1.3.3.1. Công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Tất cả các khoản chi ngân sách nhà nước phải được kiểm tra, kiểm soát trong quá trình chi trả, thanh toán. Các khoản chi phải có trong dự toán ngân sách nhà nước được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định và đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được ủy quyền quyết định chi.
- Mọi khoản chi ngân sách nhà nước được hạch toán bằng đồng Việt Nam theo niên độ ngân sách, cấp ngân sách và mục lục ngân sách nhà nước. Các khoản chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ, hiện vật, ngày công lao động được quy đổi và hạch toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ, giá hiện vật, ngày công lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
- Việc thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước thực hiện theo nguyên tắc trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước cho người hưởng lương, trợ cấp xã hội và người cung cấp hàng hóa dịch vụ; trường hợp chưa thực hiện được việc thanh toán trực tiếp, Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán qua đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
- Trong quá trình kiểm soát, thanh toán, quyết toán chi ngân sách nhà nước các khoản chi sai phải thu hồi giảm chi hoặc nộp ngân sách. Căn cứ vào quyết định của cơ quan tài chính hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc thu hồi cho ngân sách nhà nước theo đúng trình tự quy định.
1.3.3.2.Yêu cầu công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN:
- Chính sách và cơ chế kiểm soát chi NSNN phải làm cho hoạt động của NSNN đạt hiệu quả cao, có tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế, tránh tình trạng làm cho quỹ NSNN bị cắt đoạn, phân tán, gây căng thẳng trong quá trình điều hành NSNN. Vì vậy, cơ chế và chính sách kiểm
soát chi NSNN phải quy định rõ ràng các điều kiện, trình tự cấp phát theo hướng: cơ quan tài chính thực hiện cấp phát kinh phí phải căn cứ vào dự toán ngân sách năm đã được giao; về phương thức thanh toán phải đảm bảo mọi khoản chi của NSNN được thanh toán, chi trả trực tiếp qua KBNN cho các đối tượng thụ hưởng trên cơ sở dự toán được duyệt, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách chuẩn chi và phù hợp với chính sách, chế độ, tiêu chuẩn và định mức chi tiêu hiện hành của Nhà nước.
- Công tác quản lý và kiểm soát chi NSNN là một quy trình phức tạp, bao gồm từ khâu lập dự toán, phân bổ dự toán đến cấp phát, thanh toán, hạch toán và quyết toán NSNN, có liên quan đến tất cả các Bộ, ngành, địa phương và các cấp ngân sách. Vì vậy, kiểm soát chi NSNN phải được tiến hành hết sức thận trọng, được thực hiện dần từng bước; sau mỗi bước có tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm để cải tiến quy trình kiểm soát chi cho phù hợp tình hình thực tế. Có như vậy mới đảm bảo tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Mặt khác, cũng không khắt khe, máy móc, gây ách tắc, phiền hà cho các đơn vị sử dụng kinh phí NSNN cấp.
- Tổ chức bộ máy kiểm soát chi NSNN phải gọn nhẹ theo hướng thu gọn các đầu mối các cơ quan quản lý và đơn giản hoá thủ tục hành chính. Đồng thời, cũng cần phân định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý ngân sách, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sử dụng kinh phí NSNN, trong quá trình thực hiện chi NSNN từ khâu lập dự toán, cấp phát ngân sách, thực hiện chi đến khâu thông tin, báo cáo, quyết toán chi NSNN để tránh những trùng lặp, chồng chéo trong quá trình thực hiện. Mặt khác, đảm bảo sự công khai, minh bạch và kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa những cơ quan, đơn vị đó trong quá trình kiểm soát chi NSNN.
- Kiểm soát chi NSNN cần được thực hiện đồng bộ, nhất quán và thống nhất với việc quản lý NSNN từ khâu lập, chấp hành đến quyết toán NSNN. Đồng thời, phải thống nhất với việc thực hiện các chính sách, cơ chế quản lý
tài chính khác như chính sách thuế, phí và lệ phí, chính sách tiết kiệm, chính sách ổn định phát triển kinh tế - xã hội,...