Đánh giá về trang phục dân tộc Mường:

Một phần của tài liệu tìm hiểu về người mường và trang phục người mường tây bắc- việt nam (Trang 61)

ĐÁNH GIÁ, THỰC TRẠNG VỀ VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC

3.1.2 Đánh giá về trang phục dân tộc Mường:

Sau khi tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Mường nói chung và những đặc điểm về trang phục Mường nói riêng, ta cần phải làm rõ được những đặc sắc về thành tựu của văn hóa Mường, mà cụ thể ở đây là sự phát triển của văn hóa Mường trên lĩnh vực trang phục. Cần phải có một cách nhìn khách quan để đi tới những nhận xét chung nhất, đồng thời cũng làm rõ được những câu trả lời: “sự phát triển của trang phục Mường, đặc trưng của trang phục Mường, nét đặc sắc của trang phục có đóng góp gì trong văn hóa Mường nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung…”

Ban đầu có thể thấy được rằng trang phục Mường phát triển tương đối đa dạng và hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ và nhu cầu thực tiễn của cư dân Mường.

Sự phát triển đa dạng của trang phục Mường được thể hiện ở những thể loại trang phục, với số lượng đáng kể. Có thể chứng minh từ những cái đơn giản nhất là từ màu sắc trên trang phục. Trang phục Mường được biết đến với đủ các loại màu sắc: trắng, đen, vàng, xanh… Những màu sắc này đều được nhuộm theo hình thức thủ công từ những

Tìm hiểu về trang phục của dân tộc Mường ở Tây Bắc

nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên. Đó chính là sự áp dụng đầy sáng tạo, biến cái tự nhiên đáp ứng cho các nhu cầu của mình. Những vỏ cây sấu, cây rau má, cây ổi, cây dẻ có thể làm nên màu đen của váy; những lá muồng và là đơn nấu với lá si giàn có thể tạo ra một màu vàng hoa cải ở các tênh (khăn thắt ở lưng) không kém phần tinh tế… Trên thực tế đã chứng minh được rằng, kỹ thuật nhuộm của người Mường đã đạt đến trình độ tương đối cao. Màu sắc không chỉ làm đẹp mà có tác dụng làm bền vải, thậm chí cạp váy còn có thể truyền lại cho thế hệ đời sau… Một ví dụ khác chứng minh cho sự đa dạng trong trang phục Mường đó là các thể loại trang phục được phân chia. Không chỉ đơn thuần là sự phân chia đơn giản như trang phục nam - nữ, cư dân Mường nói chung đã có nhiều kiểu trang phục thích hợp với những hoàn cảnh nhất định: trang phục đáp ứng nhu cầu công việc, trang phục cho những lễ nghi, trang phục xuất hiện trong những buổi lễ hội. Không dừng lại ở đó, trong quan niệm của người Mường thì những quy tắc trang phục cũng được thể hiện khá là chặt chẽ, mang tính quy ước rất cao. Có thể lấy ví dụ như ngay trong một đám tang của người Mường, những người tham dự lễ tang tùy theo địa vị mà mặc những trang phục được quy định cụ thể. Có sự khác biệt về trang phục của những người tham gia vào đám tang như: con gái, con dâu (phân biệt thứ - cả), con trai, con rể, họ hàng xa… Từ trang phục trong đám tang người ta thậm chí có thể thấy được những mối quan hệ được phản ánh từ những thành viên, những quy định thứ bậc trong xã hội (có thể kể đến như trang phục đám tang trong nhà lang khác với những đám tang trong gia đình thông thường). Có thể thấy, chính từ sự đa dạng ấy mà cư dân Mường mới có cơ sở thực hiện những quy ước của mình. Chắc chắn đối với một nền văn hóa mà sự phát triển trang phục chỉ dừng lại ở một mức độ hạn chế thì nó sẽ không thể có những “quy định” chặt chẽ như trên được.

Có một điều được khẳng định là từ rất sớm, con người ở khu vực này- tức chủ nhân của những nền văn hóa trước đó như Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn đã biết đến “quần áo” như một hình thức che thân. Ban đầu, chúng còn rất “thô”. Cũng có thể giải thích một phần nguyên nhân là do sinh sống ở khu vực núi cao, khí hậu khắc nghiệt nên người cổ có nhu cầu tìm một thứ gì đó để che thân, hạn chế sự tác động của yếu tố tự nhiên lên người mình… Đó cũng là dấu hiệu cho thấy ý thức đã phát triển ở trình độ cao hơn. Người Mường cổ cũng phát triển trên cơ sở kế thừa những thành tựu ấy. Họ đã biết dệt thành những trang phục thích hợp với điều kiện của bản thân- với mục đích ban đầu nhằm giữ ấm cơ thể. Sau này trang phục còn dùng để làm đẹp hay thậm chí khi xã hội phát triển ở giai đoạn có phân tầng giai cấp, trang phục còn thể hiện được sự phân hóa ấy như thế nào.

Tìm hiểu về trang phục của dân tộc Mường ở Tây Bắc

Nhưng hơn hết cần khẳng định trang phục ban đầu xuất hiện chính là sản phẩm xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của con người…

So với một số dân tộc khác, trang phục của người Mường không có màu sắc rực rỡ mà đơn giản hơn nhiều, song cũng có những nét rất đặc trưng, thể hiện được quan niệm thẩm mĩ của cư dân Mường. Người Mường có những đặc trưng riêng hết sức nổi bật về tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục dân tộc. Chính điều đó đã tạo nên sự độc đáo trong bộ trang phục truyền thống. Đồng thời nó cũng thể hiện rõ được cái chất “Mường” rất riêng trong bản sắc đa dạng trong văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung. Để rồi khi nhìn vào những khăn đội đầu, những cạp váy cao, những yếm, những xà tích,.. người ta nói “Đây là một người Mường..” thay vì một dân tộc nào khác như Mông, Dao, Thái… Chính từ những nét đặc trưng đó mà văn hóa Mường đã khẳng định được cái dấu ấn riêng của bản thân mình. Có tác dụng lớn đối với sự duy trì và phát triển văn hóa Mường nói chung bởi lẽ nếu như một dân tộc không giữ gìn và phát triển được nét văn hóa riêng biệt của bản thân thì sớm muộn gì dân tộc ấy cũng tự đánh mất đi chính cái “bản chất” nhất của mình. Đây chính vừa là điều kiện thuận lợi cho sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc nhưng đồng thời cũng chính là những thách thức to lớn đối với sự phát triển của dân tộc ấy. Người Mường cũng không là một ngoại lệ.

Trang phục Mường cũng đồng thời nói lên sự phát triển của cư dân Mường. Điều này được thể hiện khá rõ từ những bước, trình tự làm trang phục Mường cho đến những những bộ trang phục thành phẩm.

Có thể nhận thấy hầu hết trang phục (cổ truyền) của người Mường nói chung chủ yếu được làm theo phương thức dệt thủ công. Điều này có thể bắt gặp ở nhiều các dân tộc anh em khác như: Mông, Tày, Thái hay thậm chí cả người Kinh (Việt). Từ những sợi thô ban đầu với những rạm, trái đách, go... (bộ phận của khung dệt) thông qua đôi bàn tay khéo léo của các bà, các cô những hoa văn, trang trí họa tiết mang đậm chất “Mường” đã dần được hiện rõ. Điển hình tiêu biểu nhất có lẽ không còn gì khác ngoài cạp váy Mường. Có thể thấy được rằng chính cạp váy là thứ đã làm nên những nét đặc sắc nhất trong trang phục của người Mường. Với những họa tiết trang trí rất cầu kì, thậm chí còn nhiều liên quan đến trống đồng Đông Sơn đã cho thấy được cái phát triển đó.

Giống như hầu hết các dân tộc thiểu số ít người khác ở nước ta, trang phục Mường thường khá là đa dạng về màu sắc. Tuy nhiên người ta thấy ở trang phục một cô gái Mường không phải là sắc sặc sỡ như những cô gái H’Mông, Dao hay cũng k quá đơn điệu sắc đen như một cô gái Si La mà ở trang phục là một sự hài hòa tổng hợp về màu sắc,

Tìm hiểu về trang phục của dân tộc Mường ở Tây Bắc

mang lại cảm giác nhẹ nhàng, nền nã. Với khăn trắng đội đầu, áo yếm có thể là hồng nhạt hay đỏ, chiếc áo cánh màu trắng, chiếc tênh đơn sơ được thắt hờ ở eo, chiếc váy dài màu đen có điểm xuyết thêm một dây xà tích bạc bên sườn kết hợp với những búi tóc cao, gọn gàng; những trang sức khuyên tai, trâm cài đầu, vòng cổ, vòng tay... - chung cả là sự kết hợp hài hòa về tổng thể. Có chăng, cái rực rỡ nhất khi tìm hiểu về trang phục Mường chỉ có thể là chiếc cạp váy- với những họa tiết được trang trí một cách khéo léo nhưng cũng rất có bài bản. Nó nói lên cái gu thẩm mĩ của người Mường nói chung- đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, đặc sắc.

Bên cạnh đó, khi nói về trang phục của một dân tộc nói chung ta cần phải làm rõ được những cống hiến mà trang phục đó để lại trong nền văn hóa của dân tộc đó (nghĩa hẹp) nói riêng và văn hóa cả dân tộc (nghĩa rộng) nói chung. Ít dân tộc nào mà trang phục lại thể hiện được vai trò to lớn ấy đối như dân tộc Mường. Mà cụ thể hơn chính là cạp váy Mường- cái đặc sắc nhất trong những cái đặc sắc. Giống như tác giả Nguyễn Đức Từ Chi đã nói: “Cạp váy - nó chính là nơi duy nhất người Mường chọn để làm nghệ thuật tạo hình. Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại, không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất, không đúc tượng đồng mà họ dệt cái quan niệm thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ”. Cạp váy ở đây, như tượng, như tranh, thân thiết, gắn bó hàng ngày với người phụ nữ. Nó được thêu dệt tỉ mỉ và cẩn thận, là hiện thân của sự khéo léo con gái Mường. Hiện thân của văn hóa Mường được thể hiện tiêu biểu hơn cả trên những hoa văn, họa tiết của chiếc cạp váy ấy. Chẳng có nhiều dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam có thể chọn cho mình sự thể hiện một cách độc đáo như vậy… Đối với sự phát triển của văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, cạp váy Mường hay hơn là trang phục dân tộc Mường đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Là một mảng màu đậm chất “Mường”, trang phục Mường đã góp phần đa dạng, sinh động hơn bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam, thêm đặc sắc cho nhóm các dân tộc ngôn ngữ Việt- Mường, góp phần củng cố chặt chẽ hơn nữa…

Một phần của tài liệu tìm hiểu về người mường và trang phục người mường tây bắc- việt nam (Trang 61)

w