Qua việc phân tích những điểm khác biệt giữa tố tụng trọng tài và tố tụng toà án trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong thương mại quốc tế, ta có thể thấy những ưu thế nổi bật của tố tụng trọng tài. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa phương pháp hoà giải, thương lượng và phương pháp giải quyết tại toà án. Những ưu thế của trọng tài so với toà án chính là những ưu điểm của phương pháp hoà giải, thương lượng đã được lồng vào một cơ chế pháp lý mới là trọng tài.
So với tòa án, trọng tài có điểm giống là cùng mang tính chất tài phán nhưng điểm khác biệt cơ bản là trọng tài mang tính chất "quyền lực tư" nghĩa là trọng tài chỉ có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi có sự thỏa thuận của các bên tranh chấp còn xét xử của tòa án là đại diện cho quyền lực công. Tòa án có thẩm quyền giải quyết đương nhiên theo luật định đối với các vụ tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Với đặc trưng tôn trọng thoả thuận của các bên tranh chấp, hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cho phép các bên có quyền tự định đoạt khi có tranh chấp xảy ra. Các bên có quyền lựa chọn hình thức trọng tài, có thể là trọng tài vụ việc hoặc trọng tài quy chế tuỳ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của các bên, các bên có thể lựa chọn trọng tài viên, thời gian xét xử, địa điểm xét xử… Điều này giảm bớt sự cứng nhắc trong tố tụng đối với các bên.
Về thời gian tố tụng, nếu nói rằng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ đảm bảo nhanh hơn giải quyết bằng toà án thì có thể không hoàn toàn chính xác. Bởi vì, nếu như tranh chấp được giải quyết tại toà án sơ thẩm và không phải trải qua thủ tục xét xử tại các toà án cấp cao hơn thì có khi thời gian giải quyết tranh chấp bằng toà án còn ngắn hơn thời gian giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Tuy nhiên, bản án xét xử sơ thẩm của toà án không có tính chung thẩm nó dễ dàng bị kháng cáo và trải qua các thủ tục xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của toà án cấp cao hơn … cho nên trong nhiều trường hợp, thời gian giải quyết tranh chấp bị kéo dài rất nhiều gây căng thẳng về tinh thần và tốn kém về chi phí cho các bên. Trong những trường hợp như vậy thì giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với thủ tục xét xử một cấp và phán quyết chung thẩm rõ ràng tiết kiệm và lợi hơn nhiều cho các bên tranh chấp.
Đối với các vụ tranh chấp phát sinh từ thương mại quốc tế, một bên tranh chấp thường là người nước ngoài (có khi cả hai bên), việc lựa chọn phương pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài giúp bên nước ngoài gạt bỏ được mặc cảm về việc đưa vụ tranh chấp ra xét xử tại toà án của nước khác. Đây cũng là một lý do làm cho hình thức trọng tài được sử dụng nhiều trong giải quyết tranh chấp phát sinh trong thương mại quốc tế.
Bảng 1.1: So sánh tính ưu việt của trọng tài so với tòa án
STT Tiêu chí Tòa án Trọng tài 1 Tính
chung thẩm Phán quyết của tòa án thường bị kháng cáo. Đa số các quyết định trọng tài không bị kháng cáo. Chỉ có thể dựa vào một vài lý do để khước từ quyết định trọng tài tại tòa án.
2 Sự công
nhận quốc tế Phán quyết của tòa án thường khó đạt được sự công nhận quốc tế. Phán quyết của tòa án được công nhận tại một nước khác thường thông qua hiệp định song phương hoặc theo các quy tắc rất nghiêm ngặt.
Quyết định trọng tài đạt được sự công nhận quốc tế thông qua một loạt các công ước quốc tế và đặc biệt là Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành Quyết định trọng tài nước ngoài. Có khoảng 120 quốc gia đã tham gia Công ước New York.
3 Tính
trung lập Mặc dù thẩm phán quốc gia có thể khách quan, họ vẫn buộc phải sử dụng ngôn ngữ và áp dụng quy tắc tố tụng của quốc gia họ và thường cùng quốc tịch với một bên.
Các bên có thể bình đẳng về nơi tiến hành trọng tài (tại một nước trung lập); ngôn ngữ sử dụng, quy tắc tố tụng; quốc tịch của các trọng tài viên; và đại diện pháp lý.