Theo quy định tại Điều 323 Bộ luật dân sự thì "trường hợp tài sản bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký" và "việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp pháp luật có quy định".
Về nguyên tắc, đăng ký giao dịch bảo đảm làm phát sinh hiệu lực pháp lý đối với người thứ ba. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ,
việc đăng ký giao dịch bảo đảm không chỉ phát sinh hiệu lực pháp lý đối với người thứ ba, mà còn làm phát sinh hiệu lực của giao dịch, vì "việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp" (điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP). Quy định này của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành, cụ thể là khoản 3 Điều 29 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, khoản 2 Điều 35 Bộ luật Hàng hải và khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai. Do vậy, nếu giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất chưa đăng ký thì chưa phát sinh hiệu lực của hợp đồng. Theo tôi, pháp luật về giao dịch bảo đảm cần hạn chế số lượng các giao dịch bảo đảm phát sinh từ thời điểm đăng ký, vì như vậy sẽ "tạo sức ép" rất lớn cho các bên chủ thể, đồng thời sẽ "hành chính hoá" các quan hệ dân sự.
Với các quy định về giá trị pháp lý của giao dịch bảo đảm đối với người thứ ba, pháp luật Việt Nam đã làm sáng tỏ các nội dung chủ yếu sau đây [19, tr. 10]:
- Trường hợp giao dịch bảo đảm đã có giá trị pháp lý đối với người thứ ba (thông qua cơ chế đăng ký giao dịch bảo đảm) thì tài sản bảo đảm trong giao dịch đó sẽ không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ các trường hợp ngoại lệ (thường là rất hiếm) do pháp luật quy định. Quy định này đòi hỏi bên nhận bảo đảm cần có ý thức trong việc sử dụng cơ chế đăng ký giao dịch trong thời gian sớm nhất để bảo vệ một cách hiệu quả quyền lợi của mình (Điều 4 khoản 4).
- Xác định thứ tự ưu tiên với các chủ nợ có bảo đảm khác (Điều 6, Điều 27).
- Xác lập quyền ưu tiên với người mua, người thuê, người nhận chuyển giao tài sản bảo đảm (Điều 22),
- Có thể được ưu tiên đối với người bán trả chậm, trả dần, cho thuê tài sản mà bên bảo đảm đem đi cầm cố, thế chấp (Điều 13).
Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ đối với chủ nợ có bảo đảm đã thực hiện đăng ký, bao gồm:
- Đối với người có quyền cầm giữ, chủ nợ có bảo đảm luôn có thứ tự ưu tiên thanh toán sau.
- Đối với người mua tài sản bảo đảm là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh; người mua phương tiện giao thông cơ giới đã đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng không mô tả chi tiết số khung, số máy thì luôn trở thành chủ sở hữu tài sản đó.
- Người bán trả chậm, trả dần, người cho thuê tài sản đã đăng ký giao dịch đó trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng thì luôn được ưu tiên cao hơn so với bên nhận bảo đảm ngay tình.
Về giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm, theo tôi, pháp luật cần quy định cụ thể những vấn đề chủ yếu sau đây:
Thứ nhất: Khái niệm "người thứ ba" bao gồm những chủ thể nào? Về nguyên tắc, người thứ ba phải được hiểu là "tất cả các chủ thể không phải là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm". Hiện nay, pháp luật về giao dịch bảo đảm của Việt Nam đã tập trung điều chỉnh lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm giữa bên nhận bảo đảm với những đối tượng sau đây:
(i) Các chủ nợ không có bảo đảm
(ii) Các chủ nợ cùng nhận bảo đảm bằng tài sản;
(iii)Người mua, người thuê, người nhận chuyển giao tài sản bảo đảm; (iv) Người bán trả chậm, trả dần, cho thuê tài sản mà bên bảo đảm đem đi cầm cố, thế chấp;
(v) Người có quyền cầm giữ tài sản bảo đảm (người sửa chữa, nâng cấp tài sản/ người bảo quản tài sản).
Vậy "người thứ ba" có bao gồm các cơ quan công quyền không? Nếu theo quy định hiện hành về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa Nhà nước với bên nhận bảo đảm trong trường hợp tài sản bị tịch thu sung công quỹ do hành vi vi phạm pháp luật hình sự, hành chính của người có quyền sở hữu, chiếm hữu và sử dụng hợp pháp tài sản thì Nhà nước không phải là "người thứ ba", vì Nhà nước luôn được ưu tiên cao nhất, ngay cả khi giao dịch bảo đảm đã được đăng ký.
Thứ hai: Pháp luật cần quy định rõ ràng mối quan hệ giữa quyền thu nợ xuất phát từ bản án, quyết định dân sự, quyết định của cơ quan có thẩm quyền... với quyền thu nợ của chủ nợ có bảo đảm phát sinh từ giao dịch bảo đảm.
Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Bình Định nhận thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay của ông Trần Văn Dư là ôtô ben, nhãn hiệu JINBEL, số khung X15H 024410, biển số 77H-2987 và đã đăng ký thế chấp (Giấy chứng nhận đăng ký số C060200028BD01 cấp ngày 07/02/2006). Ngày 23/6/2006, ông Trần Văn Dư điều khiển chiếc xe này và gây tai nạn chết người. Công an huyện Tây Sơn đã khởi tố điều tra, tạm giữ phương tiện nói trên. Toà án nhân dân huyện Tây Sơn (sơ thẩm) và Toà án nhân dân tỉnh Bình Định (phúc thẩm) tuyên ông Trần Văn Dư vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gây hậu quả nghiêm trọng làm chết người. Chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh Bình Định đã nhiều lần có văn bản đề nghị cơ quan Công an huyện Tây Sơn bàn giao chiếc xe nói trên để Ngân hàng phát mại, thu hồi vốn vay nhưng không có kết quả [20].
Vụ việc nêu trên chỉ là một trong những ví dụ sinh động, thể hiện một thực tế là quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm (ngân hàng) vẫn chưa được bảo vệ tốt nhất.
Theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, khi quyết định kê biên tài sản thuộc diện đăng ký sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm, thì Chấp hành viên phải thông báo việc kê biên tài sản cho cơ quan đăng ký quyền sở hữu, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm biết (Điều 41 Pháp lệnh
thi hành án dân sự năm 2004). Tuy nhiên, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã không giải quyết triệt để thứ tự ưu tiên thanh toán của người được thi hành án xuất phát từ bản án, quyết định dân sự, quyết định của cơ quan có thẩm quyền và quyền của chủ nợ có bảo đảm, ví dụ như: chưa quy định thứ tự thanh toán giữa bên nhận bảo đảm với người được thi hành án trong trường hợp giao dịch bảo đảm đă đăng ký trước khi có quyết định kê biên hoặc khi có quyết định kê biên mà Chấp hành viên không thông báo thì bên nhận bảo đảm ngay tình có được bảo vệ không? Theo tôi, nếu giao dịch bảo đảm đăng ký trước thì cơ quan thi hành án dân sự không được kê biên tài sản bảo đảm, trừ trường hợp ngoại lệ (ví dụ: người phải thi hành án không có tài sản nào ngoài tài sản bảo đảm và giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm). Đồng thời, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản kê biên là tài sản bảo đảm phải được ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm đã đăng ký hoặc đã xác lập giao dịch bảo đảm ngay tình trước người được thi hành án.
Quy định về nghĩa vụ thông báo việc kê biên của cơ quan thi hành án dân sự cho cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm phần nào đã giúp tổ chức, cá nhân giảm bớt được rủi ro khi cho vay có bảo đảm. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể, rõ ràng về hậu quả pháp lý do việc kê biên không được thông báo cho cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền [11].
Những vấn đề nêu trên cần được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm.
2.1.1.5. Nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm
Từ khái niệm về "nguyên tắc pháp lý" của khoa học pháp lý, có thể hiểu nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm là những quan điểm, tư tưởng quyết định đến mô hình tổ chức, hoạt động của hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm.
Việc nghiên cứu nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm giúp chúng ta khái quát được toàn bộ quá trình đăng ký, trách nhiệm của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và hậu quả pháp lý của việc đăng ký.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, tôi nhận thấy, đăng ký giao dịch bảo đảm của Việt Nam hiện đang được thực hiện theo một trong hai nguyên tắc sau đây:
Một là: Nguyên tắc đăng ký xác minh
Pháp luật thực định chưa định nghĩa về "nguyên tắc đăng ký xác minh". Tuy nhiên, theo tôi, "nguyên tắc đăng ký xác minh" được hiểu là một nguyên tắc đăng ký, theo đó cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm sẽ thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu hợp đồng bảo đảm, các giấy tờ kèm theo trong hồ sơ đăng ký, cũng như các thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký.
Theo quy định hiện hành thì việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tàu bay, tàu biển áp dụng nguyên tắc đăng ký xác minh. Khái quát quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các loại tài sản nêu trên, tôi nhận thấy, do áp dụng nguyên tắc đăng ký xác minh nên sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền sẽ thực hiện các bước sau đây:
- Kiểm tra về thẩm quyền đăng ký;
- Kiểm tra nội dung thoả thuận trong hợp đồng bảo đảm;
- Đối chiếu nội dung trong hợp đồng bảo đảm với thông tin được kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký và thông tin được cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm lưu giữ;
- Chứng nhận đơn yêu cầu đăng ký, chỉnh lý hồ sơ gốc, nếu không thuộc một trong trường hợp từ chối đăng ký.
Mặc dù, nguyên tắc đăng ký xác minh được áp dụng đối với đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tàu bay, tàu biển nhưng với quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 08/2000/NĐ-CP thì "việc đăng ký giao dịch bảo đảm và giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm không có giá trị xác nhận tính xác thực của giao dịch bảo đảm".
Cũng như nguyên tắc đăng ký xác minh, hiện nay pháp luật thực định của Việt Nam chưa có định nghĩa về nguyên tắc đăng ký thông báo. Theo tôi,
nguyên tắc đăng ký thông báo được hiểu là một nguyên tắc đăng ký, theo đó cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền chỉ đăng ký những thông tin cơ bản (bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và tài sản bảo đảm) được kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký, mà không kiểm tra, đối chiếu tính hợp pháp, tính xác thực của thông tin được kê khai.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm được thực hiện theo nguyên tắc đăng ký thông báo. Do đó, người yêu cầu đăng ký chỉ cần nộp đơn yêu cầu đăng ký, giấy uỷ quyền (nếu có), mà không phải nộp bất kỳ một tài liệu, giấy tờ nào khác. Sau khi nhận đơn yêu cầu đăng ký hợp lệ, cán bộ đăng ký cũng không phải thực hiện các thao tác nhằm kiểm tra nội dung, tính hợp pháp và xác thực của những thông tin được kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký.
Dù áp dụng nguyên tắc đăng ký nào thì cũng phải đòi hỏi trách nhiệm cao của cán bộ đăng ký nhằm tránh những sai sót phát sinh trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa đối với trường hợp áp dụng nguyên tắc đăng ký xác minh trong quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm. Song, do Việt Nam hiện vẫn chưa có chức danh Đăng ký viên nên trách nhiệm của cán bộ đăng ký chưa được cá biệt hoá, mà vẫn áp dụng trách nhiệm như đối với cán bộ, công chức. Theo tôi, đây là sự bất hợp lý, vì chuyên môn hoá hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm, đòi hỏi phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ đăng ký và cần phải xây dựng chức danh Đăng ký viên.
Theo tôi, nếu theo như quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 08/2000/NĐ-CP thì Việt Nam cần nghiên cứu để hạn chế áp dụng nguyên tắc đăng ký xác minh trong hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm.