Giải pháp chung

Một phần của tài liệu Tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng lực tài chính của các NHTMCP trên địa bàn TP HCM luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 72)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.2.Giải pháp chung

3.1.2.1. Giải pháp tái cơ cấu NHTMCP lành mạnh

Từng NHTMCP xây dựng và triển khai phương án tự củng cố, chấn chỉnh hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh theo các giải pháp sau để phát triển nhanh về quy mô, hoạt động, tài chính và có trình độ quản trị, công nghệ tiên tiến:

Thứ nhất, cơ cấu lại tài chính thông qua việc xử lý nợ xấu và tăng quy mô, chất lượng vốn tự có của NHTMCP.

Nợ xấu ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tài sản của NHTMCP, việc xử lý nợ xấu là vô cùng quan trọng và được thực hiện thông qua các biện pháp sau đây: Trước tiên là tiến hành đánh giá lại chất lượng tài sản, khả năng thu hồi và giá trị của nợ xấu thông qua việc rà soát đánh giá lại toàn bộ tình hình sản xuất - kinh doanh của khách hàng, định giá lại tài sản đảm bảo, đánh giả khả năng thu hồi nợ vay, trên cơ sở đó để có những giải pháp thu hồi, xử lý nợ thích hợp như bán nợ xấu cho các công ty mua bán nợ; Xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro của NHTMCP hay xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ; Chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp vay.

Việc tăng quy mô và chất lượng vốn tự có của NHTMCP nhằm đảm bảo mức vốn tự có không thấp hơn mức vốn pháp định và đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật để bù đắp rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp. Việc tăng vốn điều lệ được thực hiện thông qua các biện pháp như phát hành cổ phiếu bổ sung, tăng vốn góp từ các cổ đông và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài; Chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của NHTMCP được cơ cấu lại.

Thứ hai, tiến hành cơ cấu lại hoạt động của NHTMCP. Cùng với việc làm sạch và cơ cấu lại bảng cân đối kế toán theo hướng lành mạnh, NHTMCP phải triển khai các giải pháp củng cố, chấn chỉnh lại hoạt động.

Một là, tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính và loại bỏ các lĩnh vực kinh doanh rủi ro, kém hiệu quả.

Hai là, từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh của các NHTMCP theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Hiện nay nguồn thu chủ yếu của các NHTMCP là thu từ dịch vụ tín dụng do các ngân hàng chưa phát triển mạnh được sản phẩm dịch vụ để thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Ba là, đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng, trong đó tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng truyền thống và phát triển nhanh các dịch vụ ngân hàng hiện đại (dịch vụ thanh toán, ngoại hối, đầu tư, quản lý tài sản, quản lý rủi ro cho khách hàng,…); Phát triển nhanh dịch vụ thanh toán một cách an toàn, hiệu quả, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ thẻ thanh toán trên cơ sở đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ, hệ thống thanh toán và tăng các tiện ích thẻ thanh toán.

Bốn là, nâng cao tính ổn định và bền vững khả năng chi trả của các NHTMCP; tăng mức độ ổn định nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng nguồn huy động có kỳ hạn dài, cải thiện sự cân đối, hợp lý về kỳ hạn và đồng tiền giữa nguồn vốn và sử dụng vốn; từng bước giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng so với huy động vốn.

Thứ ba, cơ cấu lại hệ thống quản trị của các NHTMCP, thực hiện củng cố và đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp hơn với các thông lệ chuẩn mực quốc tế, tăng tính minh bạch hóa hoạt động ngân hàng thông qua việc áp dụng cơ chế mới về công bố thông tin của các NHTMCP. Nâng cao

các điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản trị, kinh nghiệm công tác và trình độ chuyên môn đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt của các NHTMCP. Bên cạnh đó, phát triển các hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel, trong đó tập trung vào các hệ thống quản trị rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường (giá cả, lãi suất, tỷ giá) và rủi ro tác nghiệp; phát triển các hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và quản lý, giám sát rủi ro tín dụng của các NHTMCP. Thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại các bộ phận chức năng kinh doanh, quản trị, điều hành; sắp xếp, bố trí hợp lý cán bộ và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh ngân hàng có trình độ cao, ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp tốt. Từng bước hiện đại hóa hệ thống công nghệ; phát triển hệ thống thông tin quản lý nội bộ, hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán nội bộ của các NHTMCP; nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi phù hợp với quy mô, mức độ phức tạp hoạt động và yêu cầu quản trị, điều hành của NHTMCP.

3.1.2.2. Giải pháp tái cơ cấu NHTMCP thiếu thanh khoản tạm thời

Trước mắt NHNN cần thực hiện tái cấp vốn đối với các NHTMCP thiếu hụt thanh khoản tạm thời để đảm bảo khả năng chi trả của các NHTMCP và có thể trở lại hoạt động bình thường.

Song song đó, các NHTMCP phải thực hiện chấn chỉnh củng cố tài chính, hoạt động và quản trị theo các giải pháp đã nêu đối với các NHTMCP lành mạnh để đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh doanh, trong đó bao gồm xử lý nợ xấu, cải thiện và phục hồi khả năng chi trả, giảm hệ số nợ và hệ số sử dụng vốn. Các NHTMCP phải hạn chế tăng trưởng tín dụng, tích cực huy động vốn để trả nợ NHNN và tăng khả năng chi trả.

Trong giai đoạn này, các NHTMCP phải hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động, mà tập trung vào việc làm thế nào để phục hồi lại khả năng thanh khoản của mình.

Ngoài ra, các NHTMCP trong trường hợp này cũng nên nghĩ đến phương án tìm một TCTD lành mạnh để thực hiện hợp nhất, sáp nhập hoặc hợp nhất, sáp nhập với các NHTMCP thuộc nhóm này để tăng năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh.

3.1.2.3. Giải pháp tái cơ cấu NHTMCP yếu kém

Đây là nhóm ngân hàng cần phải thực hiện cấp bách nhiều giải pháp để tái cơ cấu nhằm tránh nguy cơ đỗ vỡ hệ thống. Trước mắt là phải tập trung hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo khả năng chi trả cho NHTMCP yếu kém thông qua việc NHNN tái cấp vốn và NHTMCP yếu kém phải chịu sự giám sát đặc biệt một cách chặt chẽ, toàn diện của NHNN về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động hoặc có thể đặt NHTMCP này vào diện kiểm soát đặc biệt khi cần thiết.

Trong trường hợp này, NHTMCP phải hạn chế chia cổ tức, lợi nhuận; giảm dư nợ tín dụng và hạn chế mở rộng quy mô hoạt động; và NHNN phải kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng cổ phần, góp vốn và tài sản của NHTMCP để tránh tình trạng tháo chạy của các cổ đông lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng và gây tâm lý bất ổn cho các cổ đông, nhà đầu tư khác.

Ngoài ra, các NHTMCP yếu kém có thể bán lại các tài sản và khoản nợ có chất lượng tốt cho các TCTD lành mạnh khác để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn. Để thực hiện được điều này đỏi hỏi phải có sự hỗ trợ của NHNN và sự tham gia tích cực của các TCTD lành mạnh khác.

Giải pháp hợp nhất, sáp nhập hay mua lại đối với các NHTMCP yếu kém cũng là giải pháp cần thiết để lành mạnh hóa tình hình tài chính. Đối với nhóm ngân hàng này, việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại có thể trên cơ sở tự nguyện, nhưng nếu cần thiết NHNN cũng nên bắt buộc các ngân hàng này thực hiện. Việc sáp nhập, hợp nhất hay mua lại được thực hiện theo những hướng sau:

Một là, NHTMCP yếu kém phải chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần; cổ đông lớn, cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối của NHTMCP yếu kém phải chuyển nhượng cổ phần.

Hai là, NHNN trực tiếp mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của NHTMCP yếu kém để chấn chỉnh, củng cố, lành mạnh hóa một bước NHTMCP, sau đó sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác hoặc bán lại cho các nhà đầu tư đủ điều kiện.

Ba là, xem xét, cho phép TCTD nước ngoài mua lại, sáp nhập NHTMCP yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần của TCTD nước ngoài tại các NHTMCP yếu kém được cơ cấu lại.

Một phần của tài liệu Tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng lực tài chính của các NHTMCP trên địa bàn TP HCM luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 72)