Liên hiệp quốc trước thời khắc thay đổi
Kỳ họp thứ 59 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thu hút được sự chú ý của công luận quốc tế không chỉ về những vấn đề cấp thiết của thế giới, mà còn về triển vọng thay đổi của một số chính sách và cơ cấu trong cơ quan này. Thực trạng và những biến động trên thế giới trong thời gian qua đã đặt ra trước tổ chức quốc tế lớn nhất này yêu cầu phải cải cách.
Những chính sách chống khủng bố toàn cầu mới
Một thực trạng rõ ràng mà bất cứ ai cũng có thể công nhận, đó là những hành động khủng bố không còn tập trung ở những điểm nóng cụ thể như Kasmir, Sudan, Afghanistan, Cận Đông, Balkan; mà đã lây lan như một căn bệnh dịch trên phạm vi toàn cầu, trong khi thế giới vẫn chưa có được một mặt trận chống khủng bố thống nhất đúng nghĩa. Cuộc chiến chống lại hiểm họa này vẫn chỉ thu hẹp trong phạm vi của từng quốc gia. Đó là lý do khiến câu hỏi về vai trò của Liên hiệp quốc trong cuộc chiến chống khủng bố được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ sáng kiến của Nguyên Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan về một Nhóm cấp cao chuyên về những mối đe dọa, thách thức và biến đổi. Theo họ, việc thành lập nhóm này sẽ giúp củng cố vai trò tập thể trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới, soạn thảo những tiêu chí chung cho cuộc đấu tranh, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan trong Liên hiệp quốc, kể cả Hội đồng Bảo an. Đó sẽ là một yếu tố giúp cho Liên hiệp quốc đảm đương được vai trò phối hợp trung tâm trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và hợp tác trên thế giới.
Rõ ràng là không thể nói đến sự thành công trong cuộc chiến chống khủng bố nếu không có được một chiến lược hành động rõ ràng cũng như một cơ sở pháp lý tổng hợp được đông đảo các quốc gia thành viên chấp thuận. Nó liên quan đến việc thay đổi các điều luật của từng quốc gia thống nhất với các điều ước quốc tế, về việc hoàn chỉnh những tài liệu chống khủng bố mới trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ủy ban chống khủng bố trong thành phần Hội đồng bảo an phải có nhiệm vụ làm rõ những mắt xích yếu trong hệ thống chống khủng bố quốc tế, triển khai việc hỗ trợ với các tổ chức quốc tế và khu vực. Trong đó vai trò trung tâm trong việc thống nhất nỗ lực của cộng đồng quốc tế phải do Liên hiệp quốc đứng ra đảm trách, nhất thiết không phải là hành động đơn phương của bất kỳ một cường quốc nào.
Đâu là cơ cấu mới của Hội đồng bảo an
Trong phiên họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc vừa qua, một vấn đề nêu ra được mọi người quan tâm nhất chính là mở rộng số lượng các thành viên trong Hội đồng bảo an. Cần nhắc lại là Hội đồng Bảo an của Liên hiệp quốc bao gồm có 5 thành viên thường trực (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp) và 10 thành viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ 2 năm. Để thông qua được một dự thảo nghị quyết cần phải có sự đồng ý của ít nhất 9
thành viên hội đồng, trong đó phải có tất cả 5 thành viên thường trực. Nói một cách khác, mỗi một thành viên thường trực đều có quyền phủ quyết, có nghĩa là đóng vai trò quyết định trong bất cứ một quyết định hay dự thảo nào liên quan đến việc bảo đảm hòa bình và an ninh trên thế giới.
Trật tự trên của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã không thay đổi trong suốt những năm qua. Trong giai đoạn này, cán cân quyền lực trên thế giới đã có nhiều thay đổi. Đã xuất hiện thêm nhiều cường quốc mới, mà trên thực tế không có vai trò của họ, khó có thể giải quyết ổn thỏa nhiều vấn đề trên phạm vi toàn cầu.
Xuất phát từ những ý kiến đề xuất trong thời gian gần đây, có thể xác định được một nhóm các ứng cử viên có triển vọng nhất vào những chiếc ghế thành viên thường trực mới như Đức, Nhật, Ấn Độ, Brazil, Ai Cập, Indonesia. Chỉ nhìn sơ qua, ta có thể thấy những quốc gia này đang đại diện cho những khu vực địa lý lớn nhất trên thế giới.
Có thể lấy một ví dụ hàng đầu như nước Đức. Nhà khổng lồ về kinh tế tại châu Âu này càng củng cố vững chắc hơn vị thế của mình sau khi thống nhất đất nước. Tuy nhiên, trước sự lớn mạnh vượt bậc của quốc gia này, nhiều người vẫn bị ám ảnh về bóng ma của chủ nghĩa phát xít. Bản thân nước Mỹ cũng đánh giá “ứng cử viên” này với không ít những lo ngại. Washington vẫn không khỏi hằn học trước thực tế một châu Âu thống nhất đang phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng độc lập cả về chính trị và quân sự. Người Mỹ hẳn vẫn nhớ thái độ phản đối của Berlin và Paris với cuộc chiến Iraq. Còn Nhật Bản - ứng cử viên ở khu vực Viễn Đông từng làm thế giới phải kinh ngạc về trí tuệ sáng tạo cũng như sức mạnh kinh tế vẫn phải tốn không ít thời gian để xóa nhòa những “vết ố” trong lịch sử của chủ nghĩa phát xít quân phiệt, trước khi có thể thuyết phục những người khác trong việc phê chuẩn các nguyên tắc hòa bình. Khu vực Nam Á có thể giới thiệu Ấn Độ vào nhóm thành viên
nhận được sự ủng hộ từ phía Nga. Tam giác quyền lực mới Nga - Trung Quốc - Ấn Độ đang dần hình thành một cực mới trên bản đồ chính trị quốc tế, do cả ba nước đều có những quan điểm trùng hợp trong việc xác lập lại một trật tự thế giới đa cực mới.
Trong số các ứng cử viên được coi là có khả năng giành được chiếc ghế thường trực của Hội đồng Bảo an còn có cả đất nước 240 triệu dân Indonesia – quốc gia có số dân Hồi giáo lớn nhất trên thế giới. Phải nói là thời gian gần đây, Indonesia rất tích cực thể hiện mình khi tham gia vào việc gánh vác những vấn đề chung của thế giới.
Có không ít người quan tâm đến ý kiến có phần đặc biệt của Italia. Đại diện nước này cho rằng, hội đồng cần phải được mở rộng bằng cách xây dựng một nhóm các thành viên “bán thường trực”, trong khi vẫn duy trì một số lượng không đổi các thành viên thường trực và không thường trực. Sáng kiến của Rome theo như mọi người đánh giá, chính là vấn đề đại diện của các cơ quan lãnh đạo trong Liên hiệp quốc không chỉ được xây dựng theo từng quốc gia, mà còn phải là đại diện của các tổ chức, liên minh khu vực và quốc tế, trong thành phần đó có nhiều quốc gia khác nhau. Tóm lại, phía Italia mong muốn Cộng đồng châu Âu EU cũng trở thành một thành viên trong Hội đồng Bảo an.