Khoản 3 Điều 662 Bộ luật Dân sự quy định "Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ" [17], tuy nhiên Bộ luật Dân sự không định nghĩa thay thế di chúc là gì?
Trong thực tiễn xét xử Tòa án gặp khó khăn trong việc xác định người để lại di sản có thay thế di chúc hay không, di chúc nào thay thế di chúc nào nếu sau khi họ chết lại phát hiện được nhiều bản di chúc khác nhau. Bản chất của việc thay thế di chúc là gì, trường hợp nào được coi là thay thế di chúc, đây thực sự là vấn đề mà trong thực tế còn nhiều cách hiểu khác nhau. Hiểu đúng bản chất sự việc mới giúp Tòa án giải quyết đúng đắn một vụ án.
Trước hết cần thống nhất nhận thức về bản chất của di chúc là: Đó là việc một người bằng ý chí tự nguyện được thể hiện trong bản di chúc sau của
mình phủ nhận toàn bộ ý chí tự nguyện đã thể hiện trong bản di chúc trước đó về việc định đoạt di sản thừa kế.
Trong thực tế có thể có người để lại nhiều bản di chúc khác nhau nhưng chưa hẳn đó là sự thay thế di chúc, bởi vì chưa chắc bản di chúc sau đã là ý chí tự nguyện của người đó. Cần phải phân biệt được sự tự nguyện, minh mẫn trong việc lập di chúc sau với việc bị ép buộc, lừa dối của người để lại di sản.
Ví dụ về việc thay thế di chúc:
Bà K góa chồng có ba người con là H, A, M. Trước khi chết bà K lập di chúc để lại số di sản của mình trị giá 190 triệu đồng cho đều ba người con. Sau đó, nghĩ lại bà K thấy rằng nên để lại cho người con út M số tài sản lớn hơn 2/3 tổng số di sản, vì vậy bà lập di chúc thứ hai định đoạt lại số di sản của mình. Khi bà K chết, xảy ra tranh chấp giữa ba người con của bà về việc phân chia di sản theo hai bản di chúc bà K để lại. Tòa án đã căn cứ vào bản di chúc cuối cùng bà K lập, xác định được rằng bà K lập bản di chúc này trong tình trạng minh mẫn, tự nguyện, di chúc không trái pháp luật, cho nên đã công nhận bản di chúc cuối này có hiệu lực pháp luật và chia di sản của bà K theo bản di chúc cuối.
Ngoài ra khoản 5 Điều 667 Bộ luật Dân sự quy định "Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật" [17]. Quy định này chỉ đúng nếu tất cả các bản di chúc đó đều là ý chí tự nguyện của người để lại di sản. Nó sẽ sai và bất cập nếu bản di chúc sau cùng được lập ra do bị người khác đe dọa hoặc bị lừa dối.
Vì vậy, khoản 5 Điều 667 Bộ luật Dân sự cũng cần phải sửa lại như sau: Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ căn cứ vào bản di chúc tự nguyện và có hiệu lực pháp luật sau cùng để phân chia di sản.