0
Tải bản đầy đủ (.doc) (72 trang)

Trang phục nam

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ NGƯỜI MƯỜNG VÀ TRANG PHỤC NGƯỜI MƯỜNG TÂY BẮC- VIỆT NAM (Trang 33 -33 )

ĐẶC ĐIỂM TRANG PHỤC NGƯỜI MƯỜNG Ở VIỆT NAM 2.1 Sơ lược về lịch sử trang phục người Mường

2.2.2 Trang phục nam

Trang phục nam của người Mường cũng có những nét hết sức tinh tế và có những nét riêng nổi bật không thể pha lẫn với các dân tộc khác. Trang phục nam giới cũng bao gồm nhiều loại nhưng chủ yếu được chia theo những mục: trang phục ngày thường, trang phục lễ hội hay trang phục tùy theo những công việc. Tùy vào nhu cầu mà có những kiểu trang phục sao cho phù hợp.

Tìm hiểu về trang phục của dân tộc Mường ở Tây Bắc

Nam giới Mường thường mặc áo cánh phủ kín mông, xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Quần lá ống rộng dùng khăn thắt giữa bụng còn gọi là khăn quần. Trên đầu quấn khăn trắng. Một số cụ già cho biết, khăn quấn đầu của nam giới ngày xưa làm bằng vỏ vây xui. Vỏ cây này đem ngâm cho thấm thối hết lớp vỏ dày đi, còn lại lớp vỏ mỏng, mềm, dai làm khăn. Cái khăn cắt đủ chiều dài, rộng đem ngâm với lá ổi, cây sim, loại đắng, chát cho ngấm đều rồi ngâm bùn, vừa khử độc, vừa nhuộm đen. Ngâm để ba đêm ngày lấy lên giặt, đem phơi dùng. Xa xưa, đàn ông Mường thường để tóc dài và búi gọn gáng phía sau.

Đối với trang phục thường để lao động, sinh hoạt bình thường của người Mường thường là những loại đã ốt (xuống màu). Nếu là mới thì dùng màu nâu, màu xanh… màu không sáng lắm để đỡ lấm láp, bụi bặm, thuận cho lao động.

Lúc đi làm họ thắt dao găm có bao nhọn hay dao cái có vỏ dao bằng, đầu có khấc để quấn dây. Nịt vỏ dao bằng lằm lằm, xỏ hình mũi tên thành vòng tròn bằng sợi móc, khít với vỏ dao để giữ hai mảng cây chặt với nhau. Dây thắt dao tết tám hay bốn sợi (khải), dài đủ hai lần quanh lưng và quấn vào vỏ dao rồi “bắt ủ” (tết thành mối tròn) hay tết ngạnh trê ở đầu cuối cho tua tỏa xuống thành hình trang trí. Nếu không tết thì thì xoi- hình thức lấy lớp vải khâu bọc lấy lớp dây vải bên trong để thò sợi ra hai đầu. Sợi này nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng trông đẹp mắt.

Nếu là người đi săn bắn, bên cạnh vỏ dao còn thắt ống tên nỏ có nắp đậy, bên ngoài 2/3 ống kết thêm cái ống bương nhỏ, đựng mỗi ống một tên tẩm thuốc độc. Cắm thò đầu tên có vây bằng mo bương cắt hình quả trám hay nan bẻ gập chéo hoặc vẩy cá to. Cặp chiếc nỏ ngang lưng trông người rất oai vệ. Nếu săn bắn bằng súng thì có thêm bao đạn, bao thuốc làm bằng da thú, có dây khoác chéo từ trái sang hông bên phải, vai vác súng người rất chững chạc. Nhất là mùa đông chống rét và đi xa khỏi xuống máu chân, họ quấn xà cạp ở bắp chân ngoài, đi dép da trâu làm bằng miếng da khô có quai ở đầu bàn chân xỏ đủ khít ngón trỏ, giữ khi đi khỏi tuột, trông càng khỏe khoắn.

Khi đi chơi gần, đi ở sân, trong làng họ đi guốc đẽo từ một khúc gỗ bổ đôi, mỗi nửa một chân, nếu không muốn đẽo gỗ tròn tốn công. Hình guốc, phía đầu ngón chân để dài ra, đẽo cong lên che cho nếu có vấp, có lấm không đến ngón chân. Phía đạp xuống đất để hai khấc cao phòng mưa ướt, lấm. Khấc phía trước choãi về đằng trước đề phòng trượt ngã, khấc phía sau để thẳng. Guốc, dùi một lỗ đúng vào kẽ giữa ngón cái và ngón trỏ chân và hai lỗ ở phía cuối, khớp với dưới mắt cá chân, xỏ dây làm quai.

Mùa mưa rét còn có áo tơi kết bằng lá lụi hoặc lá mùi, lá cọ để che và nốn đan bằng một lớp lạt nứa chẻ mỏng, bên trong có vành, bên ngoài lợp bằng nõn lá cọ hay loong láo (cây nứa). Ngoài ra cũng có ô đội đi chợ như đi hội người Việt.

Tìm hiểu về trang phục của dân tộc Mường ở Tây Bắc

Đối với ngày cưới, các chú rể là phù rể không có trang phục khác mà chỉ có áo ngắn mới mặc trong, áo chùng thâm mặc ngoài, quần thâm mới, khăn Mớc mới quấn đầu rìu lấy độ đẹp.

Trang phục tang lễ phân ngôi thứ theo phong tục, nhưng đồng loạt dùng màu trắng, sau nhuộm xám.Con trai và con rể mặc quần trắng, áo dài trắng vải thô, xổ gấu, con nhà vai trên vai dưới mặc quần trắng, áo ngắn trắng, xổ gấu, xa hơn chỉ mặc một quần hay áo. Trên đầu, trong nội tộc đội mũ rơm quấn bằng dọc chuối khô thành vòng tròn, lấy vải thô rộng 4 cm buộc chéo chữ thập thành hai đường kính của mũ, khi đội vải đó giữ cho khỏi tuột xuống mặt. Người xa hơn, cũng làm bằng vải xô chéo chữ thập, chỉ khác ngoài vành cũng làm bằng vải xô rộng 4 cm. Con trai cả thắt con dao cả vỏ, chống gậy để trả hiếu bố mẹ. Tất cả trang phục đám ma đều may trái. Riêng đường may dọc theo xương sống thì quy định, bố mẹ đẻ còn mấy người sống hay đã quy tiên hết để may trái cả hay chỉ may một đoạn ngắn mà thôi. Sau 40 đêm, nhuộm chàm xám, tang chủ tổ chức, gọi là lễ Chàm Xám.

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ NGƯỜI MƯỜNG VÀ TRANG PHỤC NGƯỜI MƯỜNG TÂY BẮC- VIỆT NAM (Trang 33 -33 )

×