6 Thanh Hoá 9 giao dịch Không thống kê hộ gia đình, cá nhân
3.2.2. Giải pháp lâu dà
Song song với các giải pháp trước mắt, hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm Việt Nam cần từng bước triển khai các giải pháp mang tính chiến lược. Về nguyên tắc, yêu cầu của một hệ thống đăng ký hiệu lực, hiệu quả là: (i) Mang tính toàn diện nghĩa là mọi tài sản (động sản và bất động sản) của người vay đều có thể dễ dàng bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự; (ii)
Mang tính hiệu quả, đảm bảo định hướng phục vụ công chúng. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, điều đó hết sức cần thiết nhằm tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; (iii) Mang tính rõ ràng, dễ hiểu, tức là công chúng có thể tiếp cận được đầy đủ và rõ ràng các nội dung đăng ký và (iv) mang tính đơn giản và thuận tiện cho các chủ nợ và những người quan tâm khi sử dụng.
Hạn chế của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm đã cản trở khả năng phát triển của hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam. Do vậy, tôi nhất trí với một số quan điểm sau đây:
Thứ nhất: Pháp điển hoá các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm
thông qua việc xây dựng dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm [27, tr. 15]. Trong dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Chính phủ trình Quốc hội khoá XII (2007 - 2011), thì dự án này dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua đầu năm 2009. Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm phải đảm bảo những mục tiêu chủ yếu sau đây:
- Thể chế hoá chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính vào lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng tiếp cận với hệ thống các cơ quan đăng ký, được cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết để xem xét, quyết định trước khi giao kết các giao dịch dân sự, kinh tế;
- Phải đáp ứng yêu cầu công khai hoá và minh bạch các giao dịch bảo đảm; phù hợp với các quy định có liên quan trong Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác, nhằm thúc đẩy giao dịch bảo đảm nói riêng và giao dịch dân sự, thương mại nói chung phát triển;
- Kế thừa và pháp điển hóa các quy định hiện hành còn phù hợp; vận dụng kinh nghiệm tốt của nước ngoài phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
- Từng bước đổi mới về tổ chức các cơ quan đăng ký, hướng tới mục tiêu giảm bớt đầu mối các cơ quan đăng ký, đăng ký tập trung, nối mạng và tin học hoá [4].
- Mở rộng phạm vi các trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm, lợi ích được bảo đảm, để tăng cường an toàn pháp lý cho các giao dịch và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin.
- Thống nhất quy trình đăng ký các giao dịch bảo đảm, đồng thời chú trọng tới các điểm đặc thù đối với việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền
sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; bảo đảm các nguyên tắc: Đơn giản, thuận tiện, khoa học và chính xác trong quy trình đăng ký, cung cấp thông tin; công khai hoá các giao dịch bảo đảm, lợi ích được bảo đảm cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu; xác định chính xác thứ tự ưu tiên thanh toán.
Thứ hai: Thiết lập, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm qua mạng Internet.
Hiện đại hoá hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm là một trong những giải pháp chiến lược có ý nghĩa quan trọng mà Việt Nam cần triển khai. Kết quả khảo sát cho thấy, hạn chế về cơ sở vật chất - kỹ thuật đã cản trở rất nhiều đến sự phát triển của hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm. Những lợi ích mà hệ thống đăng ký sau khi được vi tính hoá, nối mạng mang lại đã và đang thúc đẩy nhiều quốc gia gấp rút thực hiện mục tiêu này. Đối với hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, Bộ Tư pháp hiện đang triển khai dự án đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản tại các Trung tâm Đăng ký thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, trong đó quan trọng là thực hiện đăng ký qua mạng Internet. Tuy nhiên, song song với đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, thì Việt Nam cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc đăng ký giao dịch bảo đảm qua mạng Internet.
Thứ ba: Xây dựng cơ sở pháp lý để thành lập và tổ chức hoạt động cơ
quan đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm.
Triển khai mô hình đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm tại Việt Nam - Giải pháp chiến lược được nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật hiện đại. Mô hình cơ quan đăng ký phân tán theo loại tài sản, theo địa giới hành chính và theo chủ thể xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm đã hạn chế sự phát triển của hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm hiện đại. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm tập trung là không nhỏ. Theo tôi, cần triển khai thí điểm, trên cơ sở những kết quả đạt được để
đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm đảm bảo tính khả thi của giải pháp. Đồng thời, phải xác định mức độ, cách thức tập trung sao cho vừa tạo điều kiện thúc đẩy các giao dịch trên thị trường, vừa đảm bảo sự quản lý của nhà nước đối với tài sản. Theo tôi, bước đầu có thể thực hiện giải pháp phân tán về cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng tập trung về thông tin đã được đăng ký.
Ngoài ra, để hoạt động hiệu quả, đòi hỏi hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm của Việt Nam phải vận hành theo những nguyên tắc đã được thế giới thừa nhận, đó là: đơn giản, đối xử không phân biệt, quan niệm "chỉ có thêm mà không bớt" thông tin và đảm bảo an ninh hệ thống [24, tr. 36-37].
Thứ tƣ: Xây dựng chức danh Đăng ký viên
Việt Nam hiện chưa có quy định về chức danh Đăng ký viên, trong khi ở nhiều nước trên thế giới, Đăng ký viên là một trong những chức danh trong hệ thống các chức danh được nhà nước quản lý. Việc ban hành các quy định về chức danh Đăng ký viên sẽ giúp chuẩn hoá các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ đăng ký. Hơn nữa, trách nhiệm cá nhân của cán bộ đăng ký khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về đăng ký giao dịch bảo đảm sẽ được củng cố và tăng cường. Hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ đăng ký thời gian qua một phần bắt nguồn từ thực tế hiện ở Việt Nam chưa có chức danh Đăng ký viên. Do vậy, xây dựng chức danh Đăng ký viên là một trong những giải pháp giúp kiện toàn về tổ chức và hoạt động của hệ thống đăng ký.
Hiện nay, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định đối với chức danh Đăng ký viên - chức danh Tư pháp, áp dụng đối với cán bộ đăng ký đang công tác tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục. Phạm vi áp dụng bước đầu như vậy, theo tôi là hợp lý, vì điều kiện về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ đăng ký của các Trung tâm hiện đã đáp ứng được. Trong khi đó, đối với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Cục Hàng không Việt Nam và cơ quan đăng ký tàu biển khu vực, thì đăng ký giao dịch bảo đảm chỉ là một nội dung
rất nhỏ trong số các chức năng, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, các cơ quan này, nhìn chung chưa có cán bộ đăng ký giao dịch bảo đảm chuyên trách và chưa được đào tạo chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm, đặc biệt là đối với quyền sử dụng đất [21].
Trên đây là một số giải pháp lâu dài mà Việt Nam cần nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn của giải pháp và từng bước triển khai thực hiện, vì có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm. Đồng thời, các giải pháp trên hiện đang nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.