Kết quả chính của nghiên cứu

Một phần của tài liệu Đánh giá chất lượng đào tạo đại học từ góc độ sinh viên trường đại học Bách Khoa TP.HCM (Trang 66 - 68)

5.2.1 Đánh giá chất lượng đào tạo

Đánh giá về chất lượng chương trình đào tạo: cựu sinh viên đánh giá ở mức từ trung bình đến trung bình khá (mean từ 3.01 đến 3.22). Chất lượng đào tạo hiện nay nặng về lý thuyết, nội dung môn học cũ, không phù hợp với nhu cầu thực tế, thời gian thực hành và đi thực tế thì quá ít. Muốn đảm bảo chất lượng, chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu người học, đáp ứng thị trường lao động và yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, chương trình đào tạo cần phải được thiết kế sát với thực tế và thường xuyên cập nhật đổi mới nội dung, các sinh viên cần có nhiều hơn nữa những bài học từ tình huống thực tiễn và thời gian thực hành, ứng dụng kiến thức đã học.

Ngoài ra, khi đánh giá yếu tố rất quan trọng và cần thiết cho người học là “Cung cấp các kỹ năng mềm cần thiết”, cựu sinh viên đánh giá ở mức dưới trung bình (mean= 2.96). Điều này phản ánh thực tế, việc trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên thường được xem nhẹ ở các trường đại học vì các kiến thức chuyên môn đã chiếm quá nặng trong chương trình học. Chính vì vậy, cần thiết phải đưa các kỹ

năng mềm vào các môn học trong quá trình đào tạo sẽ góp phần năng cao hiệu quả đào tạo, đáp ứng được nhưu cầu thực tiễn xã hội.

Đánh giá về ý thức học tập: người học trong các trường đại học công lập có ý thức học tập là tốt, họ rất nghiêm túc trong học tập (mean = 3.74), họ có mục đích và động cơ học tập rõ ràng, cùng với định hướng tương lai đã xác định rõ ràng. Tuy nhiên họ vẫn còn thụ động, ít tham gia đóng góp ý kiến trong giờ học. Có thể nói rằng yếu tố này vốn thuộc về văn hóa đất nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, người học luôn chỉ muôn tập trung lắng nghe thầy cô giảng dạy, chưa mạnh dạn đưa ý kiến đóng góp, tham gia bài giảng. Như vậy nhà trường cần có biện pháp khuyến khích và kích thích sự tham gia vào bài giảng trong giờ học của các học viên hơn nữa.

Đánh giá về chất lượng giảng viên: cựu sinh viên đánh giá cao về trình độ chuyên môn và sự sẵn sàng giải đáp các khúc mắc của sinh viên, nhưng các giảng viên hiện nay vẫn bị coi là thiếu kiến thức thực tiễn, chưa giải đáp một cách thỏa đáng các khúc mắc của người học, do đó chưa truyền tải và chưa có được phương pháp giảng dạy kích thích tính sáng tạo của sinh viên.

Việc kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy như bài tập nhóm, ứng dụng thảo luận, trình bày và giải quyết các tình huống thực tế trên lớp được áp dụng còn khá ít. Đây là một vấn đề cần lưu ý để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu người học.

Đánh giá về chất lượng cơ sở vật chất: cựu sinh viên đánh giá ở mức trung bình khá đối với cơ sở vật chất hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu khoa học. Phòng học rộng, thoáng mát là một trong những nhân tố giúp cả người dạy lẫn người học trong quá trình truyền đạt kiến thức và tiếp thu bài, và tạo điều kiện chủ động cho việc áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy sinh động. Cựu sinh viên đánh giá yếu tố này cao nhất trong phần cơ sở vật chất (mean=3.52).

Yếu tố mà cựu sinh viên đánh giá thấp nhất trong các yếu tố cơ sở vật chất là thiết bị thực hành và phòng thí nghiệm (mean = 3.24). Thực tế một số phòng thí nghiệm

thường xuyên phải hoạt động quá tải để đáp ứng nhu cầu số lượng sinh viên quá đông.

Đánh giá về kết quả đào tạo: cựu sinh viên đánh giá khá tốt về khả năng tự học, khả năng làm việc nhóm,khả năng phân tích, đánh giá và giải quyết vấn đề. Đó là những điều mà họ nhận được nhiều nhất từ trường đại học. Tiếp đó là kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, kiến thức và kỹ năng về quản lý/tổ chức công việc. Tuy được học rất nhiều kiến thức, nhưng mức độ ứng dụng kiến thức vào công việc chỉ ở mức trung bình.

Một điều cần lưu ý đó là khả năng sử dụng ngoại ngữ của các cựu sinh viên còn hạn chế. Đây là yếu tố có thể xem như là điểm yếu của cựu sinh viên các trường công lập khu vực TP.HCM hiện nay. Để cải thiện vấn đề này, các trường đại học cần xem lại chương trình đào tạo môn ngoại ngữ sao cho có hiệu quả cao hơn, các cựu sinh viên hầu như đều đạt được tín chỉ môn học ngoại ngữ trong nhà trường, nhưng thực tế lại không thể vận dụng nó trong thực tiễn. Do đó họ đánh giá khả năng sử dụng ngoại ngữ là thấp nhất ( mean = 3.17).

Một phần của tài liệu Đánh giá chất lượng đào tạo đại học từ góc độ sinh viên trường đại học Bách Khoa TP.HCM (Trang 66 - 68)