Tranh chấp giữa người thừa kế theo luật với người thừa kế theo di chúc

Một phần của tài liệu ÁP dụng pháp luật dân sự về hiệu lực của di chúc trong thực tiễn xét xử của tòa án (Trang 48)

theo di chúc

Tranh chấp này thường phát sinh khi người thừa kế theo luật của người để lại di sản thấy rằng nếu việc thừa kế được chia theo di chúc sẽ ảnh hưởng đến quyền hưởng di sản theo luật của họ. Đồng thời họ cho rằng di chúc mà người chết để lại là di chúc không có hiệu lực pháp luật - Thực chất của việc tranh chấp này chính là tranh chấp về hiệu lực của di chúc. Một số nguyên nhân chính và thường gặp trong thực tế tranh chấp về thừa kế theo di chúc là:

- Do người lập di chúc không có năng lực hành vi dân sự:

Người thừa kế theo luật của người để lại di sản yêu cầu Tòa án xác định di chúc vô hiệu vì cho rằng vào thời điểm di chúc được lập, người lập di chúc không có năng lực hành vi dân sự. Chẳng hạn: vào thời điểm di chúc được lập, người lập di chúc chưa tròn mười lăm tuổi (dù đã có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó) hoặc người để lại di sản tại thời điểm lập di chúc chưa tròn mười tám tuổi hay họ đã tròn mười tám tuổi nhưng bị mất khả năng nhận thức, thiếu sự sáng suốt, minh mẫn...

- Do thiếu tính tự nguyện của người lập di chúc:

Nếu người thừa kế theo luật của người để lại di chúc thấy rằng người để lại di sản đã lập di chúc đó do bị người khác lừa dối hoặc di chúc lập trong tình trạng bị người khác đe dọa, cưỡng bức thì họ sẽ khởi kiện để tranh chấp về hiệu lực của di chúc.

- Do tính xác thực của di chúc:

Trong thực tế, những người thừa kế theo luật của người để lại di sản khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định di chúc vô hiệu để vụ thừa kế được giải quyết theo pháp luật do di chúc để lại thiếu tính xác thực vì những lý do sau đây:

Người lập di chúc không theo đúng trình tự lập mà pháp luật đã quy định

Để nâng cao tính xác thực của di chúc, pháp luật về thừa kế đã quy định chặt chẽ về thủ tục lập đối với từng loại di chúc (Điều 651, Điều 655, Điều 656, Điều 658 Bộ luật Dân sự). Những quy định này vừa mang tính định hướng cho các cá nhân khi lập di chúc vừa mang tính bắt buộc để di chúc được thừa nhận là có hiệu lực pháp luật.

Vì vậy nếu di chúc được lập không tuân theo trình tự và thủ tục đã quy định, sẽ là căn cứ để những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định di chúc vô hiệu.

Hình thức thể hiện của di chúc không đúng với quy định của pháp luật

Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự "Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng". Hình thức bằng văn bản của di chúc có thể được thể hiện bằng nhiều phương tiện khác nhau như viết tay, đánh máy in thành văn bản hoặc copy vào đĩa mềm. Tuy nhiên nếu di chúc bằng văn bản được lập theo trình tự di chúc tự lập thì phương tiện thể hiện theo đúng quy định của pháp luật là: viết tay vào giấy. Vậy nếu một người tự lập di chúc để lại là một văn bản đánh máy, dù trong đó đã có chữ ký của chính họ thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan sẽ khởi kiện yêu cầu xác định sự vô hiệu của di chúc.

Về người chứng nhận, chứng thực, người làm chứng di chúc

Người chứng nhận, chứng thực, người làm chứng di chúc là người không có đầy đủ năng lực hoặc là người có quyền và nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung của di chúc hoặc là người thừa kế của người lập di chúc; là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người thừa kế của người lập di chúc (Điều 654 và Điều 659 Bộ luật Dân sự).

- Do việc định đoạt trong nội dung của di chúc là trái pháp luật hoặc vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật:

Nếu di chúc định đoạt tài sản trái với quy định của pháp luật hoặc không phù hợp với đạo đức xã hội thì di chúc đó vẫn bị coi là vô hiệu, dù người lập di chúc có đầy đủ năng lực hành vi và hoàn toàn tự nguyện trong việc lập.

Trong những trường hợp này người thừa kế theo luật sẽ khởi kiện để yêu cầu được hưởng thừa kế theo luật đối với phần di sản liên quan đến phần di chúc vô hiệu vì định đoạt trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa những người có quyền lợi chính đáng với những người thừa kế theo di chúc cũng có thể xuất phát từ việc người lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho người khác nhưng vượt quá phạm vi cho phép.

Một phần của tài liệu ÁP dụng pháp luật dân sự về hiệu lực của di chúc trong thực tiễn xét xử của tòa án (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)