Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp kinh tế giữa các bên liên doanh trong doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam (Trang 58)

Một trong những vấn đề quan trọng đặt ra đối với tất cả các hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trên thế giới là phải quy định đầy đủ, chính xác và triệt để thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm.

Theo quy định của Bộ luật dân sự và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP thì thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được giải quyết như sau:

- Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm.

- Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán.

- Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà các giao dịch bảo đảm đều không có đăng ký thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm.

- Trong trường hợp số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán cho các bên nhận bảo đảm có cùng thứ tự ưu tiên thanh toán thì số tiền đó được thanh toán cho các bên theo tỷ lệ tương ứng với giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

- Các bên cùng nhận bảo đảm bằng một tài sản có quyền thoả thuận về việc thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn chưa giải quyết triệt để một số nội dung liên quan đến việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp phá sản hoặc thi hành án dân sự, cụ thể là:

Thứ nhất: Tại Điều 35 của Luật Phá sản năm 2004 mới chỉ quy định việc xử lý các khoản nợ được bảo bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố. Vậy đối với những biện pháp bảo đảm khác (đặt cọc, ký cược, ký quỹ), thì có áp dụng quy định tại Điều 35 của Luật Phá sản để giải quyết không? Về vấn đề này, theo tôi, Điều 35 Luật Phá sản phải được áp dụng thống nhất chung đối với tất cả các biện pháp bảo đảm bằng tài sản.

Thứ hai: Điều 52 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 quy định "số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ các chi phí về thi hành án". Với quy định trên thì chủ nợ có bảo đảm trong giao dịch bảo đảm đã đăng ký với chủ nợ có bảo đảm trong giao dịch bảo đảm chưa đăng ký đều được ưu tiên thanh toán, mà không xác định chủ nợ nào được ưu tiên thanh toán trước. Mặt khác, Điều 52 mới chỉ quy định về tài sản cầm cố, thế chấp, trong khi đó các tài sản bảo đảm khác (tài sản trong ký quỹ, ký cược hoặc đặt cọc) chưa được đề cập. Vậy chủ nợ có bảo đảm bằng ký quỹ, ký cược hoặc đặt cọc có được ưu tiên thanh toán không? Về vấn đề này, theo tôi, chủ nợ có bảo đảm bằng ký quỹ, ký cược hoặc đặt cọc phải được ưu tiên thanh toán. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa các chủ nợ có bảo đảm, thì chủ nợ đã đăng ký giao dịch bảo đảm phải được ưu tiên thanh toán so với chủ nợ có bảo đảm nhưng giao dịch bảo đảm không đăng ký. Có như vậy, pháp luật mới bảo đảm được tính công bằng về quyền, lợi ích hợp pháp giữa các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Thứ ba: Pháp luật hiện hành khuyến khích các bên dùng hàng hoá trong kho, kho hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ và "việc mô tả chung về tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch bảo đảm" [6] nhưng lại chưa quy định cụ thể về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm là kho hàng, mà trong kho hàng đó có tài sản riêng rẽ được hình thành từ vốn vay, ví dụ như: A thế chấp cho B kho hàng tivi. Tuy nhiên, A lại vay tiền của C để mua một kiện hàng (tivi) và cam kết bảo đảm thực hiện

nghĩa vụ bằng chính kiện hàng mà A mua từ tiền vay của C. Vậy trong trường hợp này, thứ tự ưu tiên thanh toán của B và C sẽ giải quyết như thế nào khi kho hàng được xử lý? Để khuyến khích đầu tư thương mại phát triển thì pháp luật Việt Nam cần ưu tiên cao nhât việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên C với điều kiện C phải đăng ký giao dịch bảo đảm trong một thời hạn luật định.

Thứ tư: Pháp luật hiện hành chưa dự liệu được trường hợp tài sản bảo đảm là nguyên nhiên vật liệu bị sáp nhập, trộn lẫn hoặc chế biến, thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên nhận bảo đảm đối với tài sản trước và sau khi sáp nhập, trộn lẫn hoặc chế biến được giải quyết như thế nào? Đây là một trong những nội dung quan trọng nhưng rất phức tạp, cần được tập trung nghiên cứu. Theo tôi, nhà làm luật cần dựa trên căn cứ xác lập quyền sở hữu quy định tại các điều 236, 237 và 238 Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết đối với trường hợp tài sản bảo đảm là nguyên nhiên vật liệu bị sáp nhập, trộn lẫn hoặc chế biến.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp kinh tế giữa các bên liên doanh trong doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)