0
Tải bản đầy đủ (.doc) (100 trang)

Hoàn thiện nội dung và phương pháp thẩm định tài chính dự án

Một phần của tài liệu NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THẨM ĐỊNH TÀI CHÍNH DỰ ÁN TRONG HOẠT ĐỘNG CHO VAY TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN TIÊN PHONG (Trang 71 -76 )

Qua phân tích và đánh giá thực trạng tại Ngân hàng, các nội dung thẩm định tài chính dự án còn chứa đựng những thiếu sót, một số nội dung chưa được phân tích kỹ lưỡng và chuẩn xác, chưa có đủ căn cứ khách quan và có tính thuyết phục cao, các phương pháp thẩm định chưa được vận dụng một cách linh hoạt. Đặc biệt, vấn đề xác định lãi suất chiết khấu và đánh giá rủi ro của dự án chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng tới chất lượng kết quả thẩm định. Hoàn thiện nội dung và phương pháp thẩm định là bước đầu tiên để Ngân hàng thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng công tác thẩm định tài chính dự án. Trong thời gian tới, Ngân hàng có thể tập trung vào một số giải pháp gắn liền với từng mục tiêu cụ thể như sau:

Thứ nhất, thẩm định mức vốn đầu tư và nguồn tài trợ của dự án một cách đầy đủ và chính xác: Ngân hàng cần chú trọng kiểm tra tính hợp lý về chi phí đầu tư, tránh tình trạng chủ đầu tư có thể tính toán mức vốn quá cao để tránh thủ vốn, gây lãng phí, ứ đọng vốn làm giảm hiệu quả đầu tư; hay chủ đầu tư lập dự án tính mức vốn quá thấp để tăng hiệu quả đầu tư giả tạo dẫn đến quyết định đầu tư sai lệch. Để làm được điều này, cán bộ thẩm định cần thu thập thêm các căn cứ khách quan và đủ tính thuyết phục:

- Tìm hiểu thị trường, căn cứ vào các định mức kinh tế kỹ thuật của các ngành, các đơn giá của nhà nước, các nhà cung cấp có uy tín trên thị trường, nghiên cứu mức độ hiện đại của công nghệ, tình hình giá cả ở thị trường trong và ngoài nước.

72

- Tích cực tìm hiểu, lưu trữ các thông tin của các dự án điển hình trong cả nước làm cơ sở cho việc kiểm tra, thẩm định tổng mức vốn đầu tư, trong một số trường hợp có thể thuê cơ quan tư vấn nếu cần thiết.

- Sau mỗi dự án đầu tư, đưa ra những đúc rút ở giai đoạn dự án đi vào hoạt động về suất vốn đầu tư, phương án công nghệ, các hạng mục cần thiết hoặc chưa cần thiết trong giai đoạn thực hiện đầu tư để làm căn cứ so sánh cho các dự án tương tự sau này.

- Bổ sung vốn lưu động ròng vào tổng mức đầu tư của dự án khi doanh nghiệp bỏ qua phần vốn này. Căn cứ vào tốc độ luân chuyển vốn lưu động hàng năm của dự án, của các doanh nghiệp cùng ngành nghề và mức vốn lưu động tự có của chủ dự án để xác định nhu cầu vốn lưu động hàng năm.

- Xác định phần vốn dự phòng trong quá trình đầu tư do yếu tố lạm phát hay tỷ giá hoặc các tác động khác từ môi trường kinh tế.

Khi thẩm định về cơ cấu vốn đầu tư cần xác định được đặc điểm từng nguồn tài trợ để đánh giá được tính khả thi của các nguồn tài trợ cũng như chi phí vốn của các nguồn này. Hiện nay trong cơ cấu vốn đầu tư, các Ngân hàng thường chỉ chú trọng các nguồn vốn huy động và chi phí huy động, còn nguồn vốn chủ sở hữu thường không được chứng minh rõ ràng. Để nâng cao hiệu quả thẩm định, Ngân hàng cần xác định cụ thể phần vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án và đánh giá tính khả thi của nguồn này trên cơ sở phân tích kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp và yêu cầu chủ đầu tư đưa ra những căn cứ đáng tin cậy về nguồn vốn này.

Thứ hai, dự tính doanh thu và chi phí, xác định dòng tiền của dự án một cách hợp lý

Để đưa ra những dự báo về doanh thu và chi phí của dự án có tính thuyết phục cao, Ngân hàng cần chú trọng thực hiện một số giải pháp như sau:

- Nghiên cứu thị trường đầu ra của sản phẩm dự án trên các mặt: quan hệ cung cầu của sản phẩm, điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm, đối tượng, phương thức tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là tình hình cạnh tranh trên thị trường, từ đó dự tính mức tiêu thụ và giá bán sản phẩm được thị trường chấp nhận. Có thể nghiên cứu khả năng cạnh tranh dưới hai nội dung:

73

+ Nghiên cứu khả năng cạnh tranh trực tiếp là xem xét đánh giá sản phẩm của dự án so với sản phẩm hiện có trên thị trường về quy cách, chất lượng, giá cả, bao bì mẫu mã, phương thức thanh toán… để thấy được ưu, nhược điểm của sản phẩm.

+ Nghiên cứu khả năng cạnh tranh gián tiếp là đánh giá so sánh uy tín, kinh nghiệm… của chú đầu tư với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

+ Bên cạnh việc dự báo xu hướng cạnh tranh trong tương lai, cần tìm hiểu các công cụ cạnh tranh được doanh nghiệp áp dụng và các phương thức hỗ trợ cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Để phục vụ đắc lực cho công tác phân tích và đánh giá này, Ngân hàng nên đẩy mạnh và chi tiết hoá các mô hình hỗ trợ như mô hình SWOT, mô hình PORTER và một số mô hình kinh tế lượng.

- Tính toán lại các khoản mục chi phí của dự án trên cơ sở tham khảo quy định của Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản của doanh nghiệp và thu thập dữ liệu trên thị trường. Đối với các dự án mở rộng hoặc dự án mới của doanh nghiệp đã hoạt động trong ngành đó có thể lấy các chỉ tiêu cũ làm cơ sở so sánh. Đối với các dự án và doanh nghiệp mới hoàn toàn, các chỉ tiêu của các doanh nghiệp tương tự thu thập trên thị trường cũng là những yếu tố tham khảo tốt cho công tác thẩm định. Trên cơ sở này cán bộ thẩm định có thể chỉ ra được các chi phí bất hợp lý được kê khai trong dự án, các chi phí không được công nhận trong chế độ kế toán thống kê của dự án.

- Tập trung phân tích các khoản mục chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm của dự án:

+ Chi phí nguyên nhiên vật liệu: Đánh giá công nghệ kỹ thuật cũng như công suất thiết kế của dự án để xác định lượng tiêu hao nguyên vật liệu trực tiếp. Đồng thời có những phân tích, dự báo để xác định giá bán và sự biến động cung cầu thị trường đầu vào.

+ Chi phí tiền lương: Căn cứ trên quy định của Nhà nước (về mức lương tối thiểu, các tỷ lệ trích theo lương, các quy định riêng đối với từng ngành nghề cụ thể), căn cứ trên các dự án cùng loại (định mức tiền lương, số lượng lao động) xác định số lượng lao động cũng như mức tiền lương, các hình thức trả lương để tính toán chi phí tiền lương.

74

+ Chi phí khấu hao: Căn cứ theo các quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao Tài sản cố định, căn cứ vào kết quả thẩm định về phương diện kỹ thuật của dự án (tuổi thọ, công suất hoạt động, trình độ hiện đại của công nghệ, thiết bị) để từ đó xác định được thời gian và phương pháp trích khấu hao phù hợp.

+ Chi phí bán hàng, quản lý và các khoản chi phí khác: Căn cứ trên các quy định Nhà nước v ề định mức (tỷ lệ chi phí trên doanh thu) và căn cứ theo các dự án thực hiện cùng loại để xác định mức chi phí hợp lý.

Với các yếu tố xác định phức tạp do liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật mà cán bộ thẩm định không am hiểu, Ngân hàng cần thuê tư vấn hoặc tham khảo các dự án tương tự đã hoạt động.

Thứ ba, xác định mức lãi suất chiết khấu hợp lý

Lãi suất chiết khấu phản ánh chi phí cơ hội của các nguồn vốn tham gia vào dự án. Ngân hàng cho vay quan tâm tới dòng tiền của tổng đầu tư, do đó suất chiết khấu sử dụng để hiện tại hóa dòng tiền là chi phí sử dụng vốn bình quân:

WACC = Chi phí vốn vay x Tỷ trọng vốn vay + Chi phí vốn chủ sở hữu x tỷ trọng vốn chủ sở hữu. Việc xác định chi phí vốn hay nói cách khác là tỷ lệ sinh lời yêu cầu đối với dự án dựa trên nguyên tắc về mối quan hệ giữa rủi ro và lợi tức kỳ vọng: Khi mức độ rủi ro của dự án càng cao thì lợi tức kỳ vọng của các nhà đầu tư càng lớn. Để dự tính lãi suất chiết khấu dự án đang xem xét phải đặt trong tương quan với các tài sản tài chính và dự án đầu tư khác cùng mức độ rủi ro. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi thị trường tài chính chưa phát triển đầy đủ, nguồn thông tin còn hạn chế, việc tính toán lãi suất chiết khấu theo đúng nguyên tắc như trên là còn gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng có thể xác định tỷ lệ sinh lời yêu cầu của vốn chủ sở hữu một cách tương đối hợp lý và đơn giản trên cơ sở so sánh với suất sinh lời từ hoạt động hiện tại của doanh nghiệp, suất sinh lời bình quân của ngành có tính tới phần bù rủi ro.

Với ví dụ minh họa là dự án xây dựng cao ốc Minh Việt, nguồn vốn vay tham gia dự án chiếm tỷ trọng 44%, vốn tự có chiếm 56%. Lãi suất vay vốn của Ngân hàng 12%/năm. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm thẩm định 25%. Tỷ lệ sinh lời yêu cầu của chủ đầu tư đối với dự án được ước tính trên cơ sở tỷ lệ sinh lời từ hoạt động hiện tại của doanh nghiệp là 18%.

75

WACC = 12% x 44% x (1 – 25%) + 18% x 56% = 14.04% Tỷ lệ chiết khấu của dự án lựa chọn là 14.04%.

Thứ tư, tăng cường công tác đánh giá rủi ro của dự án

Thẩm định tài chính dự án cho vay theo phương pháp hiện đại đòi hỏi không chỉ phải quan tâm tới giá trị thời gian của tiền mà còn một yếu tố quan trọng nữa là phải phân tích các hiệu quả tài chính đó trong trạng thái luôn biến động của thị trường. Trên thực tiễn tại Ngân hàng, việc đánh giá rủi ro của dự án chưa được chú trọng đúng mức, chỉ được đề cập một cách chung chung, dựa trên những nhận xét định tính, chưa có những phân tích cụ thể dựa trên việc lượng hóa mức độ rủi ro. Hai phương pháp định lượng mà Ngân hàng có thể áp dụng phổ biến vào việc phân tích và quản lý rủi ro các dự án là phân tích độ nhạy và phân tích tình huống.

Đối với phân tích tình huống: Phân tích các tình huống xấu nhất, tốt nhất có thể xảy ra đối với dự án đồng thời xác xuất xảy ra các trường hợp đó. Tuy nhiên ở Việt Nam phân tích tình huống gặp phải những khó khăn vì chất lượng thông tin ở Việt Nam còn kém.

Đối với phân tích độ nhạy: Phân tích độ nhạy nhằm xác định chính xác các yếu tố mà tác động của rủi ro dự toán nhiều nhất. Trong phân tích độ nhạy, tiến hành phân tích sự thay đổi của NPV, IRR khi có một nhân tố cơ bản: giá nguyên vật liệu, giá bán sản phẩm, lạm phát... thay đổi với giả định các nhân tố khác được cố định. Thẩm định dự án là nghiên cứu một tập tài liệu được soạn thảo trên cơ sở các giả định nên không thể dự báo một cách chính xác và đầy đủ những gì có thể xảy ra trong tương lai. Vì vậy mà phân tích độ nhạy được sử dụng rất phổ biến trong thẩm định dự án.

Để có được kết quả phân tích độ nhạy tốt, đội ngũ cán bộ thẩm định của Ngân hàng phải có tầm nhìn vĩ mô, tầm nhìn mang tính định hướng, chiến lược để đưa ra được những giả thiết, những tình huống sát với thực tế, có khả năng tác động đến dự án trong tương lai như: biến động của thị trường, giá cả sản phẩm, sự thay đổi về chính sách thuế…

Cũng thông qua việc phân tích độ nhạy, Ngân hàng xác định được những nhân tố có tác động lớn nhất tới các chỉ tiêu hiệu quả của dự án, từ đó có biện pháp bảo đảm, hỗ trợ và hạn chế rủi ro.

76

Một phần của tài liệu NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THẨM ĐỊNH TÀI CHÍNH DỰ ÁN TRONG HOẠT ĐỘNG CHO VAY TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN TIÊN PHONG (Trang 71 -76 )

×