3.1.2.1. Thờ cúng tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên là một trong những hình thức tôn giáo quan trọng trong đời sống tín ngưỡng- tôn giáo của người Mông nói chung và của đồng bào Mông ở miền Tây Cao Bằng nói riêng. Sự thờ cúng này được biểu hiện trong quan niệm, trong các điều kiêng kỵ, các nghi lễ thờ cúng...
Theo quan niệm của người Mông, việc thờ cúng tổ tiên không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với cha ông, với người đã khuất hay phải thực hiện lễ thức theo tục lệ tang ma mà nhiều khi còn là sự cầu mong, sự tạ lỗi, xin tha
64
thứ… với tổ tiên. Bởi tổ tiên luôn có sự chi phối đến số phận tốt xấu của con cháu và có những quyền năng khó lường [7,tr.95].
Người Thái quan niệm tổ tiên (ma nhà) chỉ là thế hệ cha của chủ nhà. Người Tày quan niệm tổ tiên gồm 4 đời (cha, ông, cụ, kỵ). Còn đối với người Mông họ quan niệm tổ tiên là những người đã chết trong 3 đời trở lại (cha, ông, cụ). Quan niệm này thể hiện trong các bài khấn mời tổ tiên trong các dịp cúng năm mới, cúng ma trâu (bò), chủ nhà hoặc thầy cúng đều gọi tên tuổi những người thuộc 3 thế hệ đã khuất trở về ăn tết với con cháu, phù hộ cho con cháu làm ăn. Có thể thấy, việc thờ cúng tổ tiên trong các gia đình người Mông mang tính hai mặt: một mặt thờ cúng tổ tiên để cầu mong tổ tiên phù hộ cho các công việc khi cầu khấn và mặt khác là để tránh sự trách phạt khi không thực hiện đầy đủ các nghi lễ mà theo quy định của tập quán truyền lại. Do đó, tổ tiên được coi là ma lành, phù hộ, giúp đỡ cho con cháu khi con cháu có việc cần đến và nếu không thờ cúng cẩn thận, tổ tiên có thể trách phạt làm cho ốm đau, bệnh tật.
Tuy nhiên, việc thờ cúng tổ tiên của các dòng họ người Mông cũng có sự khác nhau trong các dịp làm ma trâu, ma cửa, ma khô… các thành viên trong dòng họ phải có mặt đầy đủ, các nghi thức cúng tổ tiên được thực hiện theo quy cách của từng dòng họ, được thể hiện qua số lượng bát cúng. Họ Sùng cúng tổ tiên 13 bát, họ Vương, họ Giàng 33 bát…cách bày bát cúng được sắp xếp theo thứ tự, trước hết là mời tổ tiên, sau đó mời cha mẹ, mời chú bác và những người trong họ cùng thế hệ cha mẹ đã chết sau đó mới là mời ma nhà, ma rừng, ma suối, ma núi… Qua những dịp cúng tế này con cháu có dịp được khắc sâu thêm về nguồn gốc cũng như công lao to lớn của tổ tiên để lại.
Khác với nhiều dân tộc khác như người Tày, người Việt bàn thờ tổ tiên được làm đẹp và được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Còn đối với người Mông ở Cao Bằng, trừ Mông Đen và một số ít dòng họ người Mông khác có đặt bàn thờ tổ tiên, người Mông Đen có lập bàn thờ ở gian giữa và
65
trên bàn thờ có để ba bát hương thể hiện cho ba thế hệ được thờ cúng, còn lại thì hầu hết người Mông không đặt bàn thờ tổ tiên và chỗ thờ làm hết sức đơn giản. Nơi thờ tổ tiên của họ chỉ là một miếng giấy hình chữ nhật nhỏ dán ở bức vách hậu gian chính giữa. Thờ cúng tổ tiên là thờ cha mẹ ông bà, những người đồng tộc đã chết, cầu xin họ che chở cho con cháu đang sống được yên lành, làm ăn thuận lợi.
Ở xã Hồng An huyện Bảo Lạc (miền Tây Cao Bằng) tuy người Mông ở đây không lập bàn thờ cúng tổ tiên nhưng vẫn thắp hương tưởng nhớ tổ tiên. Thường thắp hương cắm ở gian chính giữa nhà, có dán giấy viết chữ Nho, tượng trưng cho các đời ông, bà, cụ, kỵ... Khi cắm hương phải cắm vào chỗ dán giấy trên vách ván. Việc thắp hương để tưởng nhớ ông bà hàng năm của dân tộc Mông thường được quy định vào các ngày như: mùng 5 tháng 5 (tết Đoan ngọ), 15 tháng 7 (tết rằm tháng bảy), 30 tháng Chạp âm lịch đến mùng 3 tháng Giêng (tết Nguyên Đán). Đồ cúng là một con gà khoảng 1kg trở lên, luộc thêm vài miếng thịt lợn để cúng, sau đó thắp ba nén hương và cắm vào khe ván chỗ dán tờ giấy bản. Đồng thời rót rượu vào chén được làm bằng ống cây trúc, tiếp theo là mời cơm bằng chõ (mà phèo), động tác này tượng trưng cho việc ngoài thờ tổ tiên dân tộc Mông còn thờ lợn đẻ ở giường nằm. Lợn đẻ được bao nhiêu con thì lấy cây trúc cắt thành bấy nhiêu cái chén tượng trưng, sau đó rót rượu và thắp một nén hương [39,tr.65].
Vị trí thờ cúng tổ tiên trong các gia đình người Mông ở nơi đây thường phổ biến với ba hình thức sau:
+ Một số dòng họ quan niệm cột nhà chính là nơi trú ngụ của tổ tiên. + Đa số các dòng họ cho rằng tổ tiên thường trú ngụ ở bức vách hậu gian giữa đối diện với cửa chính.
+ Một số dòng họ có lập bàn thờ, trên bàn thờ có đặt 3 ống hương tượng trưng cho 3 thế hệ được thờ cúng.
66
Tuy vị trí thờ cúng tổ tiên của các gia đình người Mông có đôi chút khác nhau, nhưng tựu trung lại trong tiềm thức của người Mông việc thờ cúng tổ tiên cũng như các nghi lễ làm ma tươi và ma khô cho người đã khuất không ngoài mục đích để đền ơn và tưởng nhớ công ơn người của tổ tiên, cầu xin họ che chở cho con cháu đang sống được sống yên lành, làm ăn thuận lợi.
Về hình thức cũng như quan niệm thờ cúng tổ tiên của người Mông cũng có những điểm khác so với các dân tộc láng giềng sống trên địa bàn huyện Bảo Lạc, điều này được thể hiện thông qua bảng so sánh dưới đây.
Bảng 8: Bảng so sánh quan niệm và nghi thức thờ cúng tổ tiên của ngƣời Mông với các dân tộc khác ở huyện Bảo Lạc ( Cao Bằng)
Dân tộc
Nội dung Lô Lô Dao Mông Tày
1. Quan niệm về tổ tiên Ba thế hệ (cha, ông, cụ) 9 thế hệ Ba thế hệ (cha, ông, cụ) Bốn thế hệ (bố mẹ, ông bà, cụ, kỵ) 2. Địa điểm thờ cúng Có bàn thờ đặt ở gian giữa Đặt ở gian giữa Thờ ở bức vách gian giữa, cột cái hoặc không lập bàn thờ Bàn thờ được đặt ở gian giữa 3. Thời gian cúng Tết nguyên đán, rằm tháng bảy âm lịch và một số ngày lễ khác Dân tộc Dao có phong tục cúng vào vụ trồng ngô. Mùng một và ngày rằm hàng tháng Cúng vào những ngày lễ, tết lớn trong năm (mùng một tháng giêng, mùng năm tháng năm, 15 tháng 7…) Ngày mùng một, ngày rằm đều thắp hương
67
Những nội dung so sánh trên cho thấy, thờ cúng tổ tiên của người Mông đã được hình thành, quan niệm tổ tiên đã được mở rộng ba đời, quan niệm này gần với tâm thức thờ cúng tổ tiên của người Lô Lô, nhưng địa điểm thờ cúng của người Mông còn khá đơn giản, hầu hết các gia đình người Mông không lập bàn thờ cố định, không có ống hương tượng trưng cho thế hệ tổ tiên. Song vị trí nơi thờ đã ở gian giữa- nằm ở vị trí trang trọng giống người Tày, Dao, Lô Lô.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, hình thức thờ cúng tổ tiên trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông đã đang và sẽ mãi là một trong những giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy.
3.1.2.2. Thờ cúng các thần che chở cho gia đình
Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, trong các gia đình của người Mông ở đây còn tồn tại một hệ thống ma nhà tương đối độc lập với nhau với các nghi lễ cúng riêng biệt. Với quan niệm vạn vật đều có linh hồn và để linh hồn của vạn vật ấy tồn tại thuận theo con người, bảo vệ đời sống vật chất và tinh thần cho con người thì cần phải kính trọng, biết ơn và dựa vào đó mà cầu mong được khỏe mạnh, sung túc trong cuộc sống. Trong những loại ma, hệ thống ma nhà được coi trọng và được người Mông thờ cúng thường xuyên là:
- Thờ cúng “ đá xử ca”
Là loại ma có vị trí quan trọng trong hệ thống các ma nhà của người Mông, có nhiệm vụ cai quản tiền bạc, phù hộ cho gia đình làm ăn phát đạt. Vị trí nơi thờ thường được đặt ở tấm ván hậu gian giữa nhà. Dấu hiệu để nhận biết nơi thờ ma xử ca là một miếng giấy bản màu vàng có bôi máu gà và được cài vài sợi lông gà ở trên đó.
Khác với thờ cúng tổ tiên, mỗi năm người Mông chỉ làm lễ cúng đá xử ca một lần vào tối 30 tết. Đồ cúng là một con gà trống màu đỏ, sau đó cắt tiết gà gần chết rồi thả gà vào trong nhà, còn tiết gà lấy bôi một ít lên miếng giấy
68
bản và gài một ít lông gà lên và dán vào bàn thờ thay cho giấy bản năm trước sau đó mới cúng. Khi con gà gần chết hẳn, người chủ sẽ thả gà ra trong nhà và quan sát con gà giẫy dụa. Nếu khi chết, con gà nằm quay đầu về bức vách nơi thờ đá xử ca hoặc về phía buồng nằm của gia đình thì năm đó gia đình làm ăn phát đạt nhưng nếu đầu gà quay ra phía cửa thì năm đó gia đình gặp khó khăn, túng bấn, hao tiền tốn của.
Sau lễ cúng "xử ca" con gà được treo sát bàn thờ "xử ca" trong 3 ngày. Trong quá trình làm lễ chỉ có nam giới mới được tham gia vì hồn nữ rất nặng nên "xử ca" không tiếp nhận, thời gian làm lễ người Mông còn không được treo quần áo phụ nữ trong nhà.
- Thờ cúng ma cửa
Ma cửa có nhiệm vụ như người gác cửa, ngăn chặn không cho ma ác vào nhà, bảo vệ phần hồn của các thành viên trong gia đình và ngăn không cho hồn bỏ đi. Người Mông quan niệm khi trong nhà có chuyện không hay như ốm đau, gia súc bị chết là do ma cửa bị ngã, không giữ vững được bản mệnh. Người phụ nữ có thai ở gia đình khác bước qua cửa nhà mình thì cũng làm ma cửa bị ngã, khi đó phải làm lễ cúng nâng ma cửa dậy. Ma cửa được quan niệm là trú ngụ ở một miếng vải đỏ hình chữ nhật được dán ở phía trên cửa ra vào.
Người Mông thường làm lễ cúng ma của vào dịp tết hoặc khi có người ốm đau, mất mát tài sản. Đồ cúng là một con gà trống. Bên cạnh đó, có một số dòng họ người Mông như họ Vừ, họ Lầu ở xã Đức Hạnh thường nuôi một con gà (gà trống, màu đỏ), được nhốt ở trong lồng treo sát vách buồng ngủ của chủ nhà tượng trưng cho ma cửa, khi nào cần báo tin thì ma sẽ nhập vào con gà này để báo. Khi nghe tiếng gà gáy nếu là điềm xấu thì chủ nhà phải làm lễ cúng giải hạn trước khi điềm xấu đó mang tai họa đến cho gia đình.
69
Cột cái là cột giữa của vì kèo thứ hai, tiếp giáp giữa đầu bên phải và gian giữa. Cột cái là nơi tập trung các hồn vía, tượng trưng cho sự vững chắc trong gia đình. Ma cột cái làm nhiệm vụ bảo vệ nhà cửa, chống chọi bão gió, giữ gìn hồn các thành viên trong gia đình.
Lễ cúng ma cột cái cũng được tiến hành vào đêm 30 tết, lễ vật là một con lợn cái khoảng 10kg còn sống, được buộc chân vào cột cái, người ta cắm hương xung quanh cột cái. Sau khi chuẩn bị xong, ông chủ nhà mới đọc bài khấn, cầu mong ma cột cái bảo vệ cho gia đình.
Vì cột cái là tượng trưng cho sự lương thiện, sức khỏe, vận mệnh của gia đình nên người Mông kiêng không được dựa vào cột cái, không được va chạm mạnh, không treo quần áo, đồ dùng vào cột cái, nếu không thì ma cột cái sẽ bỏ đi, người trong gia đình sẽ bị bệnh tật.
- Thờ cúng ma buồng
Theo quan niệm của người Mông, ma buồng là ma chăm sóc sức khỏe của trẻ thơ và phát triển đàn gia súc. Khi một đôi vợ chồng nào đó mà ra ở riêng, có con đầu lòng và làm lễ đổi tên lót cho người bố thì gia đình đó mới có điều kiện thờ ma buồng.
Lễ cúng ma buồng thường diễn ra vào buổi tối hoặc lúc nửa đêm, đồ cúng là một con lợn cái nặng từ 6kg đến 10kg. Khi cúng phải đóng chặt cửa không cho người lạ tới. Sau đó chủ nhà pha thịt lợn luộc đơm thành nhiều bát gồm đầy đủ các bộ phân của con lợn, nước luộc thịt cho vào trong vỏ quả bầu khô. Sau khi chuẩn bị mọi thứ xong, chủ nhà bắt đầu đọc bài khấn cầu xin ma buồng bảo vệ hồn trẻ nhỏ, phù hộ cho trẻ nhỏ trong gia đình hay ăn chóng lớn, chăn nuôi được nhiều trâu, bò, lợn... Cúng xong lấy nước trong quả bầu khô cho mọi người uống, thịt cũng được chia cho mọi người trong gia đình. Cúng xong, quả bầu được cất trên mái nhà phía giường ngủ của vợ chồng với mong muốn con cái được khỏe mạnh, vợ chồng hạnh phúc.
70
Ma bếp : đây là ma liên quan đến việc sinh nở của phụ nữ và phù hộ cho việc chăn nuôi gia súc, coi sóc mùa màng bảo vệ hồn lúa, hồn ngô và cũng là nơi tiêu diệt các ma ác. (Do đó, người Mông thường có những lễ nghi và kiêng kị như : kiêng giẫm chân lên thành bếp, phụ nữ đang chửa kiêng đụng chạm đến bếp. Việc thờ cúng ma bếp chỉ cần một nén hương vào tối 30 tết và những lúc cần đến như gọi hồn, lúc sản phụ sinh nở...).
Lễ cúng ma bếp được tiến hành vào đêm 30 tết, lễ vật là một con gà, chủ nhà đặt con gà luộc trên mâm và đọc bài cúng. Do vị trí quan trọng của ma bếp, nên có khá nhiều nghi lễ kiêng kị như: Sau khi làm lễ cúng 3 ngày không được nhóm bếp, thổi lửa, nếu thổi lửa là mùa màng năm đó gió cuốn gãy đổ hết. Không được đánh đổ, đặc biệt là nước cơm xuống bếp, nếu để nước rơi xuống mùa màng năm đó mưa lũ quét phá hoại. Không được dẫm chân lên bếp làm như thế ma bếp sẽ giận bỏ đi. Người phụ nữ trong thời kỳ mang thai không được xúc tro trong bếp, nếu xúc tro sẽ làm mùa màng thất thoát, gia súc bị bệnh... những ai mà mắc phải một trong các điều kiêng kị trên thì phải làm lễ tạ. Ngoài ra người Mông còn quan niệm ma bếp có tác dụng thiêu hỷ các ma ác, vì thế sau những lễ cúng diệt trừ ma ác, người ta thường ném sâu bọ- tượng trưng cho hồn bệnh tật- tượng trưng cho ma ác vào trong bếp lửa.
Có thể thấy, hệ thống các loại ma nhà trong quan niệm của người Mông rất phong phú và đa dạng. So với các dân tộc khác thì hệ thống ma nhà này ít bị pha tạp bởi các yếu tố tôn giáo mà tương đối đồng nhất. Từ quan niệm cho đến nghi thức thờ cúng tuy còn đơn giản nhưng việc thờ cúng các loại ma nhà (ma cửa, xử ca) là hình thức cơ bản, có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Mông.
3.1.3. Thờ cúng thần của cộng đồng giao (bản)
Đồng bào Mông quan niệm thần của cộng đồng giao thường là những gốc cây to hoặc hòn đá lớn có hình thù khác lạ trong các khu rừng. Các vị
71
thần này thường chi phối đến cuộc sống của các thành viên trong giao, các thành viên trong giao có khỏe mạnh, chăn nuôi, trồng trọt được mùa, dân số tăng là nhờ thần phù hộ, ngược lại gia súc bị dịch bệnh, người bị tai nạn là do có những hành động vô lễ với thần. Vì vậy, mọi người không được chặt cây trong rừng cấm, không được phá phách nơi thần ở.
Cứ vào dịp đầu năm mới, chọn một ngày tốt dân trong bản làm lễ cúng.