Những rủi ro tín dụng xuất hiện khi cho vay không chỉ do bản thân phương án kinh doanh kém hiệu quả, mà còn do ngân hàng thiếu kiểm tra, kiểm soát để khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích, hoặc khi kết thúc chu kỳ kinh doanh sử dụng vốn vào mục đích khác …. Để phòng ngừa những rủi ro này, cần thực hiện kiểm soát chặt chẽ trong và sau khi cho vay.
Trong thực hiện giải ngân: thực hiện giải ngân theo đúng các quyết định cấp tín dụng của cấp phê duyệt, đối chiếu giữa mục đích vay, yêu cầu giải ngân và cơ cấu các chi phí trong nhu cầu vốn của khách hàng, đảm bảo việc sử dụng vốn vay có đầy đủ chứng từ chứng minh và hợp lệ. Hạn chế giải ngân bằng tiền mặt trừ những trường hợp đặc thù do hoạt động kinh doanh của khách hàng như cho vay thu mua nông, lâm thủy sản của các hộ dân, trả lương công nhân viên, chỉ áp dụng phương thức thanh toán chuyển khoản để có thể kiểm soát việc sử dụng vốn vay của khách hàng …
Thực hiện kiểm tra sau khi cho vay: thực hiện kiểm tra sử dụng vốn vay phù hợp với đặc thù của các khoản vay, chất lượng khách hàng. Nên sử dụng xếp hạng tín dụng khách hàng làm cơ sở cho việc xác định định kỳ hàng tháng, hàng quý hoặc nửa năm kiểm tra sử dụng vốn vay, trong đó những khách hàng có xếp hạng tín dụng cao, có uy tín trong quan hệ tín dụng thì thời hạn kiểm tra sử dụng dài hơn, các khách hàng xếp hạng tín dụng càng thấp thì mật độ kiểm tra nhiều hơn. Đối với những khách hàng có nợ xấu, cần kiểm tra thường xuyên, ít nhất 1 tháng 1 lần để theo sát tình hình của khách hàng, có nhận định, phân tích và giải pháp đúng đắn nhằm hạn chế rủi ro.
Cần có sự phân tích và đánh giá kịp thời những dấu hiệu của rủi ro để phát hiện rủi ro và tạo khả năng xử lý chủ động, kịp thời các rủi ro có nguy cơ xảy ra.