Con người giàu nghị lực, vượt lên hoàn cảnh

Một phần của tài liệu bản sắc văn hóa mường trong sáng tác của hà thị cẩm anh (Trang 45 - 49)

7. Cấu trúc đề tài

2.1.4.Con người giàu nghị lực, vượt lên hoàn cảnh

Bên cạnh vẻ đẹp của sự thuỷ chung, đức hy sinh và lòng nhân ái, hồn hậu thì vẻ đẹp của ý chí, nghị lực cũng góp phần hoàn thiện nhân cách cho con người Mường. Trong nhiều trường hợp, tuy rơi vào đau khổ nhưng họ vẫn vượt lên số phận, vượt lên đau thương của hoàn cảnh để tiếp tục sống. Đọc truyện ngắn của Hà Thị Cẩm Anh, ta lại càng thấm thía hơn về lời thơ của Nguyễn Du: “Đau đớn thay phận đàn bà. Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu” (Văn tế thập loại chúng sinh). Dường như những tâm hồn văn chương của mọi thời đại vẫn luôn đồng điệu, cảm thương cho thân phận của người phụ nữ. Đến với Cây gội già tàn tật, Đêm tháng tám, Bài xường ru từ núi, Sông trôi lặng lẽ, Người con gái Mường Biện, Một nửa của người đàn bà, Giải vía…, ta không chỉ xót xa cho số phận bất hạnh của những người phụ nữ mà hơn thế nữa còn cảm phục

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn/ 40 trước một sức sống mãnh liệt, dẻo dai của họ. Giống như nước suối rừng không bao giờ cạn, cây rừng không thể bị quật ngã trước những cơn bão táp của thiên nhiên thì người phụ nữ Mường vẫn đứng vững trước mọi giông tố của cuộc đời. Trong công trình nghiên cứu Bản sắc dân tộc trong sáng tác của một số nhà văn dân tộc thiểu số, các nhà nghiên cứu đã nhận định rất chính xác rằng: “Có thể xem các tác phẩm văn xuôi DTTS là những bài ca ca ngợi sức sống tiềm tàng của con người. Như một quy luật tất yếu, càng bị đè nén áp bức, khả năng sinh tồn của con người càng được tôi rèn, càng được khẳng định, như chiếc lò xo càng bị nén chặt thì sức bật càng cao để trở về với trạng thái cân bằng tự nhiên của nó” [29, tr.34]. Điều đó đuợc thể hiện qua rất nhiều hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh. Dù có rơi vào hoàn cảnh bất hạnh, đau khổ như thế nào thì họ vẫn đứng dậy bằng chính sức mạnh của niềm tin, hy vọng của chính mình.

Trước hết, đọc Cây gội già tàn tật, người đọc không thể không xót xa cho hoàn cảnh của người con gái khi sinh ra lại mang một khuôn mặt dị dạng. Cô là “một trong những người phải gánh chịu thảm hoạ khôn lường vào thời hậu chiến” [3, tr.10]. Khuôn mặt dị dạng của cô khiến cả Mường Vang khiếp sợ ngay từ lúc mới sinh. Và với mẹ cô, mỗi lần cho cô bú là một cực hình. Có người con gái nào lại không đau đớn khi biết mình có một hình hài khiếm khuyết ? Nỗi đau của cô gái càng kinh hoàng hơn khi chính cô tự soi ngắm gương mặt của mình – khuôn mặt “không có môi trên, mũi nó chỉ là hai cái lỗ rộng hoác, đen ngòm đục thủng cái khối thịt dày, xám xịt rất ngắn mà người ta vẫn quen gọi là mặt, bởi vì ở phía trên còn có một cái đầu với những sợi tóc lơ thơ, đỏ như râu quỷ thọt chân của rừng Chuông Cò…” [3, tr.12]. Cô gái bỏ nhà vào rừng để tránh ánh mắt tò mò, sợ hãi của những đứa trẻ ở Mường Vang. Trước cuộc sống cô độc tưởng chừng như cô sẽ gục ngã và đi tìm cái chết. Nhưng không, chính cuộc sống gần gũi với thiên nhiên đã khiến cô thấy rằng sự sống này vẫn còn có ý nghĩa, vẫn còn hạnh phúc đối với một kẻ có hình

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn/ 41 dạng kì quái như cô. Chính cô đã tìm thấy sự đồng cảm với cây gội già tàn tật trong rừng. Bởi nó cũng có một thân hình như cô “tật nguyền và xấu xí đến khủng khiếp. Ruột của cây Gội đã bị lũ mối đục rỗng để làm tổ. Gốc cây thì đầy những u và biếu” [3, tr.13]. Cây Gội già xấu xí ấy lại tiếp thêm sức mạnh, nghị lực sống cho cô. Nó đã thì thầm với cô rằng cô chỉ là người bị tật thôi chứ chưa bị tàn đâu, chưa phải là đồ bỏ đi. Cô cũng là một cây Gội già tật nguyền đang phải đối diện với bao nỗi đau và thử thách. Và chính sức sống nội lực mạnh mẽ của con người miền núi đã giúp cô trở thành một người tốt, một người bảo vệ rừng cần mẫn và dũng cảm. Chính quyền Mường Vang đã trao cho cô “một quyển sổ bìa đỏ chứng nhận quyền sở hữu rừng với một cái tên. Người ta gọi khu rừng thuộc quyền quản lí” của cô là rừng cây Gội và gọi luôn cô là Vạ Gội .Hơn thế, cô ngày càng tự tin về bản thân mình hơn khi nhận ra rằng mình vẫn là một người phụ nữ, “một nguời phụ nữ chỉ xấu mặt thôi. Tất cả những gì cần thiết để người phụ nữ làm vợ lại rất hoàn hảo” [3, tr.22]. Cuối cùng vượt lên mặc cảm, cô cũng bước chân được đến ngưỡng cửa bí mật của hạnh phúc. Cô đã đón nhận tình yêu của một chàng trai Mường tốt và đã có một gia đình hạnh phúc. Rõ ràng, nghị lực của con người Mường giống như một thứ nước rửa ảnh kì diệu có thể xóa đi mọi sắc màu u ám, đen tối trong bức tranh số phận của họ. Phải chăng những câu chuyện cổ tích của người Mường đã ngấm sâu vào máu thịt của nhà văn từ thời thơ ấu để rồi bà gửi gắm niềm tin vào cuộc đời trên mỗi trang văn. Chính người mẹ của nhà văn đã gieo vào tâm hồn bà niềm tin cổ tích ngay từ thời thơ bé: “Khi các em tôi đã ngủ say. Mẹ bắt đầu dọn cho tôi một mâm cơm đầy và những món ăn thịnh soạn mà mẹ biết tôi rất thích: Đó là những câu chuyện cổ tích có hậu của bà” [8, tr. 4]. Nhân vật cô gái trong truyện ngắn trong Gốc gội xù xì đã được sinh ra từ lòng tin của nhà văn đối với cuộc đời này: “Tôi tin tưởng vào cuộc sống này. Tôi tin tưởng vào bạn bè. Tôi tin tưởng từ lẽ công bằng” [8, tr. 4].

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn/ 42 Đến với truyện ngắn Bài xường ru từ núi, ta lại thấu hiểu hơn về nghị sức sống mạnh mẽ của con người Mường. Người phụ nữ có tên Cầm trong truyện ngắn này đã bị một chàng trai bỏ rơi cùng với đứa con trong bụng. Trong lúc đau khổ nhất thì chị cũng bị hàng xóm và gia đình xa lánh. Gia đình Cầm cho cô lên nhà bù rẫy để sinh nở một mình. Tưởng chừng như cô sẽ đầu hàng số phận nhưng không ngờ cô vẫn mạnh mẽ, thẳng thắn và rất quyết liệt đấu tranh để đòi sự công bằng cho người phụ nữ Mường. Cô nói với bố, mế mình: “Tôi muốn con trai tôi có một ngôi nhà sàn để ở. Tôi muốn có một bếp lửa trong ngôi nhà đó để sưởi ấm. Tôi muốn dưới sân nhà tôi cũng có lợn, có gà…Tôi muốn: anh trai có gì, em gái cũng phải có cái đó. Anh là con, tôi cũng là con bố, mế đúng không ?” [3, tr.114]. Cuối cùng, chị đã đòi được quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình mình. Chị cũng có nhà, có vốn làm ăn và mế cũng lên trông con cho chị. Điều gì khiến cho chị có được một sức sống dẻo dai để có thể bươn trải với bao vất vả, nuôi con ăn học thành người ? Phải chăng, đó chính là tình mẫu tử trong trái tim của người mẹ đã khiến chị có đủ sức đứng vững giữa bao oan trái của cuộc đời ?

Không chỉ người phụ nữ Mường mới có đủ can đảm để vượt lên mọi thử thách mà ngay cả những đứa trẻ tâm hồn còn trong sáng như hai tờ giấy trắng cũng can đảm vượt qua bao bức tường của cuộc sống để tìm đến một tương lai có ánh sáng mặt trời. Đó là hai anh em Trong và Đục trong Con đường dài lắm. Cả hai anh em phải sống trong cảnh mồ côi cha mẹ và phải ở nhờ nhà người khác. Nhưng lúc nào hai anh em cũng bị người ta bắt nạt, đánh đập. Đã vậy, tai hoạ còn giáng xuống đầu bé Đục khi em còn bị mù cả hai mắt. Nhưng Trong không đầu hàng số phận. Dù biết con đường tương lai phía trước còn dài lắm, mờ mịt và có biết bao chông gai nhưng Trong vẫn cõng Đục vượt qua bao triền núi hoang vu để đi tìm thuốc chữa mắt cho em gái. Số phận của hai đứa trẻ sau này ra sao chúng ta chưa biết nhưng chắc chắn người đọc luôn tin vào nghị lực kì diệu của chúng. Hai anh em Trong giống như hai mầm cây đang

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn/ 43 vượt lên lớp đất phủ kín ở bề mặt để vươn lên thành những cây non tràn đầy nhựa sống.

Đâu chỉ có số phận của Trong và Đục mới đáng thương mà số phận của Sinh và Sim trong Những đứa trẻ mồ côi cũng khiến người đọc chạnh lòng xót xa. Tuy nhiên, đọng lại trong trái tim chúng ta không chỉ là nỗi bất hạnh mà chính là ở sức sống dẻo dai, kiên cường của chúng.

2.2. Cảm hứng về những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hoá Mường

Một phần của tài liệu bản sắc văn hóa mường trong sáng tác của hà thị cẩm anh (Trang 45 - 49)