Bảo vệ quyền con người

Một phần của tài liệu Vai trò của Liên hiệp quốc trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới (Trang 36)

Từ năm 1948 đến nay, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người đã được sử dụng làm nền tảng cơ sở cho việc xây dựng và thông qua hàng loạt các công ước khác về quyền con người của Liên hiệp quốc về cấm và trừng trị những tội ác chống loài người như Công ước về trấn áp và trừng trị tội diệt chủng năm 1948; Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt

chủng tộc năm 1965; Nghị định thư về sửa đổi Công ước về chế độ nô lệ năm 1953; Công ước về trấn áp việc buôn người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949; Công ước bổ sung về xóa bỏ chế độ nô lệ, buôn bán nô lệ và các thể chế, tập tục tương tự như chế độ nô lệ năm 1956; Công ước về tra tấn và những hành động đối xử hoặc trừng phạt mang tính độc ác, vô nhân đạo hay hạ nhục năm 1984. Kể từ năm 1948 đến nay, đã có rất nhiều công ước và các văn kiện khác nhau về quyền con người được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của Tuyên ngôn. Đây cũng là văn kiện được trích dẫn nhiều nhất về vấn đề quyền con người và hiện đã được dịch ra 337 ngôn ngữ khác nhau và đã trở thành hòn đá tảng cho mọi hành động của các chính phủ, mọi người dân và các tổ chức phi chính phủ. Từ chỗ nhận thức không bình đẳng ở phạm vi cá nhân đã dẫn tới hình thành nhận thức ở quy mô quốc gia, dân tộc và từ đó làm phát sinh hiện tượng bất bình đẳng lẫn nhau, nguyên nhân của việc xâm phạm nhân quyền. Chính vì vậy Điều 1 và Điều 2 của Hiến chương như một lời xác nhận khẳng định rằng: “Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền”. Từ những tuyên bố chung về quyền con người thì tại các Điều còn lại của Tuyên ngôn đi vào quy định các quyền con người cụ thể, có thể chia làm hai nhóm chính là nhóm các quyền dân sự chính trị và nhóm các quyền kinh tế văn hóa xã hội. Từ đó hình thành hai Công ước quốc tế quan trọng sau này là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966). Có thể nói Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền có ý nghĩa đạo đức và chính trị mà ít văn kiện nào sánh được. Tuyên ngôn là kim chỉ nam cho các hành động hiện thời và tư tưởng tiến bộ cho việc thực hiện quyền con người sau này ở các quốc gia. Các chuẩn mực của Tuyên ngôn ngày càng được thể chế hóa tại các nước và được coi là cơ sở cho các đạo luật quốc tế về nhân quyền và các hiệp định khác về các quyền cơ bản của con người. Ngoài ra

Tuyên ngôn còn là cơ sở hết sức linh hoạt cho việc không ngừng phát triển sâu rộng hơn khái niệm cơ bản nhất về các quyền con người. Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền chính là xuất phát từ sự khao khát muốn có một hệ thống chuẩn mực mới về nhân quyền trên toàn cầu. Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền ra đời như một dấu mốc quan trọng trong việc bảo vệ và thực thi quyền con người trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, Liên hiệp quốc cũng đã thông qua những Công ước và Nghị định thư về bảo vệ quyền con người của những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, lạm dụng và bóc lột gồm: Công ước về vị thế người tị nạn năm 1951; Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979; Công ước về quyền trẻ em năm 1989; Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của tất cả các người lao động di cư và thành viên của họ năm 1990; Công ước về quyền của người tàn tật năm 2006 v.v. Ngoài ra, Liên hiệp quốc cũng đã thông qua hàng trăm văn kiện khác gồm các tuyên bố, tuyên ngôn, quy ước đạo đức, quy tắc, nguyên tắc liên quan đến việc bảo vệ và thực hiện quyền con người. Ngoài những điều ước quốc tế trên phạm vi thế giới thì một số khu vực cũng đã có những thỏa thuận có tính chất ràng buộc pháp lý như Công ước Châu Âu về quyền con người năm 1950; Công ước Châu Mỹ về quyền con người năm 1969; Hiến chương Châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc năm 1981; Hiến chương Ả rập về quyền con người năm 1994; Về phía Châu Á thì Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã thông qua Hiến chương ASEAN và đã được 10 quốc gia trong hiệp hội phê chuẩn, trong đó Hiến chương cũng đề cập tới các vấn đề bảo đảm tôn trọng và thúc đẩy quyền con người. Tình hình thực thi pháp luật quốc tế về quyền con người trên thế giới “Con người chính là của cải của mỗi quốc gia”. Sự phát triển cần hướng tới mục tiêu tạo dựng một môi trường trong đó người dân được tạo điều kiện sống lâu, khỏe mạnh và sáng tạo – điều này ngày nay có thể là một điều hiển nhiên. Trong sự phát triển

quyền con người, không phải mọi quốc gia đều có những tiến bộ nhanh chóng mà có sự chênh lệch rõ giữa các quốc gia với nhau. Trong hơn 40 trở lại đây, chỉ số HDI ở ¼ số quốc gia đang phát triển tăng 20%, ¼ khác tăng trên 65% UNDP, điều này cho thấy các yếu tố thuộc về quốc gia như các chính sách, thể chế và địa lý là hết sức quan trọng. Đã có rất nhiều tiến bộ đạt được trong lĩnh vực y tế nhưng hiện nay sự tiến triển này đang bị chậm lại. Sự chậm lại này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là tập trung tại một số quốc gia có tỷ lệ tử vong do HIV và tử vong ở người lớn gia tăng ở các quốc gia đang trong thời kỳ quá độ. Trong lĩnh vực giáo dục cũng có nhiều tiến bộ đáng kể. Không chỉ cải thiện về mặt số lượng mà còn là sự bình đẳng trong việc tiếp cận giữa nam và nữ. Ở một chừng mực đáng kể, tiến bộ này thể hiện sự tham gia lớn hơn của Nhà nước, thường được đặc trưng bởi việc đưa nhiều trẻ em đến trường hơn là phổ biến một nền giáo dục cao UNDP. Sự phân định giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển vẫn tiếp tục tồn tại, một nhóm nhỏ các quốc gia vẫn giữ vị trí đứng đầu toàn thế giới về phân bố thu nhập và chỉ một số ít các quốc gia từ nước nghèo đã vươn lên thành nước có thu nhập cao. Nhìn chung, trong tình hình toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay thì việc đảm bảo quyền con người một cách bền vững khó có thể thực hiện một cách hoàn chỉnh mà vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Tỉ lệ bất bình đẳng về thu nhập vẫn còn gia tăng ở các quốc gia hoặc trong chính các quốc gia. Chiến tranh thế giới, xung đột vũ trang vẫn đang còn tồn tại và xảy ra với mức độ tinh vi và phức tạp hơn. Một số quốc gia trên thế giới vẫn không ngừng tiến hành các cuộc chạy đua vũ trang, sỡ hữu vũ khí hạt nhân mà theo họ, chúng chỉ mang tính chất phòng vệ quốc gia. Tỉ lệ đói nghèo ngày càng có sự phân biệt rõ rệt giữa các quốc gia phát triển, đang phát triển với các nước nghèo. Quyền lợi của trẻ em, phụ nữ vẫn chưa được đảm bảo nhất là khu vực kinh tế còn kém phát triển, nghèo nàn và lạc hậu v.v. Chúng

ta đã có thể nhận thấy được những tiến bộ đã đạt được nhưng những thay đổi trong vài thập kỷ qua không phải là hoàn toàn tích cực. Một số quốc gia đã trải qua những sự thụt lùi nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế diễn ra không đồng đều, mang tính chất mong manh, điển hình là cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong vài thập kỷ, khiến cho 34 triệu người mất việc làm và 64 triệu người khác bị rơi xuống dưới mức chuẩn nghèo. Như vậy, tình hình thực thi pháp luật quốc tế về quyền con người vẫn và sẽ đang dự báo là có nhiều biến động. Tuy những năm qua có nhiều tiến bộ nhưng không bền vững, vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia, do đó không đảm bảo được việc thực hiện quyền con người của công dân quốc gia đó. Đây là một vấn đề, thách thức không nhỏ cho toàn cầu trong việc hài hòa hóa các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội với việc đảm bảo sự phát triển bền vững của con người để tiến tới thực hiện được Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015.

Một phần của tài liệu Vai trò của Liên hiệp quốc trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới (Trang 36)