2.3.2.1 Từ môi trường hoạt động, bản thân ngân hàng và khách hàng
- Thứ nhất phải kể đến khó khăn, vướng mắc trong thu hút dịch vụ từ khách hàng. Do sự cạnh tranh gay gắt giữa các Ngân hàng trên cùng địa bàn ngày càng gia
tăng, đặc biệt là các NHTM cổ phần mới thành lập với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường đã đưa ra các chính sách phí rất cạnh tranh, cơ chế tín dụng mềm hơn, chính sách khách hàng linh hoạt hơn, và do mới hoạt động nên khách hàng chưa nhiều, nên có nhiều thời gian cho công tác tiếp thị khách hàng.
- Khó khăn về nguồn vốn và ngoại tệ: Các dịch vụ tài trợ xuất khẩu vẫn thường gắn liền với hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp, một doanh nghiệp vừa có xuất khẩu hàng hoá, song đồng thời cũng có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và máy móc thiết bị đầu tư cho sản xuất, do đó khi nguồn ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu còn hạn chế sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung ứng ngoại tệ cho nhu cầu thanh toán nhập khẩu, điều này sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển các dịch vụ tài trợ thương mại nói chung của một ngân hàng.
Ngoài ra, một khó khăn mới phát sinh trong thời gian qua và đặc biệt trong các tháng đầu năm 2008 là tình hình khó khăn về nguồn vốn và chính sách kiềm chế lạm phát của chính phủ. Khó khăn về nguồn ngoại tệ là một nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của các sản phẩm tài trợ thương mại vốn phụ thuộc nhiều vào tình hình ngoại tệ trong nước và trên thế giới. Đồng thời, chính sách hạn chế cho vay của ngân hàng cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh tài trợ thương mại của ngân hàng.
- Khó khăn từ phía khách hàng:
+ Khách hàng hoạt động XNK trên địa bàn Thanh Hoá, phần đa còn hạn chế rất nhiều về nghiệp vụ ngoại thương, nghiệp vụ TTQT, các thông lệ quốc tế, các qui định về quản lý ngoại hối của Nhà nước và đặc biệt rất hạn chế về trình độ ngoại ngữ, do đó cán bộ ngân hàng phải mất rất nhiều thời gian trong việc hướng dẫn, tư vấn và giải thích cho khách hàng, và nhiều khi phải lập hộ chứng từ cho khách hàng.
+ Hơn nữa các khách hàng vẫn chưa sẵn sàng trong việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ mới, do đó khó khăn cho ngân hàng trong việc phát triển và đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ.
+ Khách hàng vẫn thường quen làm việc theo cách trao đổi miệng, do đó việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục thường chậm và đôi khi những thủ tục tối thiểu và đơn giản nhất vẫn cho là rườm rà.
2.3.2.2 Cơ chế điều hành của hội sở chính các NHTM:
- Nghiệp vụ tài trợ xuất khẩu nhìn chung vẫn còn mới mẻ đối với các NHTM Việt Nam, cùng với tốc độ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, các hình thức thương mại quốc tế cũng có nhiều thay đổi, các phương thức thanh toán mới cũng dần ra đời thay thế các phương thức cũ, song các NHTMVN đang trong giai đoạn vừa tiếp cận, vừa học hỏi và vận dụng, do đó về mặt sản phẩm dịch vụ, cơ chế chính sách nhiều khi ra đời nhưng không phù hợp, không được sự đón nhận của thị trường do đó phải thường xuyên thay đổi.
- Từ cấp Trung ương của các hệ thống NHTM cũng vừa nghiên cứu vừa chỉ đạo, do đó nhiều khi văn bản hướng dẫn vừa ra đời đã không phù hợp, hoặc công văn không bao quát hết được những tình huống thực tế do đó khó khăn cho các cấp thực hiện tại chi nhánh.
- Các chiến lược và chính sách khách hàng của các NHTM cũng không ổn định và chưa rõ ràng, do đó công tác phát triển khách hàng mớâctị các chi nhánh chưa có hiệu quả cao.
2.3.2.3 Từ cơ chế chính sách của Nhà nước:
- Chế độ quản lý ngoại hối của Nhà nước nhiều khi chưa rõ ràng, văn bản đưa ra có thể hiểu theo nhiều nghĩa, công văn hướng dẫn của các ban ngành chồng chéo, khó cho các cấp thực hiện.
- Khi một nghị định của chính phủ ra đời, các cấp, ban ngành có liên quan chậm trong việc ra thông tư hướng dẫn: Ví dụ như nghị định 160/2006/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ ban hàng ngày 28/12/2006, như cho đến nay NHNN Trung ương chưa ban hành thông tư hướng dẫn thi hành nghị định.
- Nhiều nội dung qui định từ những văn bản cũ, đến nay không còn phù hợp, song vẫn chưa kịp thời bổ sung, chỉnh sửa, còn nhiều nội dung phát sinh trong thực tế nhưng các văn bản hướng dẫn chưa bao quát hết, khó cho các cấp thực hiện.
- Việc quản lý và điều hành tỷ giá của NH nhà nước chưa thực sự linh hoạt và hiệu quả, chưa phản ánh chính xác cung cầu ngoại tệ trên thị trường, tỷ giá do NHNN công bố có một khoảng cách lớn đối với tỷ giá giao dịch thực tế, phần nào
đã gây ảnh hưởng không tốt cho các doanh nghiệp nhập khẩu và khó khăn cho các NHTM trong việc đáp ứng như cầu ngoại tệ của khách hàng nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các qui định về tỷ giá của Nhà nước.
- Việc quản lý thị trường ngoại tệ “chợ đen” còn quá lỏng lẻo, chính các điểm mua bán ngoại tệ trái phép này nhiều khi đã tạo ra cung cầu ngoại tệ ảo, gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân, từ đó cung cầu thực sự bị bóp méo.