Sự khác biệt giữa tố tụng trọng tài và tố tụng tòa án trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

Một phần của tài liệu Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài theo pháp luật của một số nước trong khu vực Châu Á và kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 25)

quyết tranh chấp thương mại quốc tế

Trọng tài và toà án đều là những cơ quan tài phán được thành lập để giải quyết những tranh chấp phát sinh giữa các bên. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng mà trong từng vụ việc cụ thể, sử dụng phương pháp này hay phương pháp kia sẽ phát huy được lợi thế của chúng. Việc nắm bắt những

ưu điểm khác nhau của phương pháp này so với phương pháp giải quyết tranh chấp bằng toà án là rất cần thiết.

* Về thẩm quyền xét xử

Trọng tài và toà án đều không có thẩm quyền đương nhiên đối với những tranh chấp trong thương mại quốc tế giữa các thương nhân. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở chỗ khi tranh chấp phát sinh trong thương mại quốc tế, muốn kiện ra toà án, các bên đương sự phải kiện theo quy định theo pháp luật về thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo giá trị vụ kiện, thẩm quyền theo lãnh thổ toà án. Do đó, sự lựa chọn toà án là rất hạn chế. Còn trong tố tụng trọng tài tại các trung tâm trọng tài, thẩm quyền giải quyết tranh chấp không phụ thuộc vào quốc tịch của các bên tranh chấp, nơi có trụ sở thương mại, nơi cư trú của các bên hoặc nơi có tài sản của các bên.

* Về thủ tục tố tụng

Thủ tục tố tụng là điểm khác biệt quan trọng giữa hai hình thức. Bản chất của trọng tài là dựa trên cơ sở sự thoả thuận của các bên tham gia tranh chấp, do đó, trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, sự thoả thuận của các bên luôn được coi trọng. Các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên cũng như có quyền thoả thuận về thủ tục tố tụng. Trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên trong trường hợp các bên không thể lựa chọn được.

Đối với tố tụng tại toà án thì thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp do pháp luật tố tụng quy định, các bên đương sự chỉ có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng trên cơ sở căn cứ luật định.

* Phiên họp xét xử

Về cơ bản, đây là nơi mà thẩm phán cũng như các trọng tài viên tiến hành xét xử tranh chấp trên cơ sở những chứng cứ thu được ở giai đoạn trước. Thời gian và địa điểm tiến hành phiên toà trong tố tụng toà án do cơ quan tư pháp ấn định còn trong tố tụng trọng tài phụ thuộc vào ý chí của các bên đương sự.

Thông thường, thời gian và địa điểm diễn ra phiên toà trong tố tụng toà án phải vào giờ hành chính và tại phòng xử án mà toà án quy định. Tuy nhiên trong tố tụng trọng tài thì hoàn toàn khác. Với mục đích đảm bảo uy tín và bí mật trong kinh doanh, nơi diễn ra phiên xét xử cũng như địa điểm diễn ra phiên xét xử do hai bên tự thoả thuận để phù hợp với điều kiện của mình, nếu các bên không thoả thuận được thì địa điểm xét xử do Hội đồng trọng tài quyết định. Thời gian xét xử không nhất thiết phải diễn ra vào giờ hành chính hay ngày làm việc, địa điểm xét xử cũng không nhất thiết phải ở trụ sở của trung tâm trọng tài mà có thể ở bất cứ đâu. Hơn nữa việc xét xử của toà án dựa trên nguyên tắc xét xử công khai (trừ những vụ án mang tính bí mật quốc gia…), ngoài các bên đương sự ra có nhiều người khác tham dự phiên xét xử, phiên xét xử cũng có thể được đưa trực tiếp hoặc gián tiếp lên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình… Điều này có thể gây tổn hại đến uy tín và gây nhiều bất lợi cho việc kinh doanh trong tương lai của các bên tranh chấp. Đây là một yếu điểm của hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng toà án. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài khắc phục được các yếu điểm này. Nguyên tắc xét xử của trọng tài là xét xử kín, ngoài các bên tranh chấp và trọng tài viên tham gia giải quyết tranh chấp ra sẽ không có một ai được tham dự phiên xét xử nếu như không được sự đồng ý của các bên tranh chấp. Do đó, việc xét xử bằng trọng tài đảm bảo cho các bên giữ kín được bí mật kinh doanh và bảo toàn uy tín kinh doanh trên thương trường. Đây chính là một trong những ưu điểm nổi bật nhất khiến các thương nhân ưa chuộng hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

* Kết thúc xét xử

Quá trình tố tụng tại một cơ quan tài phán bao giờ cũng kết thúc bằng văn bản mang tính chất pháp lý. Tại toà án, quá trình tố tụng kết thúc khi thẩm phán ra bản án có hiệu lực pháp luật hoặc đưa ra những quyết định mà

theo đó vụ án chấm dứt. Trong tố tụng trọng tài, quá trình tố tụng chấm dứt bằng quyết định trọng tài (hay còn gọi là phán quyết trọng tài).

Các bản án và quyết định của toà án có thể bị kháng cáo và trải qua thủ tục phúc thẩm do toà án cấp cao hơn thực hiện. Xuất phát từ đặc điểm xét xử một lần, phán quyết của trọng tài có tính chung thẩm (Quyết định trọng tài chỉ có thể bị tuyên hủy bởi tòa án khi có căn cứ rõ ràng theo quy định của pháp luật). Quyết định trọng tài được ban hành bởi một trung tâm trọng tài không bị xét xử lại bởi vì các trung tâm trọng tài khác nhau độc lập với nhau, không có sự phân cấp, phân vùng như trong hệ thống toà án, do đó một vụ việc đã giải quyết ở trung tâm trọng tài này rồi không thể đem ra giải quyết tại một trung tâm trọng tài khác. Hơn nữa, trong tổ chức của một trung tâm trọng tài nhất định, thủ tục tố tụng là xét xử một cấp và thoả thuận trọng tài mang tính đích danh.

Một phần của tài liệu Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài theo pháp luật của một số nước trong khu vực Châu Á và kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 25)