Mặt khách quan của tội mua dâm người chưa thành niên

Một phần của tài liệu Tôi mua dâm người chưa thành niên theo Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 39)

Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan [35, tr. 91].

Mặt khách quan của tội phạm được biểu hiện thông qua: + Hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội;

+ Hậu quả nguy hiểm cho xã hội cũng như mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả;

+ Các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện hành vi phạm tội bao gồm: công cụ, phương tiện, phương pháp, thời gian, địa điểm phạm tội…

Mua dâm người chưa thành niên là việc thỏa thuận trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác cho người chưa thành niên để thực hiện hành vi giao cấu với người đó. Hành vi giao cấu ở đây được thực hiện giống như hành vi giao cấu trong các tội phạm về tình dục khác như tội loạn luân - Điều 150, tội giao cấu với trẻ em - Điều 115 quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 - "giao cấu thuận tình".

Trong hầu hết các văn bản giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự trước đây và cho đến nay đều thừa nhận định nghĩa "giao cấu" được đề cập trong hành vi khách quan của các tội phạm về tình dục theo quy định của Chỉ thị số: 329/HS2 ngày 11/05/1967 về đường lối xét xử một số tội phạm, cụ thể là hành vi giao cấu trong tội hiếp dâm: "Giao cấu: chỉ cần có sự

cọ xát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức định ấn vào trong không kể sự xâm nhập của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không…" [33, tr. 390].

Mặc dù, cho đến nay chỉ thị số 329 không còn hiệu lực, song định nghĩa này vẫn được các nhà khoa học pháp lý, các nhà làm luật và thực thi pháp luật thừa nhận trong quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật đối với loại tội này nói riêng và các tội xâm phạm tình dục khác nói chung.

Trước hết, cần lưu ý rằng, theo quy định của tội mua dâm người chưa thành niên, độ tuổi của người chưa thành niên - đối tượng tác động của tội phạm là từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong đó có sự phân biệt về đường lối xử lý đối với người phạm tội khi xâm hại hai nhóm tuổi khác nhau: từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi và từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Trường hợp mua dâm trẻ em dưới 13 tuổi không cấu thành tội mua dâm người chưa thành niên theo Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 1999 mà cấu thành tội hiếp dâm trẻ em và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình

sự năm 1999: "Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm

tội hiếp dâm trẻ em". Hành vi giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi dù có dùng

thủ đoạn được quy định trong tội hiếp dâm - Điều 111 Bộ luật Hình sự năm 1999 hay được sự đồng ý của nạn nhân đều coi là hành vi hiếp dâm. Điều này được lý giải rằng: Việc lợi dụng độ tuổi để có thể có được sự đồng ý của nạn nhân cũng là một dạng cụ thể của "thủ đoạn khác" - thủ đoạn lợi dụng tình trạng không có khả năng biểu lộ ý chí đúng đắn được (một trong những thủ đoạn được miêu tả trong hành vi của tội hiếp dâm).

Ví dụ: Nguyễn Văn H (sinh năm 1978) hẹn gặp Đào Thị X (sinh năm 1989) là bạn chat qua mạng Internet. H đã rủ X quan hệ tình dục, và hứa tặng cho X chiếc điện thoại H đang dùng. X đồng ý. Khi cả 2 đang thực hiện hành vi mua dâm trong khách sạn, thì bị tổ công tác của đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an Quận T phát hiện. Năm 2001, Tòa án nhân dân quận T mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Văn H 4 năm tù về tội hiếp dâm với trẻ em theo Khoản 4 Điều 112 vì khi H thực hiện hành vi giao cấu với X, X mới 12 tuổi.

Bên cạnh đó, khi xác định hành vi mua dâm người chưa thành niên cần lưu ý rằng việc mua dâm không giống như mua bán hàng hóa bình thường đặc biệt là những trường hợp mua dâm đối tượng là trẻ em trong độ tuổi đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Trên thực tế, người bán dâm có thể bị cưỡng bức, bị mua chuộc dụ dỗ nên mới bán dâm. Nếu trong quá trình thực hiện hành vi giao cấu người bán dâm có biểu hiện của sự không đồng ý như chống cự, van xin, khóc lóc… miễn cưỡng để người mua dâm giao cấu thì tùy từng trường hợp mà người người mua dâm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm chứ không phải mua dâm.

Ví dụ: Năm 2003, Lương Quốc D nhiều lần cho tiền và "nhờ" Nguyễn Quỳnh N giới thiệu với bạn gái để "quan hệ". Nguyễn Quỳnh N đã dụ dỗ cháu N.N.Y (sinh năm 1990) đến khách sạn Eden. Trước khi thực hiện việc giao

cấu, Y đã phản ứng đòi về mách mẹ, và không đồng ý giao cấu nhưng D đã đe dọa và trong hoàn cảnh có một mình trong phòng khách sạn nên đã miễn cưỡng giao cấu. Trong quá trình giải quyết vụ án, có nhiều ý kiến cho rằng D phạm tội giao cấu với trẻ em hoặc mua dâm người chưa thành niên. Nhưng căn cứ vào quá trình điều tra các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự của D về tội hiếp dâm.

Xét về mặt lý luận và thực tiễn, hành vi mua dâm người chưa thành niên thường được biểu hiện dưới các dạng cụ thể như sau:

 Dùng tiền bạc hoặc các lợi ích vật chất khác để dụ dỗ, thuyết phục, mua chuộc người chưa thành niên để họ đồng ý bán dâm cho mình;

Đây là trường hợp người phạm tội sử dụng tiền (có thể là VNĐ hoặc ngoại tệ) hay các lợi ích vật chất (các loại kim đá quý, vật, giấy tờ có giá trị…) để "dụ dỗ, thuyết phục, mua chuộc" người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi đồng ý thực hiện hành vi giao cấu với mình.

Ví dụ: Trần Lê Q là khách quen của cửa hàng cắt tóc gội đầu L.B, chủ cửa hàng là Vũ Thu L. Mỗi lần đến quán gội đầu, Q đều tán tỉnh, dụ dỗ để Vũ Phương T (là cháu của Vũ Thu L) 17 tuổi quan hệ với mình. Để thuyết phục T, Q đã nhiều lần tặng trang sức cho T. Sau nhiều lần được tặng quà T đã đồng ý bán dâm và yêu cầu được tặng thêm một điện thoại di động đời mới. Q đồng ý. Hành vi của Q đã cấu thành tội mua dâm người chưa thành niên, bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù giam theo quy định tại khoản 1 Điều 256 BLHS năm 1999.

 Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn về vật chất cũng như tinh thần của người chưa thành niên để đặt điều kiện, yêu sách mua dâm và thực hiện hành vi giao cấu;

Trong trường hợp này, người phạm tội lợi dụng người chưa thành niên vì những nguyên nhân khác nhau, đang rơi vào tình trạng khó khăn, quẫn bách về kinh tế (gia đình gặp nạn, bản thân không có nghề nghiệp…), hoặc có tổn thương tình cảm (bị đánh đập, chửi mắng…) để mua dâm (người phạm tội

thỏa thuận trả tiền hoặc lợi ích vật chất nào đó để thực hiện hành vi giao cấu với người chưa thành niên). Trên thực tế, vì nhu cầu mưu sinh, có những em gái chưa thành niên từ quê ra thị xã, thành phố học nghề, tìm kiếm việc làm nhưng không được hoặc không có tiền để về quê, không có tiền trang trải sinh hoạt… đã dẫn đến bán dâm.

Đây là dạng hành vi của tội mua dâm người chưa thành niên cũng khá phổ biến trong thực tế.

Ví dụ: Đàm Sĩ B là bạn của bố cháu Trần Thị Thanh P, 16 tuổi. Bố mẹ P đã mất, P ở với cô chú là lao động tự do thường xuyên vắng nhà. Thấy kinh tế gia đình cô chú khó khăn, P nghỉ học, và đã tìm đến B xin việc làm thêm. Lợi dụng hoàn cảnh của P, B đã yêu cầu P quan hệ với mình, B đưa cho P 2 triệu và hứa sẽ nhận P vào làm việc, P chấp nhận. Cả 2 bị công an xã phát hiện khi đang thực hiện hành vi mua dâm. B đã bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù về tội mua dâm người chưa thành niên.

 Thỏa thuận việc mua bán dâm với người chưa thành niên.

Thỏa thuận được việc mua bán dâm với người chưa thành niên có thể là trường hợp "thỏa thuận" trực tiếp giữa người phạm tội với người chưa thành niên về việc mua bán dâm hoặc thông qua người thứ ba - người môi giới. Việc thỏa thuận này có thể do người mua dâm hoặc người bán dâm là người chưa thành niên chủ động. Đối tượng môi giới rất đa dạng, có thể là chủ hoặc nhân viên nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, lái xe ôm, xe taxi...

Ví dụ:

Năm 2000, lợi dụng việc mở lớp dạy nhạc, họa, ngoại ngữ, hứa xin việc... Ly S (là họa sĩ, nhiếp ảnh gia tại Hà Nội) đã dụ dỗ rất nhiều em gái tuổi từ 14 đến 20 chụp ảnh khỏa thân rồi dùng ảnh khống chế, bắt hơn 40 em quan hệ với mình. Sau đó nhiều em bị biến thành gái bán dâm cao cấp, mỗi lần khách đến nhà lại được S giới thiệu bằng tập album trên 400 ảnh sex… Tháng 3-2000, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã phạt S tổng cộng án tù chung

thân cho các tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 253), cưỡng dâm trẻ em (Điều 114), mua dâm người chưa thành niên (Điều 256) [49]. Cũng trong vụ án này, có rất nhiều đối tượng mua dâm thông qua Ly S bị phát hiện như Nguyễn Bách T, T thỏa thuận mua trinh của một cháu gái (sinh năm 1984) với giá trị 4 triệu đồng. Sau đó, T đã bị tuyên phạt 10 năm tù giam về tội mua dâm người chưa thành niên.

Hay trường hợp của Vy Thị H (17 tuổi) ở Đồng Đăng - Lạng Sơn. Sinh ra trong gia đình thiếu sự giáo dục của bố mẹ, bố H chết khi H mới 5 tuổi, mẹ H lấy chồng khác. Do hoàn cảnh khó khăn, bố dượng không yêu quý, mẹ lại mải kiếm tiền và chăm sóc cho những đứa em nhỏ nên hầu như không ai quản lý, dạy dỗ H. Chính vì vậy, em nghĩ mình phải làm một việc gì đó để thoát ra khỏi cảnh nghèo khốn, bị bỏ rơi. "Lối rẽ" của H. bắt đầu khi H. gặp một người phụ nữ tên là Oanh thường lân la ở những hàng quán gần nơi em sống. Người phụ nữ này bảo, muốn có tiền thì bà ta sẽ đưa đi bán trinh. H đồng ý ngay và theo người phụ nữ đó đến quán cà phê Thúy Hằng. Tại đây, sau khi viết đơn, H. được Oanh chở đến một khách sạn, ở đó đã có 1 người đàn ông trung niên đợi sẵn. Sau khi quan hệ, H được Oanh đưa cho 4 triệu đồng, Vụ việc bị phát giác khi cán bộ, chiến sĩ phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Lạng Sơn) bắt quả tang đôi nam nữ đang mua bán dâm. Qua khám xét, tổ công tác thu được một số "đơn tự nguyện bán trinh" mà chủ chứa còn lưu giữ [51]. Đây là những trường hợp thỏa thuận mua dâm thông qua những kẻ môi giới dẫn dắt mua dâm người chưa thành niên ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

Hậu quả:

Đối với tội mua dâm người chưa thành niên có thể gây ra hậu quả nhưng hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Thông thường hậu quả gây ra cho người chưa thành niên là những hậu quả về mặt thể chất, có thể là thiệt hại về sức khỏe. Nếu mua dâm có hậu quả là gây thiệt hại về sức khỏe thì sẽ bị xử lý như sau:

+ Gây tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% với lỗi vô ý: Truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tại điểm c khoản 2 Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 1999.

+ Gây tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên với lỗi vô ý: Truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tại điểm c khoản 3 Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 1999.

+ Hai trường hợp trên nếu là lỗi cố ý sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua dâm người chưa thành niên và tội cố ý gây thương tích (Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999).

Người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả do mình gây ra nếu giữa hành vi và hậu quả có mối quan hệ nhân quả, tức là hành vi phạm tội là nguyên nhân trực tiếp của hậu quả. Trong tội mua dâm người chưa thành niên nếu xét về nguyên nhân thì đó chính là từ hành vi "mua dâm", có thể có hoặc không mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả - tổn hại về sức khỏe theo các trường hợp trên.

Ngoài ra, mặt khách quan của tội phạm còn thể hiện ở các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện hành vi phạm tội, bao gồm công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tội… Tuy nhiên, trong mặt khách quan của tội mua dâm người chưa thành niên, các yếu tố trên không được phản ánh trong cấu thành tội phạm, các yếu tố này chỉ có ý nghĩa nhất định khi xác định hành vi phạm tội cho chính xác và khách quan.

Thời điểm hoàn thành của tội mua dâm người chưa thành niên: Thời điểm tội phạm hoàn thành không phụ thuộc vào việc người phạm tội đã đạt được mục đích của mình hay chưa. Xét về mặt pháp lý, tội phạm hoàn thành khi đã thỏa mãn tất cả các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Tội phạm trên thực tế có thể cũng dừng lại không xảy ra nữa hoặc cũng có thể tiếp tục xảy ra.

Có thể nhận thấy rằng, tội mua dâm người chưa thành niên là tội phạm có cấu thành hình thức, nghĩa là trong quy định của Bộ luật hình sự về tội mua dâm người chưa thành niên có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi "mua dâm người chưa thành niên", không cần có hậu quả xảy ra. Tội phạm này xâm phạm khách thể là truyền thống văn hóa, đạo đức dân tộc đồng thời xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tình dục của người chưa thành niên. Bên cạnh đó, hành vi mua dâm có bản chất là một tệ nạn xã hội, là điều kiện cho các tệ nạn khác trong xã hội phát triển, gây rối loạn trật tự công cộng. Hậu quả khó xác định. Vì vậy, việc quy định tội mua dâm người chưa thành niên là tội phạm có cấu thành hình thức là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với lý luận để xác định:

Loại tội nào có cấu thành tội phạm cơ bản là cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức: Nếu riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm hoặc hậu quả nguy hiểm cho xã hội là hậu quả khó xác định thì cấu thành tội phạm thường được xây dựng là cấu thành tội phạm hình thức [35, tr. 73].

Mà với tội phạm có cấu thành hình thức, tội phạm hoàn thành ngay khi người phạm tội đã thực hiện được hành vi phạm tội đã nêu trong cấu thành tội phạm. Vì vậy, chỉ cần người phạm tội có hành vi mua dâm thì tội phạm được coi là hoàn thành. Trường hợp vì những lý do khác nhau (có thể vì người phạm tội tự thức tỉnh lương tâm; thấy người chưa thành niên quá nhỏ, sức khỏe yếu…), người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc mua dâm người chưa thành niên, thì theo quy định của Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 1999 người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này. Tuy nhiên người đó, phải chịu trách nhiệm tùy theo hành vi thực tế đã thực hiện

Một phần của tài liệu Tôi mua dâm người chưa thành niên theo Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)