7. Cơ cấu của luận văn
2.2.1. Các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương
thương mại, lao động có tính phức tạp hoặc đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn
2.2.1.1.Các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình
BLTTDS không quy định riêng các loại tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền sơ thẩm chuyên biệt của Tòa án cấp tỉnh, trừ các tranh chấp quy định tại khoản 3 Điều 33 và khoản 2 Điều 34 BLTTDS. Sở dĩ pháp luật không có quy định này là vì xuất phát từ quan niệm các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình là các loại tranh chấp không quá phức tạp, gần với đời sống và có tính phổ biến nên không quá xa lạ đối với các Thẩm phán của Toà án cấp huyện. Do vậy, các Thẩm phán của Toà án cấp huyện hiện nay đủ năng lực, trình độ và điều kiện để giải quyết các loại tranh
chấp này, trừ những tranh chấp phải uỷ thác tư pháp hoặc cần phải lấy lên để xét xử trong những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, hai loại tranh chấp này sẽ được phân tích cụ thể tại mục 2.2.2 và 2.2.3 của Chương này.
2.2.1.2.Các tranh chấp về kinh doanh, thương mại
BLTTDS quy định riêng cho Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền sơ thẩm một số tranh chấp kinh doanh, thương mại đặc thù có tính phức tạp hoặc đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn cao của Thẩm phán do bản chất nội tại của loại tranh chấp. Đó là, một số tranh chấp về kinh doanh, thương mại sau đây:
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận
Khoản 2 Điều 29 BLTTDS quy định, Toà án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các: “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận”. Như vậy, theo quy định tại khoản 4 Điều 25 BLTTDS thì những tranh chấp về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ đã liệt kê theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/TTLT ngày 03/4/2008 [13] mà không có mục đích lợi nhuận được coi là vụ án dân sự và thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp huyện. Còn những tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ mà một hoặc cả hai bên đều có mục đích lợi nhuận là vụ án kinh doanh, thương mại và thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh.
- Tranh chấp trong nội bộ công ty
Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLTTDS thì Toà án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các “Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty”. Như vậy theo quy định của điều luật trên cần phân biệt hai loại tranh chấp thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh như sau:
Một là, tranh chấp giữa công ty với các thành viên công ty là những tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên công ty đối với công ty; về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành đối với mỗi công ty cổ phần; về quyền sở hữu một phần tài sản của công ty tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc nghĩa vụ chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về yêu cầu công ty chuyển đổi các khoản nợ hoặc thanh toán các khoản nợ của công ty, thanh lý tài sản và thanh lý hợp đồng mà công ty đã ký khi giải thể công ty; về các vấn đề khác liên quan đến thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức công ty.
Hai là, tranh chấp giữa thành viên của công ty với nhau là tranh chấp
về những vấn đề sau: Về trị giá phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty; về chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên đó cho người khác không phải là thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên và cổ phiếu có ghi tên; về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành của công ty cổ phần; về quyền sở hữu tài sản của thành viên, số cổ phiếu của thành viên...
- Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại khác mà pháp luật quy định
Theo quy định tại khoản 4 Điều 29 BLTTDS thì Toà án cấp tỉnh còn có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với “Các tranh chấp khác về kinh doanh,
thương mại mà pháp luật quy định”. Quy định này xuất phát từ hoạt động
kinh doanh trong điều kiện nền kinh tế thị trường rất đa dạng phức tạp nên các tranh chấp kinh doanh, thương mại cũng phong phú, nhiều vẻ. Vì vậy, các nhà làm luật khó có thể liệt kê hết được mọi loại tranh chấp kinh doanh, thương mại. Đây là quy định mở, mang tính dự liệu, đón đầu của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội luôn biến động đặc biệt là các quan hệ kinh doanh và tranh chấp kinh doanh, thương mại.
2.2.1.3. Các tranh chấp về lao động
Về lý luận và thực tiễn thì các tranh chấp lao động tập thể liên quan đến tập thể người lao động nên thuộc loại tranh chấp đặc thù có tính phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm của Thẩm phán. Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 BLTTDS năm 2004 thì Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các “Tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.... ”. Theo quy định của Bộ luật lao động năm 1994 đã được sửa đổi năm 2002 và năm 2006 đã có sự tách biệt giữa tranh chấp lao động tập thể về quyền với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích [7].
Khoản 2 Điều 31 BLTTDS 2004 chỉ đề cập tới thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh đối với các tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động đã được Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao
động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, bao gồm tranh chấp về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác; về việc thực hiện thoả ước lao động tập thể; về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn.
Tuy nhiên, năm 2006 quy định tại Điều 168 BLLĐ đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện) và Toà án nhân dân. Theo quy định từ Điều 168 đến Điều 171 BLLĐ có phân biệt 2 cơ chế khác nhau về giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích chứ không phải mọi tranh chấp lao động tập thể đều do UBND giải quyết. Do vậy, các quy định của BLTTDS về vấn đề này không còn phù hợp.
Do vậy, khoản 2 Điều 31 BLTTDS sửa đổi hiện nay đã sửa đổi, bổ sung Điều 31 BLTTDS 2004 theo hướng Toà án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được
Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết
mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh không giải quyết.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 31 BLTTDS sửa đổi có quy định Toà án cấp tỉnh có thẩm quyền đối với “Các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định”. Quy định này còn chưa cụ thể hoá loại tranh chấp khác về lao động tập thể mà Toà án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Việc nghiên cứu các quy định của BLLĐ sửa đổi cho thấy theo quy định của pháp luật lao động thì các tranh chấp lao động tập thể bao gồm các tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Các tranh chấp lao động tập thể về quyền thuộc thẩm quyền dân sự của Toà án cấp tỉnh bao gồm tranh chấp về việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác ở doanh nghiệp đã được chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà người lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý hoặc chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định[7].
Về nguyên tắc, các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích không thuộc thẩm quyền dân sự của Toà án. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 175 BLLĐ thì đối với một số doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích và
doanh nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh quốc phòng thì các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích sẽ do Hội đồng trọng tài lao động giải quyết. Nếu một hoặc các bên không nhất trí với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Toà án giải theo thủ tục tố tụng dân sự [4]. Như vậy, một số tranh chấp lao động tập thể về lợi ích sẽ thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh. Lẽ ra quy định này về thẩm quyền cần được bổ sung trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS.