Đầu năm 2011, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp: lạm phát tăng (18,58%), giá dầu thô tăng (khoảng 30,6%), giá nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất (7,5%), giá lương thực, thực phẩm và giá vàng trên thị trường (1.900 USD/Oz) thế giới tiếp tục xu hướng tăng cao đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước.
Thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt theo Nghị quyết 11/2011 để kiềm chế lạm phát, trong năm 2011 Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt điều chỉnh nhiều chính sách: tăng các mức lãi suất điều hành; quy định trần lãi suất huy động (14%/năm); trần tăng trưởng tín dụng dưới 20%; trần tỷ trọng dư nợ lĩnh vực phi sản xuất 16%/tổng dự nợ; thu hẹp đối tượng cho vay ngoại tệ; điều chỉnh tăng và mở rộng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ; chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Các chính sách này đã tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô: Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 10%, tăng trưởng tín dụng khoảng 12% (trong khi mức trung bình 5 năm gần đây là 33%); thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá ổn định dần từ quý 2; lãi suất VNĐ tăng cao; thị trường liên ngân hàng đối mặt với không ít khó khăn, tình trạng thiếu thanh khoản tại một số tổ chức tín dụng khiến lãi suất liên ngân hàng biến động mạnh. Do các nghĩa vụ trả nợ tiền gửi cũng như nghĩa vụ thực hiện các cam kết giải ngân tín dụng từ trước lớn, nên thanh khỏan của các NHTM luôn ở tình trạng căng thẳng. Cộng với việc theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, NHNN tăng lãi suất trên thị trường mở, kéo theo việc tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nên lách trần lãi suất huy động cùng với các sản phẩm huy động siêu ngắn đã bùng phát.Quý 4/2011, nhiều ngân hàng nhỏ khó khăn về thanh khoản xin gia hạn nợ, giãn nợ đã ảnh hưởng đến nhiều ngân hàng thương mại khác là chủ nợ; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng cao.
(Nguồn: Báo cáo thường niên Ngân hàng SHB năm 2011)
Bước sang năm 2012, kinh tế - tài chính của Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của kinh tế thế giới, do khủng hoảng tài chính và nợ công ở châu Âu chưa được giải quyết. Suy thoái tại khu vực đồng Euro cùng với khủng hoảng tín dụng và tình trạng thất nghiệp gia tăng, khiến cho hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu bị tác động mạnh, giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp.
Nền kinh tế Việt Nam năm 2012 yếu với tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp (7%), tỷ lệ nợ xấu cao (8,82%), nhu cầu tiêu dùng suy giảm, hàng tồn kho lớn, số lượng doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động tăng cao đã ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng nói chung. Bên cạnh đó, những biến cố ngành tài chính ngân hàng là những rào cản tác động tiêu cực đến hoạt động của các Ngân hàng.
(Nguồn: www.cafef.vn)
Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ để kiềm chế lạm phát từ cuối năm 2011 sang năm 2012. Tuy nhiên trước những suy giảm của nền kinh tế những tháng đầu năm 2012, NHNN đã có những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng kể từ quý II. Theo đó, trần lãi suất huy động đã được điều chỉnh
giảm mạnh từ mức 14% năm 2011 về mức 8% sau 5 lần điều chỉnh. Từ tháng 05/2012, NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với xu hướng giảm của trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên trên cũng được điều chỉnh giảm từ 15% về còn 12%/năm. Bên cạnh đó, NHNN đã đưa ra hàng loạt các quy định nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh vàng, ổn định tỷ giá và các quy định pháp lý đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Những thay đổi trong chính sách điều hành của NHNN đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của hệ thống Ngân hàng
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, đến tháng 11/2013 CPI tăng 5,5%. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 11/2013 đạt 9%. Mặt bằng lãi suất giảm, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7 - 9%/năm. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2013 ước đạt 121 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 39,9 tỷ USD, tăng 3,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 81,2 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2013 ước đạt 121,1 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 52,2 tỷ USD, tăng 6%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 68,9 tỷ USD, tăng 26%. Vốn FDI trong 11 tháng đầu năm nay vào Việt Nam cả đăng ký cấp mới và tăng thêm là 20,82 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
.(Nguồn: Báo cáo thường niên Ngân hàng SHB)
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều lĩnh vực chuyển biến, tăng trưởng còn chậm, chưa vững chắc, nhất là công nghiệp và nông nghiệp. Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng nguy cơ tiềm ẩn còn cao. Sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu tuy đã giảm xuống so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá giảm, sức mua giảm, chính sách bảo hộ thương mại của một số thị trường lớn.