Hiến chương Liên hiệp quốc là cơ sở pháp lý điều chỉnh quá trình hoạt động và phát triển của tổ chức Liên hiệp quốc, tổ chức Liên hiệp quốc gồm 6 cơ quan chính và các cơ quan phụ trợ có thể được thành lập nếu cần thiết, phù hợp với Hiến chương, hoạt động thông qua mục đích duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, thi hành những biện pháp tập thể có hiệu quả để phòng ngừa và loại trừ các mối đe doạ hoà bình, cấm mọi hành vi xâm lược và phá hoại hoà bình khác; dàn xếp hoặc giải quyết các tranh chấp hoặc tình thế có tính quốc tế có thể dẫn đến việc phá hoại hoà bình bằng phương pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc của công lý và luật pháp quốc tế; Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc và áp dụng những biện pháp phù hợp khác để củng cố hoà bình thế giới; Đạt được sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá hoặc nhân đạo, và thúc đẩy, khuyến khích việc tôn trọng các quyền con người và tự do cơ bản cho tất cả mọi người,
không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo; Trở thành trung tâm hòa hợp mọi hành động của các dân tộc. Để đạt được những mục đích này, Liên hiệp quốc và các thành viên Liên hiệp quốc hành động phù hợp với những nguyên tắc theo quy định tại điều 2 của Hiến chương. Với mục đích tạo ra những điều kiện ổn định và phồn vinh cần thiết cho mối quan hệ hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và quyền tự quyết của các dân tộc, Liên hiệp quốc sẽ thúc đẩy: Mức sống cao, việc làm đầy đủ và những điều kiện phát triển kinh tế, xã hội; Các giải pháp cho những vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế và những vấn đề liên quan khác; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hoá và giáo dục; Sự tôn trọng và tuân thủ chung các quyền và tự do cơ bản của con người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo. Tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc phải cam kết thực thi các hành động chung hoặc riêng trong việc hợp tác với Liên hiệp quốc. Các thành viên Liên hiệp quốc có trách nhiệm hoặc đảm đương trách nhiệm quản lý những vùng lãnh thổ mà nhân dân các vùng lãnh thổ ấy chưa hoàn toàn tự quản được, thừa nhận nguyên tắc đặt quyền lợi của nhân dân các vùng lãnh thổ ấy lên hàng đầu, và chấp nhận, như một sự ủy thác thiêng liêng, nghĩa vụ thúc đẩy tới mức tối đa sự phồn vinh của nhân dân các vùng lãnh thổ đó, trong khuôn khổ của hệ thống hoà bình và an ninh quốc tế được thiết lập bởi Hiến chương. Với sự tôn trọng thích đáng nền văn hoá của nhân dân vùng lãnh thổ liên quan, sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội giáo dục của họ, sự đối xử công bằng với họ và bảo vệ họ chống lại mọi lạm dụng. Phát triển chế độ tự trị của các lãnh thổ đó, chú ý đến những nguyện vọng chính trị của nhân dân và giúp đỡ họ phát triển tiến bộ những thể chế chính trị tự do theo những điều kiện riêng biệt của từng vùng lãnh thổ và của nhân dân các vùng lãnh thổ ấy và phù hợp với các giai đoạn phát triển khác nhau của họ. Thúc đẩy những biện pháp phát triển mang tính
xây dựng, khuyến khích nghiên cứu, hợp tác với nhau và với các tổ chức quốc tế chuyên môn nếu thích hợp, nhằm đạt được trên thực tế những mục đích xã hội, kinh tế và khoa học.