- Quy trình kiểm soát chi: Xây dựng quy trình kiểm soát chi NSNN phải phù hợp với cơ chế quản lý chi NSNN, kiểm soát quá trình thanh toán, đảm bảo khoản chi được chi trả cho đúng người cung cấp hàng hoá, dịch vụ (chủ nợ đích thực của Quốc gia). Nguyên tắc trả tiền đó là trả tiền cho “sự vụ hoàn thành”. Do đó chuyển đổi kiểm soát chi theo yếu tố đầu vào sang thực hiện kiểm soát chi theo kết quả đầu ra; thực hiện kiểm soát cam kết chi NSNN. Thống nhất kiểm soát tất cả các khoản chi của NSNN. Hoàn thiện và mở rộng quy trình kiểm soát chi điện tử. Mặt khác phải đảm bảo quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN phải đơn giản. rõ ràng, dễ hiểu không gây khó khăn, ách tắc, cản trở trong quá trình cấp phát thanh toán các khoản chi NSNN.
- Dự toán NSNN: Đây là một trong những căn cứ quan trọng nhất để KBNN thực hiện kiểm soát chi NSNN. Vì vậy, dự toán NSNN phải đảm bảo tính kịp thời (trước khi đơn vị chi, KBNN đã phải có dự toán để kiểm soát chi), chính xác (nội dung chi, mức chi phải phù hợp với thực tế), đầy đủ (dự toán phải bao quát hết các nhu cầu chi tiêu của đơn vị trong năm ngân sách) và chi tiết (dự toán NSNN càng chi tiết thì việc kiểm soát chi của KBNN càng thuận tiện và chặt chẽ) để làm căn cứ cho KBNN kiểm tra, kiểm soát quá trình chi tiêu của đơn vị.
- Chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN: Hệ thống chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN là căn cứ quan trọng trong việc xây dựng, phân bổ và kiểm soát chi NSNN. Chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi bao gồm nhiều loại: chế độ, tiêu chuẩn, định mức chung do Chính phủ ban hành được áp dụng
trong phạm vi cả nước, chế độ, tiêu chuẩn, định mức riêng theo ngành, theo lĩnh vực, theo địa phương, địa bàn. Vì vậy, nó phải đảm bảo tính chính xác (phù hợp với tình hình thực tế), tính thống nhất (thống nhất giữa các ngành, các địa phương và các đơn vị thụ hưởng NSNN, chế độ, tiêu chuẩn, định mức riêng theo ngành, lĩnh vực, địa bàn, của cấp dưới ban hành không trái hoặc vượt chế độ, tiêu chuẩn,định mức chung do cấp trên ban hành), tính đầy đủ (phải bao quát được tất cả các nội dung chi phát sinh trong thực tế).
- Về ý thức chấp hành, tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp, các đối tượng thụ hưởng kinh phí NSNN cấp: cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật trong quá trình sử dụng kinh phí NSNN, làm cho họ thấy rõ kiểm soát chi là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị cá nhân có liên quan đến quản lý quỹ NSNN, thấy rõ vai trò của mình trong quá trình quản lý chi NSNN từ khâu lập dự toán, phân bổ dự toán, cấp phát thanh toán kinh phí, kế toán và quyết toán các khoản chi NSNN chứ không phải là công việc riêng của ngành Tài chính, của KBNN.