Tranh chấp di sản do các thừa kế có ý kiến khác nhau về di chúc

Một phần của tài liệu ÁP dụng pháp luật dân sự về hiệu lực của di chúc trong thực tiễn xét xử của tòa án (Trang 56 - 58)

Vụ tranh chấp di sản thừa kế giữa ông Nguyễn Hào Xuân và ông Nguyễn Hào Hùng.

Tóm tắt nội dung vụ án: Cụ Nguyễn Hào Nam và cụ Nguyễn Thị Dịu có tám người con. Năm 1971, cụ Dịu chết, không có di chúc, năm 1980, cụ Nam viết di chúc với nội dung: chia cho ông Hùng toàn bộ mặt đường (7,5 x 14 m), ông Xuân phần tiếp theo phía trong (7,5 x 14 m), còn lại giao cho ông Bình (cũng là con chung của cụ Nam và cụ Dịu) nhưng phải để lại 2 m trong cùng làm nhà vệ sinh và cả ba ông đều phải chừa lại lối vào 1 m (di chúc định đoạt toàn bộ tài sản chung của cụ Nam và cụ Dịu).

Năm 1984, do ông Xuân tranh chấp đất với ông Hùng nên cụ Nam đã mời chính quyền phường đến giải quyết, tại biên bản giải quyết thắc mắc đất ở ngày 11/01/1984, cụ Nam đã khẳng định phần ông Xuân tranh chấp 6,5 x 4 m cụ giao cho ông Hùng (điều này phù hợp với di chúc lập năm 1980 của cụ). Năm 1985, cụ Nam chết, không sửa đổi hoặc hủy bỏ di chúc cụ viết ngày 16/10/1980.

Bản án sơ thẩm số 31/DSST ngày 25/7/1996 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa chấp nhận di chúc hợp pháp một phần, tức là phần di sản của cụ Nam, xử chia thừa kế theo di chúc, phần di sản của cụ Dịu chia thừa kế theo pháp luật.

Bản án phúc thẩm số 71/DSPT ngày 24/10/1996 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa không chấp nhận di chúc và y án sơ thẩm về phần công chăm sóc bố mẹ, công duy trì bảo quản di sản nên đã chia cho ông Xuân 158.000.000 đồng, ông Hùng 90.000.000 đồng, ông Bình 38.000.000 đồng (như vậy phần này chiếm ½ khối di sản của hai cụ).

Trong kháng nghị số 53 ngày 08/4/1997, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xác định di chúc hợp pháp một phần.

Quyết định giám đốc thẩm số 403 ngày 22/9/1997 của Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân tối cao nhận định: quá trình giải quyết vụ kiện, các bên đương sự không nhất trí về cách hiểu nội dung văn bản chia đất năm 1980 và biên bản giải quyết thắc mắc về đất ở năm 1984, Hội đồng xét xử Tòa Dân sự

- Tòa án nhân dân tối cao đã áp dụng Điều 676 Bộ luật Dân sự coi như không có di chúc nên di sản được chia theo pháp luật.

Bản án sơ thẩm (lần 2) số 01/DSST ngày 22/12/1998 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa không chấp nhận di chúc.

Bản án phúc thẩm (lần 2) số 110/DSPT ngày 31/8/2000 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội không chấp nhận di chúc và vẫn giữ nguyên phần thanh toán công chăm sóc bố mẹ, công duy trì, bảo quản di sản.

Có thể nói, di chúc của cụ Nam rất rõ ràng, có xác nhận của Ủy ban nhân dân sở tại, được viết lúc cụ minh mẫn, các nhân chứng đều xác định việc cụ Nam thể hiện ý chí là tự nguyện. Năm 1984, do có sự tranh chấp giữa ông Xuân và ông Hùng nên Ủy ban nhân dân phường đến giải quyết và tại biên bản giải quyết thắc mắc đất ở ngày 11/01/1984, cụ Nam đã có ý kiến phù hợp với di chúc năm 1980 của cụ và từ đó (năm 1984) đến khi cụ chết, cụ Nam không hề thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc. Cách giải thích và áp dụng điều luật của Hội đồng xét xử Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân tối cao là thiếu chính xác và không đúng với tinh thần của Điều 676 Bộ luật Dân sự. Vì vậy cần phải chấp nhận di chúc của cụ Nam hợp pháp một phần, chia phần đó theo di chúc của cụ, phần còn lạ là di sản của cụ Dịu để lại chia cho những người thừa kế theo pháp luật của cụ Dịu.

Một phần của tài liệu ÁP dụng pháp luật dân sự về hiệu lực của di chúc trong thực tiễn xét xử của tòa án (Trang 56 - 58)