Bộ luật Hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được Quốc hội Trung Quốc khóa V kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 01/01/1979 có hiệu lực từ ngày 01/01/1980 gồm 192 điều 12 chương. Bộ luật này được sửa đổi bổ sung vào những năm 1997, 1999, 2002, 2005. Tuy nhiên quy định về tội mua dâm người chưa thành niên tại Điều 360 khá ổn định và không có sự thay đổi nhiều:
Người nào biết rõ mình bị bệnh truyền nhiễm như bệnh lậu, giang mai hoặc những bệnh nặng khác mà vẫn bán dâm thì bị phạt tù đến năm năm, cải tạo lao động hoặc quản chế và bị phạt tiền.
Những kẻ mua dâm trẻ em gái chưa đủ 14 tuổi thì bị phạt tù từ năm năm trở lên và bị phạt tiền [3].
Tội phạm này được quy định tại Mục 8: Tội tổ chức, cưỡng bức, dẫn dắt, chứa chấp và môi giới bán dâm trong Chương 6 Tội xâm phạm trật tự quản lý xã hội.
Như vậy, trong Bộ luật Hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tội mua dâm người chưa thành niên được xếp vào nhóm các tội xâm phạm trật tự xã hội. Quy định này khá tương đồng với Bộ luật Hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không đặt tên tội danh, đồng thời đối tượng tác động của tội phạm giới hạn về mặt giới tính: "trẻ em gái" trong độ tuổi "chưa đủ 14 tuổi". Hình phạt đối với kẻ mua dâm chỉ giới
hạn mức tối thiểu - "phạt tù từ năm năm trở lên".
Hơn nữa, Bộ luật Hình sự Việt Nam có sự bổ sung một số tình tiết tăng nặng, có tính chất nguy hiểm cao mà Bộ luật Hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không có như tình tiết biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn thực hiện hành vi phạm tội, phạm tội nhiều lần… Hình phạt bổ sung áp dụng đối với người phạm tội được giới hạn trong phạm vi cụ thể "từ năm triệu đồng đến mười triệu đồng".
Bên cạnh đó, Điều 360 còn đồng thời quy định trách nhiệm hình sự của người khi "biết rõ mình bị bệnh truyền nhiễm như buôn lậu, giang mai hoặc những bệnh nặng khác" mà vẫn bán dâm. Đây là quy định thể hiện
chính sách hình sự nghiêm khắc của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: Trừng trị những người mua dâm trẻ em, đồng thời cũng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bán dâm trong các trường hợp đặc biệt - làm tăng nguy cơ lây truyền các căn bệnh xã hội.