7. Kết cấu đề tài
1.3.1 Khái niệm quyền định đoạt vốn
18
Điều 195, BLDS 2005 quy định quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Như vậy ta thấy, quyền định đoạt vốn của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên là quyền chuyển giao quyền sở hữu vốn hoặc từ bỏ quyền sở hữu vốn của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên . Nói cách khác, quyền định đoạt là quyền quyết định số phận pháp lý của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên đối với vốn thuộc sở hữu của công ty TNHH một thành viên. Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có thể định đoạt vốn dưới các hình thức khác nhau như chuyển nhượng, tặng cho, để thừa kế, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự,…
Quyền định đoạt vốn là một trong những quyền năng quan trọng của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên. Định đoạt vốn là hành vi quyết định số phận pháp lý của vốn và có sự chuyển dịch quyền sở hữu từ chủ thể này sang chủ thể khác thông qua những cách thức khác nhau theo quy định của pháp luật. Hành vi định đoạt một phần hay toàn bộ vốn là một giao dịch dân sự làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật liên quan đến vốn. Các hệ quả của hành vi định đoạt vốn có thể là làm chấm dứt tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp, đồng thời làm phát sinh tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp cho một chủ thể khác (trong trường hợp định đoạt toàn bộ vốn), làm thay đổi hình thức doanh nghiệp, thay đổi tỷ lệ góp vốn giữa các thành viên, thay đổi mô hình quản lý công ty, … (trong trường hợp định đoạt một phần vốn).
1.3.2 Bản chất của quyền định đoạt vốn
Điều 164, BLDS 2005 quy định khi một chủ thể xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thì đồng thời xác lập các quyền khác đối với tài sản đó là : quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Đối với tài sản thông thường, việc định đoạt được thể hiện ở hai góc độ là định đoạt số phận thực tế của tài sản và định đoạt số phận pháp lý của tài sản.
Xét hành vi định đoạt số phận thực tế của vật, chủ sở hữu có quyền quyết định sự tồn tại của vật, làm nó không còn trên thực tế như tiêu dùng, phá huỷ,… Trong trường hợp này, chủ sở hữu có quyền định đoạt số phận thực tế của vật thông qua hành vi xác định của chính mình hoặc hành vi của người được uỷ
19
quyền tác động trực tiếp đến tài sản đó, làm thay đổi tính chất vật lý mà không làm thay đổi tính chất pháp lý của vật đó.
Ngược lại, định đoạt số phận pháp lý của tài sản là hành vi làm phát sinh sự kiện pháp lý là quyền sở hữu tài sản được chuyển giao cho cá nhân, tổ chức khác. Định đoạt số phận pháp lý của tài sản là giao dịch dân sự dựa trên ý chí và sự thoả thuận của các bên chủ thể ( bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao ) dẫn đến hệ quả là quyền sở hữu cũng như các quyền và nghĩa vụ khác gắn liền với tài sản được chuyển sang cho chủ thể khác. Các hình thức định đoạt số phận pháp lý của tài sản được quy định tại Điều 197, BLDS 2005, bao gồm: Quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật về tài sản.
Theo quy định tại Điều 163 của Bộ luật Dân sự năm 2005 tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá (như trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu...) và các quyền tài sản (như quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng...). Như vậy, quyền sở hữu vốn của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên cũng được coi là tài sản, do đó, như các tài sản khác, quyền định đoạt vốn của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên không nằm ngoài sự điều chỉnh của chế định tài sản.
Quyền định đoạt tài sản gắn liền với tư cách chủ sở hữu tài sản và hành vi định đoạt tài sản làm thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật liên quan đến tài sản đó, vì vậy, sau khi định đoạt vốn, chủ thể thực hiện hành vi định đoạt vốn đã chuyển giao quyền sở hữu cho chủ thể khác và đương nhiên mất tư cách quyền sở hữu cùng những quyền năng liên quan đến phần vốn đã định đoạt.
Tuy nhiên, khác với các tài sản khác, mặc dù vốn gắn liền với sự tồn tại của công ty nhưng vốn lại không thể được nhận biết bằng các giác quan thông thường như thị giác, thính giác, … Do đó chủ sở hữu vốn không thể định đoạt vốn bằng cách làm cho nó không còn tồn tại trên thực tế, mà chỉ có thể định đoạt số phận pháp lý của phần vốn đó thông qua các giao dịch định đoạt vốn như chuyển nhượng vốn, tặng cho, để thừa kế, trả nợ,…
20
1.3.3 Cơ sở pháp lý ghi nhận quyền định đoạt vốn của chủ sở
hữu công ty TNHH một thành viên
1.3.3.1 Dựa trên các quy định của pháp luật
Pháp luật được coi là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp, là công cụ bảo đảm sự tồn tại hợp pháp và vận hành bình thường của công ty cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của chủ doanh nghiệp. Hiện nay các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam đều quy định một hệ thống quy phạm pháp luật thống nhất, qua đó nhà nước thực hiện chức năng quản lý và điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp. Các vấn đề về quyền định đoạt vốn của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên được quy định trong LDN 2005 và các văn bản có liên quan.
Việc ghi nhận quyền định đoạt vốn trong các văn bản pháp lý thể hiện vai trò của pháp luật trong việc đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư được thực thi quyền của mình mà không bị bất kỳ chủ thể nào ngăn cản hay xâm phạm. Hiện nay pháp luật ghi nhận công ty TNHH một thành viên được phép định đoạt vốn dưới những hình thức như : tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn, tặng cho vốn, dùng vốn làm tài sản thừa kế,…Quy định của pháp luật chỉ là nguyên tắc chung điều chỉnh quyền định đoạt vốn của thành viên công ty TNHH một thàn viên, do đó trên thực tế có không ít trường hợp Điều lệ công ty được thiết lập rất sơ sài nhằm đối phó với các thủ tục thành lập công ty, chính tâm lý không coi trọng Điều lệ dẫn đến hậu quả trong quản trị công ty và làm giảm khả năng tự điều chỉnh mà LDN 2005 dành cho các thành viên [16].
1.3.3.2 Dựa trên Điều lệ của công ty
Bên cạnh LDN 2005 và các văn bản có liên quan, Điều lệ của công ty là một nguồn quan trọng để các định phạm vi quyền định đoạt vốn của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên. Điều 18, LDN 2005 quy định để được thành lập hợp pháp thì tất cả các công ty phải có Điều lệ và Điều lệ đó phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với LDN 2005. Điều lệ công ty có vai trò quan trọng đối với hoạt động quản lý nhà nước cũng như đối với công ty.
Về mục đích: Tương tự doanh nghiệp tư nhân, đối với công ty TNHH một thành viên, Điều lệ công ty quy định các quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu công
21
ty. Ngoài ra, đối với CTCP, công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty hợp danh. Điều lệ cũng là văn bản quy định quyền lợi, nghĩa vụ của các cổ đông hoặc thành viên công ty.
Về mặt pháp lý: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trong hồ sơ đăng ký kinh doanh phải có Điều lệ, chính vì thế Điều lệ công ty là điều kiện để doanh nghiệp được thành lập hợp pháp (Điều 22, LDN 2005) . Ngoài ra, theo pháp luật của nhiều quốc gia thì đối với CTCP, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, Điều lệ còn là bản hợp đồng ghi nhận sự thỏa thuận giữa công ty đối với các cổ đông hoặc các thành viên công ty, giữa các cổ đông hoặc thành viên với nhau và là cơ sở quan trọng để giải quyết tranh chấp nội bộ. Nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới điển hình là hệ thống pháp luật của các quốc gia theo truyền thống Common Law (Thông luật) như Anh, Australia cho phép các thành viên tự xác định quyền của mình trong Điều lệ. Theo đó, Điều lệ có thể được coi như luật riêng của doanh nghiệp và các cơ quan tài phán có thể coi chúng là nguồn luật áp dụng. Vì vậy có thể nói rằng Điều lệ là cơ sở quan trọng ghi nhận quyền định đoạt vốn của thành viên công ty.
Xuyên suốt LDN 2005, pháp luật đã để ngỏ nhiều điều luật nhường phần cho ý chí của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên bằng cách quy định: “trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác”. Căn cứ vào đó, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có quyền xây dựng những điều khoản mang tính chất bổ sung về các vấn đề như quản lý điều hành, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, … miễn là không trái với các quy định của pháp luật. Khi tiến hành định đoạt vốn góp, ngoài việc tuân theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên còn phải tuân thủ thêm các quy định trong Điều lệ công ty (nếu có).
Theo pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, ngoài việc dựa trên các quy định của pháp luật và theo Điều lệ công ty, đối với CTCP, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh thì cơ sở pháp lý ghi nhận quyền định đoạt vốn còn có thể là hợp đồng, thỏa thuận giữa các cổ đông, thành viên công ty. Theo tập tục ở Anh và Mỹ, trước khi thành lập công ty, những cổ đông, thành viên sáng lập sẽ thiết lập hợp đồng trước khi thành lập công ty, theo đó, họ cùng
22
nhau thỏa thuận về vốn điều lệ, cam kết với nhau về tỷ lệ góp vốn, những vấn đề liên quan đến quản trị công ty, quyền và nghĩa vụ của các cổ đông, thành viên công ty mà sau này Điều lệ chỉ nhắc lại sơ sài. Do đó hợp đồng góp vốn là văn bản thể hiện rõ nhất ý chí của các chủ thể tham gia góp vốn vào công ty, là cơ sở tâm lý để họ làm ăn chung dựa trên sự thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện. Theo pháp luật Việt Nam, tại Điều 14, LDN 2005 quy định thành viên sáng lập hay người đại diện theo ủy quyền được phép ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của công ty trước khi đăng ký kinh doanh và khi công ty được thành lập thì nó sẽ tiếp nhận quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết.
Tuy nhiên, trên thực tế thì có không ít Điều lệ hay thỏa thuận có quy định trái với LDN 2005 như việc hạn chế chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc đặt ra điều kiện mua lại phần vốn góp khắt khe hơn. Sự mâu thuẫn này gây khó khăn cho chủ sở hữu trong việc xác định phạm vi thực hiện quyền định đoạt của mình. LDN hiện hành không có điều khoản nào điều chỉnh vấn đề khi có sự khác biệt giữa thỏa thuận thành viên và LDN thì văn bản nào sẽ được ưu tiên áp dụng, điều này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp trong giao dịch định đoạt phần vốn góp của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên. Tác giả cho rằng quyền định đoạt tài sản là quyền tài sản gắn liền với chủ sở hữu, vì vậy cần phải tôn trọng nhóm quyền này bằng việc tôn trọng thoả thuận của các bên trong Điều lệ, thỏa thuận của thành viên. Nếu mọi quyền hạn của chủ sở hữu đều bị ràng buộc bởi quy định của pháp luật mà không được tự do ý chí là xâm phạm đến quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư. Việc tôn trọng thỏa thuận của các bên là hoàn toàn hợp lý, bởi giống như các giao dịch dân sự khác, phụ thuộc vào sự tự do ý chí và tự nguyện của các bên, miễn là những thỏa thuận đó không được hình thành do cưỡng ép, lừa dối, không trái với đạo đức xã hội và không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.
1.3.4 Các hình thức định đoạt vốn của chủ sở hữu công ty TNHH
một thành viên
23
a. Quyền tăng vốn điều lệ của chủ sở hữu công ty TNHH một thành
viên
Quyền tăng vốn điều lệ của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên được quy định tại Khoản 2, Điều 76, LDN 2005, riêng đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu, quyền tăng vốn Điều lệ còn được quy định tại Điểm h, Điều 64, LDN 2005. Tuy nhiên, khác với các loại hình doanh nghiệp khác, theo quy định tại Khoản 1, Điều 76, LDN 2005 và Khoản 2, Điều 40, NĐ 43 thì công ty TNHH một thành viên được tăng vốn điều lệ nhưng lại không được giảm vốn điều lệ. Nguyên nhân pháp luật quy định như vậy là vì công ty TNHH một thành viên là loại hình doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu của công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Đặc biệt, trong công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu được quyền tự mình quyết định mọi vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, chính vì vậy, nếu pháp luật cho phép công ty TNHH một thành viên được giảm vốn điều lệ, chủ sở hữu có thể lợi dụng quy định này để giảm vốn điều lệ một cách dễ dàng nhằm trốn tránh các nghĩa vụ về tài sản, dẫn tới quyền lợi của các chủ nợ và các chủ thể có quyền lợi liên quan không được bảo đảm.
Ví dụ ông A là chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên X. Trong quá trình hoạt động, công ty liên tục bị lỗ nên ông A phải vay mượn tiền từ ngân hàng, bạn bè, các tổ chức tín dụng để có thể duy trì hoạt động của công ty. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, công ty X không còn nguồn vốn để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh nên buộc phải tính đến phương án phải phá sản. Nếu Nhà nước cho công ty TNHH một thành viên được giảm vốn điều lệ thì ông A sẽ tính toán làm thủ tục giảm vốn điều lệ đến mức thấp nhất trước khi nộp hồ sơ xin phá sản. Như vậy các khoản nợ của công ty sẽ giảm đến mức thấp nhất, vậy thì các ngân hàng, các chủ nợ sẽ bị mất tiền. Điều này kéo theo hệ lụy là các cá nhân, tổ chức sẽ không dám cho các công ty TNHH một thành viên vay tiền nữa và lúc đó loại hình công ty TNHH một thành viên chắc chắn sẽ không thể tồn tại và phát triển. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 76, LDN 2005 thì công ty
24
TNHH một thành viên được phép tăng vốn điều lệ bằng cách chủ sở hữu công ty đầu tư thêm hoặc huy động thêm vốn góp từ tổ chức, cá nhân khác.
b. Thủ tục tăng vốn điều lệ của chủ sở hữu công ty TNHH một
thành viên
Trường hợp công ty TNHH một thành viên tăng vốn điều lệ do chủ sở hữu công ty đầu tư thêm vốn thì theo quy định tại Khoản 1, Điều 40, NĐ 102, công ty gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Nội dung