Các chuẩn mực quốc tế về quyền con người

Một phần của tài liệu Vai trò của Liên hiệp quốc trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới (Trang 40)

Từ những chuẩn mực tối thiểu được thiết lập trong Hiến chương Liên hiệp quốc và Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, Liên hiệp quốc có sự chuẩn bị tích cực công việc lập pháp về nhân quyền. Trước hết, để biến các quy định của Tuyên ngôn nhân quyền thành cam kết chính trị – pháp lí có giá trị ràng buộc đối với các quốc gia thành viên, Uỷ ban nhân quyền đã bắt tay ngay vào việc soạn thảo Công ước quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên, do hậu quả của chiến tranh lạnh nên các quy định trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền đã được tách ra thành hai công ước quốc tế riêng biệt. Đó là Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Cả hai công ước này được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua năm 1966 và chính thức có hiệu lực năm 1976 [23]. Hai công ước này, cùng với Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 được xác định là Bộ luật nhân quyền quốc tế. Cùng với việc xây dựng Bộ luật nhân

quyền mang giá trị pháp lí nền tảng, Liên hiệp quốc cũng tích cực xây dựng các chuẩn mực pháp lí quốc tế nhằm tăng cường bảo vệ các quyền cụ thể, quyền của các nhóm, dân tộc khác nhau, tập trung vào các vấn đề như ngăn ngừa phân biệt đối xử; bảo vệ quyền phụ nữ, quyền trẻ em; xoá bỏ chế độ nô lệ; lao động cưỡng bức; các thể chế, tập tục tương tự nô lệ; quyền con người trong quản lí tư pháp; tự do thông tin; tự do hiệp hội; tuyển dụng lao động; kết hôn, gia đình và thanh niên; phúc lợi xã hội; tiến bộ và phát triển; quyền hưởng thụ văn hoá, phát triển và hợp tác văn hoá quốc tế; quốc tịch, không quốc tịch, cư trú và tị nạn; tội phạm chiến tranh, tội phạm chống nhân loại và vấn đề diệt chủng... Như vậy, nếu xét về mặt số lượng văn bản, chỉ tính từ năm 1948, tức là khi Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua đến nay, đã có hơn 60 văn kiện quốc tế về nhân quyền, trong đó có hơn 30 công ước quốc tế và nghị định thư bổ sung công ước đã được Liên hiệp quốc thông qua, chưa kể các văn kiện quốc tế khác về nhân quyền hoặc liên quan đến nhân quyền do các tổ chức chuyên môn thuộc hệ thống Liên hiệp quốc như Tổ chức lao động thế giới (ILO), Tổ chức y tế thế giới (WHO), Tổ chức văn hoá, khoa học và giáo dục (UNESCO) và tổ chức quốc tế khác Ủy ban quốc tế chữ thập đỏ... thông qua.

Trên cơ sở đó, có thể khẳng định, thành tựu lớn nhất trong hoạt động của Liên hiệp quốc trên lĩnh vực nhân quyền kể từ ngày thành lập đến nay, đó là lần đầu tiên, quyền con người chính thức được đặt trên nền tảng Hiến chương Liên hiệp quốc và luật quốc tế hiện đại. Quyền con người từ chỗ thuộc lĩnh vực điều chỉnh của pháp luật quốc gia, trở thành vấn đề toàn cầu, được điểu chỉnh bởi pháp luật quốc tế và ngày nay trở thành ngành luật quốc tế về quyền con người.

Kể từ khi Liên hiệp quốc ra đời (năm 1945) đến nay, một hệ thống đồ sộ các quyền con người, cả các quyền cá nhân và quyền tập thể, đã được ghi nhận

bởi pháp luật quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, việc ghi nhận các quyền con người trong pháp luật là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều kiện đủ là phải có các biện pháp để bảo vệ các quyền khỏi bị vi phạm và thúc đẩy sự tôn trọng và thực hiện các quyền trên thực tế. Do các quyền con người rất phong phú và những vi phạm quyền rất đa dạng, được thực hiện bởi nhiều loại chủ thể (nhà nước, các pháp nhân và cá nhân) nên việc bảo vệ và thúc đẩy quyền đòi hỏi có sự tham gia của nhiều dạng chủ thể (cá nhân, cộng đồng, tổ chức phi chính phủ, cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế…) thông qua nhiều biện pháp, từ phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đến theo dõi, giám sát, và xử lý những hành vi vi phạm về quyền… Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm, nghĩa vụ của các nhà nước, song cũng là quyền và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Điều này đã được nêu trong Tuyên bố của Liên hiệp quốc về trách nhiệm bảo vệ quyền con người của mọi cá nhân, tổ chức (1998) cũng như nhiều văn kiện pháp lý quốc tế khác về quyền con người.

Luật nhân quyền quốc tế là một tập hợp các tiêu chuẩn quốc tế về các quyền và tự do cơ bản cho mọi cá nhân và những đặc thù áp dụng cho một số nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Do tính chất rộng lớn của vấn đề và quy định tổng quát trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền nên quan điểm về số lượng (và kèm theo đó là tên gọi) của các quyền ít nhiều khác nhau. Những quyền và tự do cơ bản của cá nhân được chia thành hai nhóm lớn:

Nhóm quyền dân sự, chính trị bao gồm như: Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, Quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng; quyền có quốc tịch….

Nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa bao gồm như: Quyền được bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và công bằng; quyền được học tập; quyền có mức sống thích đáng; quyền được hưởng mức độ sức khỏe cao nhất có thể đạt được….

Chính từ thảm họa của chiến tranh thế giới lần thứ II, cộng đồng quốc tế cùng nhau thiết lập bản Hiến chương Liên hiệp quốc năm 1945 và đề ra mục đích nhằm duy trì hoà bình và an ninh thế giới; thúc đẩy, tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Do vậy, chỉ ba năm sau khi Liên hiệp quốc được thành lập, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 thực sự mở ra một kỉ nguyên mới cho những cam kết và hành động quốc tế trong việc đảm bảo các quyền và tự do cơ bản của con người.

Do vậy, đảm bảo pháp lý bảo vệ quyền con người là hệ thống các quy định trong hệ thống pháp luật nhằm cụ thể hóa, bảo đảm thực hiện bảo vệ quyền con người và cơ chế bảo đảm thực hiện các quy định đó trong thực tiễn đời sống.

Một phần của tài liệu Vai trò của Liên hiệp quốc trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới (Trang 40)