Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Một phần của tài liệu Thực trạng công tác tuyển dụng và đào tạo đại lý bảo hiểm nhân thọ tại công ty Bảo Việt Nhân thọ Hà Nam (giai đoạn 20092013) (Trang 77 - 78)

Nâng cao chất lượng của lực lượng đại lý được đặt ra là một mục tiêu, định hướng hoạt động của BVNT Hà Nam trong suốt những năm gần đây. Với mục tiêu này, BVNT Hà Nam đã liên tục đầu tư cho các hoạt động đào tạo, huấn luyện, cũng như các hoạt động hỗ trợ, thi đua cho đại lý. Tuy nhiên, để định hướng này được hoàn thiện hơn về chất lượng, BVNT Hà Nam cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía các Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài Chính, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam).

a. Quản lý chặt chẽ thông tin, chất lượng đầu ra của đại lý:

Hiện nay, nhiều công ty BHNT chỉ nhằm tăng số lượng, mà không quan tâm đến chất lượng đại lý mới tuyển dụng. Do đó, số lượng đại lý “ảo”, đại lý không hoạt động chiếm số lớn. Quan ngại hơn, nhiều đại lý đi tư vấn cho khách hàng mà không hiểu rõ về vai trò, bản chất bảo hiểm nhân thọ và sản phẩm; đưa thông tin không chính xác, trung thực đến khách hàng, tư vấn chỉ vì mục đích thu được hoa hồng. Đặc biệt nghiêm trọng là vấn đề đạo đức của người đại lý : đại lý thông đồng với khách hàng trục lợi bảo hiểm, mạo danh đại lý BHNT nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng… Gần đây nhất là vụ cựu đại lý của Prudential lấy danh nghĩa công ty để chiếm đoạt 232 tỷ đồng của người dân tại Quảng Ninh.

Do đó, với vai trò là cơ quan quản lý cấp cao của Nhà nước về bảo hiểm nói chung và BHNT nói riêng, Các cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính cần có những giải pháp để kiểm soát kỹ hơn các thủ tục phỏng vấn, rà soát đầu vào khi cấp chứng chỉ đại lý BHNT; cần có biện pháp răn đe và phạt nặng ứng viên thi chứng chỉ đại lý và công ty BHNT có hành vi gian dối trong thi tuyển lấy bằng đại lý. Thắt chặt “đầu vào” của nghề đại lý BHNT là một biện pháp cần thiết ngăn ngừa những hành vi xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành BHNT nói riêng, và toàn nền kinh tế nói chung.

b. Kiểm soát chặt chẽ nội dung đào tạo:

Hiện tại trên thị trường, chỉ có 2 doanh nghiệp duy nhất được Bộ Tài chính cho phép sử dụng nội dung bài giảng riêng và giảng thay phần kiến thức cơ bản, trong đó có Bảo Việt Nhân thọ. Với vai trò kiểm soát nội dung đào tạo, các cơ quan quản lý cũng có thể đưa ra những đề xuất, đóng góp với nội dung đào tạo của các doanh nghiệp BHNT, từ đó làm phong phú hơn nội dung của các chương trình đào

tạo, đưa ra các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức cần thiết đối với đại lý. Và đặc biệt, việc kiểm soát cũng nên đưa ra yêu cầu cập nhật liên tục các kiến thức mới, sự kiện mới để đại lý có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp, về cách thức thực hiện công việc.

Đại lý BHNT là hình ảnh của công ty, là người trực tiếp tiếp xúc, truyền đạt thông tin, tư vấn sản phẩm đến khách hàng. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát nội dung đào tạo của công ty, các cơ quan quản lý cũng cần trực tiếp giám sát hoặc đột xuất kiểm tra các buổi thi, kiểm tra kỹ năng, kiến thức về bảo hiểm, BHNT, sản phẩm BHNT của đại lý, nhằm tránh tình trạng đại lý thiếu kiến thức chuyên môn, tư vấn sai thông tin đến khách hàng, làm giảm uy tín của công ty bảo hiểm nói riêng và toàn ngành BHNT nói chung và hạn chế các trường hợp đại lý mới được tuyển theo định hướng “chạy chỉ tiêu” của các đại lý tuyển dụng.

c. Truyền thông về ý nghĩa BHNT:

Vai trò quan trọng của BHNT đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tổ chức và toàn bộ nền kinh tế là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tại sao Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng, với khoảng 5% dân số tham gia BHNT? Tại sao nghề đại lý BHNT ở Việt Nam vẫn mãi là một nghề tay trái, một nghề bán chuyên để kiếm thêm thu nhập? Lý do chính là vì người dân chưa được cung cấp những kiến thức cần thiết về BHNT, chưa thấy được ý nghĩa của BHNT, thấy được những cái được, cái tốt mà BHNT mang lại. Thời hạn bảo hiểm của BHNT lại quá dài, người dân không thấy được lợi ích lâu dài. Khi rủi ro không thuộc phạm vi bảo hiểm xảy ra, người tham gia không được bồi thường, nhưng do thiếu kiến thức, người dân lại cho đó là “lừa đảo”… Rất nhiều những hạn chế mà ngành BHNT phải đối mặt do sự thiếu thông tin của người dân về BHNT có thể kể ra.

Do đó, các cơ quan nhà nước về bảo hiểm cần quan tâm và xây dựng chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là về nghề bảo hiểm nhân thọ. Một khi người dân thật sự thấy được tiềm năng và có những suy nghĩ đứng đắn về nghề, có tâm huyết và yêu thích nghề, thì chất lượng tuyển dụng và đào tạo đại lý BHNT sẽ tự được nâng cao, ngành BHNT cũng phát triển.

Một phần của tài liệu Thực trạng công tác tuyển dụng và đào tạo đại lý bảo hiểm nhân thọ tại công ty Bảo Việt Nhân thọ Hà Nam (giai đoạn 20092013) (Trang 77 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w