Với vị trí địa lý xa trung tâm đô thị lớn, hệ thống giao thông, nhất là giao thông nội bộ chưa phát triển nên khả năng giao lưu hàng hoá của Yên Lập với các địa phương khác trong tỉnh và với các tỉnh khác trong vùng còn nhiều hạn chế. Đây là một bất lợi lớn cho huyện trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu hệ thống giao thông được nâng cấp thì khả năng tiếp cận thị trường của huyện
sẽ được tăng cường, cơ hội cho phát triển sản xuất hàng hoá được mở rộng sẽ góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nguời dân.
Ngoài ra, với quy mô dân số dự kiến sẽ tăng dần và đạt khoảng 97.385 người vào năm 2020, cùng với mức thu nhập ngày càng được cải thiện thì sức mua của người dân trong huyện cũng tăng lên. Đây cũng là một tiềm năng lớn cho sự phát triển kinh tế của huyện.
* Nhận xét chung
Những thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội
- Quỹ đất đai dồi dào, đặc biệt là đất chưa sử dụng còn nhiều, cho phép phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp (đặc biệt là kinh tế đồi rừng) và đáp ứng nhu cầu đất cho phát triển các lĩnh vực phi nông nghiệp.
- Tài nguyên thiên nhiên nhất là rừng khá phong phú cho phép khai thác các sản phẩm từ rừng và trồng rừng, cho phép phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển nông, lâm nghiệp và phát triển công nghiệp khai thác đá, sắt... qui mô nhỏ.
- Môi trường không khí trong lành cùng với một số phong cảnh thiên nhiên khá đẹp và bản sắc đa văn hoá các dân tộc Mường, Dao… là điều kiện thuận lợi cho pháp triển du lịch sinh thái - văn hoá trong tương lai.
- Nguồn lao động dồi dào, người dân hiền hoà, cần cù chịu khó, cho phép đáp ứng nhu cầu phát triển về mặt số lượng.
Những khó khăn đối với phát triển kinh tế - xã hội
- Vị trí địa lý hẻo lánh, địa hình chia cắt nên giao thương hạn chế, khó thu hút đầu tư vào phát triển các lĩnh vực phi nông nghiệp, đặc biệt là các ngành dịch vụ.
- Địa hình tương đối phức tạp, cùng với chế độ khí hậu - thuỷ văn khắc nghiệt gây không ít khó khăn cho phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
- Nguồn lao động chất lượng không đồng đều, số lao động có trình độ chuyên môn cao còn hạn chế. Đại bộ phận dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số nên mặt bằng dân trí nói chung còn thấp, trình độ canh tác chưa cao.
- Cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
- Tài nguyên khoáng sản ít nên tiềm năng phát triển công nghiệp hạn chế. - Trình độ quản trị doanh nghiệp và trình độ quản lý nhà nước nói chung trên địa bàn còn hạn chế do chưa có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, khoa học công nghệ và các thị trường lớn.
- Công nghệ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nhìn chung còn ở trình độ thấp, sản phẩm tạo ra chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
- Kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ mới chỉ phát triển chủ yếu ở khu vực trung tâm huyện và trung tâm cụm xã. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng giá trị sản xuất nhỏ nên vẫn dựa vào nguồn vốn ngân sách là chính.
- Các thiết chế văn hoá - xã hội còn nghèo nàn, trình độ của đội ngũ cán bộ văn hoá - thông tin còn hạn chế.
Chương 2
NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU