Con người thuỷ chung son sắt

Một phần của tài liệu bản sắc văn hóa mường trong sáng tác của hà thị cẩm anh (Trang 40 - 43)

7. Cấu trúc đề tài

2.1.2.Con người thuỷ chung son sắt

Các sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh đã thể hiện được vẻ đẹp của người phụ nữ Mường luôn chung thuỷ trong tình yêu (Mưa bụi bay bay, Quả còn, Mùa xuân này đào không thể ra hoa, Đêm tháng tám…). Đức tính thuỷ chung vốn là một nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng khi đọc những trang viết của Hà Thị Cẩm Anh, ta thấy rằng lòng thuỷ chung của người Mường dường như đã được đẩy lên đến mức thần thánh hoá. Đứng từ góc độ điểm nhìn, các nhà văn dân tộc thiểu số có quan niệm không hoàn toàn giống nhau về đức tính thuỷ chung của người phụ nữ. Người phụ nữ trong sáng tác của Cao Duy Sơn dù hoàn cảnh ép buộc phải đến với nhiều người đàn ông nhưng vẫn được coi là thuỷ chung son sắt khi trong lòng họ luôn đau đáu nghĩ về người đàn ông mà họ yêu thương (Những đám mây hình người, Âm vang vong hồn…) còn người phụ nữ trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh cả cuộc đời chỉ yêu và biết đến một người đàn ông duy nhất (Đêm tháng tám, Bài xường ru từ núi, Mùa xuân này đào không thể ra hoa…). Chúng ta biết rằng thuỷ chung chính là thước đo tình yêu vĩnh hằng. Nhưng với người Mường, lòng thuỷ chung còn là niềm tin, là điểm tựa để người phụ nữ Mường vượt qua bao chông gai, thử thách để tiếp tục sống và vươn lên. Vì thế, dù phải chờ đợi bao lâu trong tình yêu thì người ta vẫn không dễ thay lòng đổi dạ. Người phụ nữ trong Đêm tháng tám suốt mười tám năm chỉ ở vậy nuôi con mà không đi bước nữa. Chị sống cặm cụi, lặng lẽ như một cái bóng và một mình nuôi con:

Mười tám năm rồi, chị không đi bước nữa mà cứ ở vậy một mình nuôi Hào

khôn lớn” [3, tr. 57]. Chị lấy chồng chỉ vẻn vẹn có sáu ngày thì chồng chị hy sinh. Chị lúc nào cũng khắc khoải nhớ mong chồng và chỉ còn biết tìm đến công việc để bù vào chỗ thiếu hụt của tình yêu. Khi con trai khuyên chị hãy đi bước nữa thì “Chị hốt hoảng nhìn con. Cổ họng chị khô cháy. Tiếng thở như bị chẹn lại, đứt quãng. Chị cứ lắp bắp mãi mà không nói được thành lời” [3, tr. 50]. Tình yêu chung thuỷ của chị khiến lòng ta vừa cảm phục vừa xa xót. Có

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn/ 35 một người vợ thuỷ chung như vậy trong tình yêu cũng là một niềm an ủi đối với người chồng đã hy sinh. Tình cảm thuỷ chung son sắt ấy của chị đã được cậu con trai thấu hiểu khi nó bảo chị: “Mẹ phải đi bước nữa thôi. Người Kinh người ta vẫn nói: “Con nuôi cha không bằng ông bà nuôi nhau” mà! Bác Vũ cũng đã nghỉ hưu rồi. Con lại đi xa” [3, tr. 55]. Cũng vì thương chị nên đứa con trai đã vun vén cho tình yêu của chị với một người đàn ông tên Vũ - người bạn thân thiết nhất ở cùng đơn vị với chồng chị. Nhưng chị nhất quyết không nghe theo. Có lẽ, lòng chung thuỷ với chồng và tình yêu thương con đã khiến chị quên đi tất cả, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời để giữ cho tình yêu ấy trọn vẹn.

Tấm lòng thuỷ chung trong tình yêu dường như đã ăn sâu vào tâm hồn mỗi người con của mảnh đất Mường Vang, của thung lũng Si Dồ. Truyện ngắn của Hà Thị Cẩm Anh có nhiều câu chuyện tình éo le, lỡ dở nhưng họ vẫn luôn chôn chặt mối tình ấy trong lòng mang theo năm tháng của cuộc đời. Biết bao người phụ nữ Mường chỉ biết yêu một lần rồi chờ đợi cả đời. Đã vậy, nhiều khi họ còn bị mang tiếng xấu vì người mình yêu nhưng tình yêu trong lòng họ vẫn là một hằng số không đổi. Đọc truyện ngắn Cha mẹ và tôi, trái tim ta vừa rung lên nhịp đập xót xa, thương cảm cho hoàn cảnh của người phụ nữ Mường Vang vừa cảm phục trước tình yêu thuỷ chung của chị. Vốn là một người phụ nữ rất xinh đẹp nhưng chị lại bị cả bản mường xa lánh vì họ cho rằng chị đã lấy một kẻ phản bội, một kẻ theo giặc làm chồng. Đối với người Mường thì tội phản làng, phản nước là nặng lắm: “đối với một kẻ phản bội thì không bao giờ mong được dung tha” [4, tr. 37]. Sự tồn tại của chị và đứa con như cái gai làm cho người Mường Vang chướng mắt. Đứa con gái của chị cũng vì tiếng xấu đó mà không lấy được chồng. Cô cũng phải gánh chịu nỗi đau cùng người mẹ:

“Người Mường Vang bảo: Nhà tôi giống như một đống cứt thối, chó ỉa bậy, muốn lấy xẻng xúc đổ xuống sông, xuống rãnh cho sạch làng” [4, tr. 36]. Người phụ nữ ấy không những phải chịu tiếng oan mà còn bị những kẻ xấu ở Mường Vang quấy nhiễu, làm nhục. Nhưng chính niềm tin và lòng chung thuỷ

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn/ 36 đã nuôi dưỡng tia hy vọng trong quãng đời còn lại của chị. Cho dù niềm tin ấy có mong manh, nhỏ bé như một sợi chỉ nhưng nó không bao giờ đứt trong tâm hồn chị: “Mế tôi không bao giờ tin cha tôi là người xấu. Là người làm phản. Tình yêu mà” [4, tr. 47]. Cũng vì niềm tin vào người đàn ông ấy mà chị bỗng hoá câm. Tình yêu và nỗi đau của chị không biết giãi bày cùng ai. Vì thế giả câm chính là một giải pháp tốt nhất để chị thoát khỏi tai tiếng của miệng lưỡi người đời. Thật bất ngờ khi một ngày kia, người đàn ông mà bấy lâu chị chôn chặt nỗi mong nhớ cũng như nỗi đau trong lòng cũng trở về. Chị đang câm bỗng lại cất lời lên được. Chị chỉ nói với con những lời rất ân tình, giản dị nhưng qua đó cho thấy tình yêu của chị dành cho chồng không thể nào đong đếm được: “Con à ! Con tin cha đi mà ! Ba mươi năm trước mế đã bảo con như thế. Con hãy tin cha. Cha là một người trai Mường tốt. Cha sẽ làm được tất cả cho con” [4, tr. 46].

Không chỉ thuỷ chung trong tình yêu mà người Mường còn thủy chung trong nghĩa tình làng xóm, quê hương. Vạ Lủ trong Sông trôi lặng lẽ đã bao năm sống xa quê nhưng đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn khao khát được trở về quê hương mặc dù những con người ở mảnh đất ấy đã từng ruồng rẫy, khinh miệt vạ vì họ cho rằng vạ chửa hoang. Vạ vốn là y tá của một đơn vị thanh niên xung phong trên tuyến đường Hai Mươi ở Trường Sơn. Lòng tốt của vạ chân thành nhưng đã bị người ta phụ bạc. Vạ từng giúp một người phụ nữ trở dạ nhưng rồi lại bị chính kẻ đó lấy cắp tư trang, giấy tờ và bỏ lại cho vạ đứa con trai. Người Mường Dồ ai cũng tưởng đứa trẻ mới sinh là con của vạ nên đã xua đuổi vạ. Một mình vạ lặng lẽ nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi khôn lớn đến lúc nó trưởng thành, có gia đình và công việc. Trước lúc chết, vạ chỉ dặn đứa con dâu hãy mang tro cốt của vạ rải xuống dòng sông của Mường Dồ. Dù ở thành phố với con trai nhưng vạ vẫn luôn khao khát được trở về với mảnh đất quê nhà: “Bà cụ muốn trở về với dòng sông, với cái bến tắm cũ của làng. Mường Dồ là quê của mẹ. Mẹ yêu sông Mã của Mường Dồ. Bà thích những đêm trăng sáng trên

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn/ 37

sông” [6, tr.34]. Đúng như lời thơ của Đỗ Trung Quân: “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi”, vạ Lủ suốt cuộc đời này vẫn canh cánh trong lòng nỗi nhớ quê. Vạ luôn mong được người Mường Dồ tha thứ để vạ mãi mãi được ôm trọn trong lòng đất mẹ quê hương. Có thể nói tấm lòng thơm thảo luôn thuỷ chung, đầy ắp nghĩa tình với quê hương, chòm xóm của người Mường chính là một nét son trên bức tranh về vẻ đẹp tâm hồn người Mường.

Một phần của tài liệu bản sắc văn hóa mường trong sáng tác của hà thị cẩm anh (Trang 40 - 43)