Tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”- mọi vật đều có linh hồn là một trong những hình thức tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó phải nói đến người Mông. Xuất phát từ việc không giải thích được thế giới xung quanh bằng tư duy khoa học của người Mông xưa. Hơn nữa trong cuộc sống hằng ngày lại phải dựa vào núi rừng để tồn tại. Đứng trước vũ trụ bao la và trước nhiều hiện tượng tự nhiên tồn tại xung quanh có những lúc cướp đi cả mùa màng, nhà cửa, vật nuôi và thậm chí là cướp đi cả sinh mạng của con người như mưa bão, lũ lụt, sấm sét, cây đổ hoặc đá lăn vào người… cũng như nhiều dân tộc khác nên người Mông nói chung và người Mông ở nơi đây có trong mình hệ tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”.
Người Mông coi mọi sự vật hiện tượng đều có linh hồn và vị thần tối linh của đồng bào là trời. Họ quan niệm sự hình thành trời đất là kết quả sáng tạo của một cặp vợ chồng “ông chày, bà chày”.
“Bà chày sinh ra mặt đất Ông Chày tạo ra bầu trời Mặt đất rộng hơn bầu trời
Ông Chày mới bảo bà Chày rằng Mình làm được mặt đất rộng Ta làm được bầu trời hẹp
Bà nắn đất bà cho khớp trời của ta Bà Chày đem mặt đất khớp với bầu trời Mặt đất mới lồi nhô thành núi cao
61
Sâu thẳm trong tâm thức của họ, thế giới này thuộc về các thần linh cai quản. Vì vậy, họ quan niệm vị thần vĩ đại nhất của muôn loài là trời. Ngoài trời ra, các vị thần linh, ma trong thế giới của người Mông đều bình đẳng, không phân theo thứ bậc và nó chỉ trở nên quan trọng và cần thiết vào thời điểm mà họ cần đến như: khi gặp phải năm hạn hán, hanh khô gây mất mùa thì thần nước, thần sông, thần suối… là quan trọng nhất và nơi nào có nguồn nước thì thần nước ở đó được coi là to nhất, họ sẽ làm lễ và mời thầy cúng đến nơi có nguồn nước để làm lễ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ vật để cúng các thần đó là gà, gạo, rượu và cũng có thể cúng cả trâu, bò, ngựa nếu vị thần đó được coi là quan trọng nhất vào thời điểm đó.
Đối với người Mông, tất cả mọi vật từ con người, động vật, thực vật đến các dụng cụ trong gia đình đều có linh hồn.
Người Mông quan niệm con người ta có hai phần, phần thể xác và phần linh hồn. Con người có 3 hồn “plỉ” trú ngụ trong cơ thể. Hồn chính nằm ở đỉnh đầu điều khiển mọi hoạt động của cơ thể người, suy nghĩ, làm việc… Hồn thứ hai nằm ở bụng điều khiển việc ăn uống và các phần nội tạng. Hồn thứ ba nằm ở ngực gần tim để điều khiển sự sống của hai hồn trên. Vì một lý do nào đó, hồn nào đấy tạm thời rời thể xác thì phải làm lễ gọi hồn quay trở lại. Có ba tầng bên trên cõi trần gian cai quản hoặc ảnh hưởng đến hồn con người: tầng thứ nhất là Ngưu vương, tầng thứ hai là Ngọc Hoàng và tầng thứ ba là bãi bằng, bãi biển. Nếu hồn rời hẳn thể xác người nào, thì người đó sẽ chết. Khi người chết, để hồn người chết có thể về được với cõi âm, sau khi làm đám ma tươi người Mông còn làm đám ma khô cho người chết với ý niệm nếu người chết chưa được làm ma khô thì mọi tội lỗi khi còn sống dù chỉ làm chết con kiến, con bọ vẫn chưa được rửa tội. Như thế người chết sẽ không được hòa nhập với tổ tiên, cũng không thể hóa kiếp. Vì vậy, bắt buộc phải làm lễ ma khô chỉ khi làm ma khô thì người chết mới sang được kiếp khác, ý nghĩa của việc làm ma khô là đón hồn người chết về lần cuối cùng để
62
thăm con cháu, anh em, họ hàng để nhận các vật cúng tế, sau đó là tiễn hồn đi. Việc làm ma khô chính là sự bày tỏ lòng hiếu thảo, nghĩa sinh thành của con cháu trong nhà đối với cha mẹ hoặc người quá cố.
Từ quan niệm con người sinh ra trên cõi đời chỉ cần nhìn thấy ba lần ánh mặt trời cũng là một kiếp người rồi [20,tr.140], và chết chẳng qua là sự đầu thai sang kiếp khác cho nên cái chết của người Mông rất nhẹ nhàng. Sống trên trần thế, với người Mông cũng chỉ là sống tạm nên hết sức thanh thản. Điều đó lí giải tại sao khi cuộc sống không được toại nguyện, không theo ý muốn của mình hoặc khi bất lực trước thiên nhiên, người Mông dễ tự tử để hi vọng được đầu thai vào một kiếp khác. Nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau, họ thường ăn lá ngón để tự tử và hứa sẽ cầm ô đứng đợi nhau trên cổng trời.
Vốn tin vào vạn vật hữu linh, mỗi vật tồn tại trong thế giới đều là một thực thể và đều có linh hồn, từ những gốc cây, hòn đá, các con vật và những vật dụng sinh hoạt trong gia đình đều có linh hồn và có thần làm chủ. Trong thế giới thực vật, những cây trồng chủ yếu liên quan đến đời sống của con người như cây ngô, cây lúa, cây lanh… đều có hồn nên khi đi tra ngô, lúa đầu vụ cũng phải gọi hồn lúa, hồn ngô thức dậy. Hay như những vật dụng sinh hoạt trong gia đình cũng vậy, vào hôm 30 tết đồng bào Mông thường tập trung tất cả những vật dụng như: dao, cuốc, rìu, sung, cối xay… được lau rửa sạch sẽ và dán một mảnh giấy bản vào từng dụng cụ, sau đó làm lễ để cúng trả công các vật dụng đó cho một năm qua làm ăn vất vả và cầu một năm mới được may mắn. Vốn là cư dân làm nông nghiệp, sống chủ yếu dựa vào nương rẫy cho nên những vật dụng này có ý nghĩa, vai trò rất to lớn đối với đồng bào Mông. Vì vậy, trong khi làm lễ cúng người Mông rất kiêng kỵ nói to hay mắng chửi những vật dụng này, vì họ cho rằng nếu mắng tục hay chửi rủa những đồ vật, dụng cụ trong nhà sẽ làm xúc phạm đến vị thần trú ngụ của vật
63
đó, và vị thần đó sẽ không phủ hộ cho gia đình và năm đó gia đình làm ăn sẽ không được thuận lợi.
Bên cạnh đó người Mông dễ dàng chấp nhận những gốc cây to, những tảng đá lớn đó làm bố mẹ nuôi cho đứa bé. Vì quan niệm, khi sinh ra hồn đứa trẻ còn yếu, ngoài việc gọi hồn cho đứa trẻ người ta còn làm lễ nhận bố mẹ nuôi cho đứa bé để cầu mong cho đứa bé hay ăn, chóng lớn. Người bố đem một con gà, rượu, một ít tiền và cõng đứa bé đến tận nơi có gốc cây to hay tảng đá lớn ở những vị trí thiêng liêng để cầu khấn gốc cây, tảng đá che chở cho đứa bé. Cuối cùng ông bố lấy một đoạn dây rừng buộc đứa bé rồi quấn dây vào thân cây, tảng đá. Làm xong họ bện sợi dây lại và buộc vào cổ tay đứa bé. Sợi dây này không được vứt đi mà được cất giữ cẩn thận trong gia đình. Người Mông tin và làm như vậy vì họ nghĩ rằng những gốc cây to, những tảng đá lớn có thể giữ chắc được hồn đứa bé và ở đó có thần linh làm chủ.
Có thể thấy, trong đời sống hàng ngày người Mông thờ rất nhiều thần linh nhưng không lập một đền thờ nào. Nguyên nhân có lẽ là xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, trong quan niệm của người Mông các thần đều bình đẳng nên thần linh có mặt ở khắp mọi nơi không thể lập đền thờ thần này mà không thờ thần khác. Mặt khác do tập quán du canh, du cư, sinh sống không ổn định nên cách thờ cúng của người Mông cũng đơn giản, không cầu kỳ.