cáo của Cục SHTT, từ năm 2012 đến thời điểm tháng 10/2013, Cục SHTT đã nhận gần 29.600 đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia, xử lý trên 29.000 đơn, trong đó từ chối bảo hộ trên 7.500 đơn, chấp nhận bảo hộ trên 20.000 đơn; nhận trên 5.000 đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế có chỉ định Việt Nam theo hệ thống Madrid, xử lý trên 4.900 đơn, trong đó từ chối bảo hộ trên 1.300 đơn, chấp nhận bảo hộ trên 3.500 đơn. Cũng trong năm 2013 đến thời điểm này, Cục SHTT mới chỉ nhận được 113 đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam các loại, trong đó có 83 đơn nộp mới và 30 đơn sửa đổi, gia hạn, hạn chế danh mục sản phẩm, dịch vụ.
Việc sử dụng, tạo lập và đăng ký NHCN vẫn là một vấn đề khá mới ở Việt Nam. Tính từ ngày Luật SHTT có hiệu lực (01/07/2006) đến 2013 mới có 24 NHCN được cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ.
Như vậy, bằng một vài số liệu trên chúng ta có thể nhận thấy số lượng đơn quốc gia và đơn quốc tế đạt con số rất lớn. Vậy nếu xét dưới khía cạnh sử dụng thực tế, phải chăng tất cả các nhãn hiệu đã đăng ký đều đang sử dụng tại Việt Nam? Câu trả lời là không. Mặc dù chưa có một thống kê hay điều tra chính thức nào về thực trạng sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký ở Việt Nam, tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi chỉ có khoảng 15-20% số lượng nhãn hiệu đã đăng ký là đang được sử dụng.( Lê Quang Vinh, năm 2011, [10]).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số lượng lớn Nhãn hiệu đăng ký lại chưa bao giờ được nhìn thấy trên thị trường có thể được lý giải bằng nhiều lý do rất đa dạng, chẳng hạn như một số chủ thể muốn đăng ký nhãn hiệu để đầu cơ, để ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh khác, để giữ chỗ cho một dự án đầu tư vào Việt Nam mà khả năng kiếm lợi nhuận có thể chưa thực sự rõ ràng, chủ sở hữu đã bị phá sản, không còn tồn tại hoặc thu hẹp thị trường, v.v…