Một số kiến nghị đối với Nhà nước và doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Luận văn kinh tế Quyền định đoạt vốn của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Trang 56 - 57)

7. Kết cấu đề tài

2.2Một số kiến nghị đối với Nhà nước và doanh nghiệp

Để góp phần tích cực vào việc thực hiện nhất quán các chính sách kinh tế được xác định trong Hiến pháp, các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước; khai thác mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước cho sự phát triển kinh tế; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo khung pháp lý thống nhất, minh bạch áp dụng cho hoạt động kinh doanh thì việc hoàn thiện khung pháp lý về định đoạt vốn là một nhu cầu tất yếu, vì:

Thứ nhất, đầu tư là hoạt động tìm kiếm lợi nhuận tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi quyết định đầu tư vào một loại hình doanh nghiệp, nhà đầu tư không những bận tâm về những lợi ích từ hoạt động đầu tư đó mà còn lo ngại về khả năng luân chuyển vốn trong trường hợp họ muốn định đoạt phần vốn của mình xuất phát từ những lý do khác nhau. Vì vậy, việc bảo vệ nhà đầu tư thông qua công cụ pháp luật mà cụ thể là việc ghi nhận quyền định đoạt vốn là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư cho sự phát triển kinh tế. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường biến đổi thường xuyên và ngày càng đa dạng, phức tạp, những giao dịch liên quan đến định đoạt vốn diễn ra ngày càng thường xuyên và liên tục nên cần thiết phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để đảm bảo sự minh bạch và giá trị pháp lý cho những giao dịch này. Từ những phân tích, đánh giá về ưu điểm cũng như hạn chế của pháp luật hiện hành về định đoạt phần vốn góp của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, tác giả nhận thấy vấn đề này cần được quan tâm hơn nữa trong việc tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện để tạo một hành lang pháp lý an toàn, vững chắc trong quá trình áp dụng, hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ giao dịch này.

48

Thứ hai, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, quyền định đoạt vốn của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên tỷ lệ nghịch với khả năng bảo vệ công ty khỏi sự gia nhập của người ngoài. Do đó, việc mở rộng hay thu hẹp quyền định đoạt vốn chịu sự tác động trực tiếp và được quyết định bởi tính chất đối nhân hay đối vốn của chính loại hình doanh nghiệp đó. Pháp luật không thể quá coi trọng quyền định đoạt vốn của nhà đầu tư mà xem nhẹ tính đóng của loại hình công ty TNHH, cũng không thể đặt nhiệm vụ bảo vệ yếu tố nhân thân của các thành viên trong công ty lên hàng đầu mà không trao quyền hoặc hạn chế quyền định đoạt vốn của chủ sở hữu một cách quá khắt khe. Vì vậy, các quy định của pháp luật cần được sửa đổi và hoàn thiện theo hướng có sự cân nhắc hợp lý giữa hai yếu tố trên nhằm đảm bảo sự công bằng giữa quyền lợi của công ty và quyền lợi của chủ sở hữu trong nhóm quyền về tài sản. Sự điều tiết nhằm đảm bảo sự cân bằng trên có ý nghĩa rất quan trọng, qua đó tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vốn cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của các tổ chức kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.

Một phần của tài liệu Luận văn kinh tế Quyền định đoạt vốn của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Trang 56 - 57)