Những hạn chế về quyền định đoạt của người lập di chúc (theo Điều 669 Bộ luật Dân sự)

Một phần của tài liệu ÁP dụng pháp luật dân sự về hiệu lực của di chúc trong thực tiễn xét xử của tòa án (Trang 37)

(theo Điều 669 Bộ luật Dân sự)

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân, ý chí là sự tự do tự nguyện của con người, tuy nhiên không phải là sự tự do tuyệt đối, tự do đó phải phù

hợp với nguyên tắc tôn trọng truyền thống, đạo đức. Pháp luật quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (Điều 669 Bộ luật Dân sự).

Ở Việt Nam, diện những người thừa kế bao gồm tất cả những người thân thuộc dù gần hay xa của người chết. Ngày nay, phạm vi đó đã được thu hẹp rất nhiều, nếu về huyết thống chỉ bao gồm những người có quan hệ trực hệ trong phạm vi bốn đời và những người có quan hệ ngành ngang (bàng hệ) trong phạm vi ba đời đối với người chết. Đặc biệt, trong diện đã được thu hẹp đó, chỉ một số người tối thiểu có quan hệ gần gũi với người đã chết mới được hưởng di sản mà người chết phải thực hiện bổn phận đạo đức.

Từ góc độ đạo đức, bổn phận đã được pháp luật nâng lên thành nghĩa vụ pháp lý - Đó chính là nghĩa vụ nuôi dưỡng lẫn nhau giữa các thành viên trong một gia đình. Sự nuôi dưỡng đó được người có nghĩa vụ trực tiếp thực hiện khi còn sống, đồng thời khi đã chết, nghĩa vụ đó được thể hiện thông qua việc để lại di sản. Điều 669 Bộ luật Dân sự quy định:

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng.

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động [17]. Về phương diện kinh tế: pháp luật luôn tôn trọng ý chí của người để lại di sản, nhưng bên cạnh đó, chính pháp luật lại hạn chế quyền định đoạt ấy nếu người để lại di sản còn có những người khác mà khi họ còn sống, họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng chăm sóc. Nói cách khác, một số người thừa kế luôn có

quyền hưởng một phần di sản nhất định mà không phụ thuộc vào việc người lập di chúc có cho họ hưởng hay không.

Có thể nói rằng, Điều 669 Bộ luật Dân sự là sự dung hòa giữa phương diện kinh tế và phương diện đạo đức. Ví dụ: Tại thời điểm mở thừa kế, ông Tài có hai người thừa kế theo luật còn sống là bà Hà (vợ ông Tài) và một người con là anh Văn chưa thành niên. Ông Tài có lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản (trị giá 60 triệu đồng) của mình cho bà Hà, còn anh Văn - do lúc còn sống cha con có mâu thuẫn trầm trọng, ông Tài không chia thừa kế cho anh Văn. Pháp luật tôn trọng ý chí của ông Tài trong việc lập di chúc định đoạt tài sản, tuy nhiên, ông Tài phải có bổn phận tối thiểu đối với anh Văn - người con chưa thành niên. Tài sản của ông Tài không thể được định đoạt trao hết cho bà Hà. Vụ án được giải quyết như sau: Xác định một suất thừa kế theo Luật là: 60 triệu đồng: 2 = 30 triệu đồng. Anh Văn được hưởng hai phần ba của một suất thừa kế theo luật là 30 triệu đồng x 2/3 = 20 triệu đồng. Bà Hà hưởng phần di sản còn lại là: 60 triệu đồng - 20 triệu đồng = 40 triệu đồng.

Trước đây, khi quy định những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, do sắp xếp ngôn từ không phù hợp nên đã làm xuất hiện nhiều cách hiểu khác nhau về cùng một điều luật. Điều 669 Bộ luật Dân sự đã có sự thành công khi xếp lại danh mục những người được hưởng di sản một cách khoa học, trong mọi trường hợp thì bố, mẹ, vợ, chồng của người chết đều hưởng một phần di sản ít nhất bằng hai phần ba của một suất thừa kế theo luật. Việc quy định của pháp luật thừa kế được xác định trên nguyên tắc bình đẳng giữa các cá nhân nên việc được hưởng thừa kế không bị phân biệt giữa con trong hay ngoài giá thú, không phân biệt giữa con đẻ và con nuôi, luật còn xác định bố, mẹ, vợ, chồng của người chết đề đứng trong một hàng thừa kế để hưởng di sản của người đó.

Có những vấn đề đặt ra như sau:

Người thừa kế theo Điều 669 Bộ luật Dân sự có được hưởng di sản khi bị người để lại di chúc truất quyền hưởng di sản hay không?

Người thừa kế "không được người để lại di chúc cho hưởng di sản" bao gồm: người không được người lập di chúc phân định cho một phần di sản nào, người bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản. Như vậy "người không được người để lại di chúc cho hưởng di sản" có thể không phải là người bị truất quyền, nhưng ngược lại, người bị truất quyền là người "không được người để lại di chúc cho hưởng di sản". Vì vậy, cần xác định những người được quy định trong Điều 669 Bộ luật Dân sự luôn được hưởng hai phần ba của một suất thừa kế theo luật kể cả trường hợp họ bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản.

Cách xác định một suất thừa kế theo luật:

Việc xác định một suất thừa kế trong thực tế không đơn giản, cần lưu ý những người sau đây có được coi là nhân suất hay không:

- Người không được quyền hưởng di sản theo khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự: Những người do có hành vi trái pháp luật, trái đạo đức nên bị pháp luật tước đi quyền hưởng di sản, họ không phải là người thừa kế của người để lại di sản nữa. Vì vậy, khi cộng nhân suất để xác định một suất thừa kế theo luật, không được cộng những người này.

- Người thừa kế theo Điều 669 Bộ luật Dân sự bị người để lại di chúc truất quyền hưởng di sản: Những người này luôn là người thừa kế theo luật của người để lại di sản dù họ bị truất quyền hưởng. Do vậy, khi xác định một suất thừa kế theo luật, họ vẫn là một nhân suất.

- Người từ chối nhận di sản: Người đã từ chối nhận di sản thì họ không được hưởng di sản nữa kể cả chia theo pháp luật. Nếu người từ chối nhận di sản chỉ là người thừa kế theo di chúc (không có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, hôn nhân với người để lại di sản) thì họ không phải là nhân suất khi xác định một suất thừa kế theo luật. Nếu người từ chối nhận di sản là người thừa kế theo di chúc đồng thời cũng là người thừa kế theo luật của người để lại di sản và họ đã từ chối hưởng di sản theo di chúc và theo cả pháp

luật thì họ không phải là nhân suất khi xác định một suất thừa kế theo luật, nếu họ chỉ từ chối việc nhận di sản theo di chúc thì họ vẫn là người thừa kế theo luật của người để lại di sản, vì vậy họ là nhân suất khi xác định một suất thừa kế.

Thực tế khi áp dụng Điều 669 Bộ luật Dân sự, để đảm bảo quyền lợi của những người thừa kế được quy định, phải có phương pháp xác định được "hai phần ba của một suất thừa kế theo luật". "Hai phần ba của một suất thừa kế theo luật" cụ thể là bao nhiêu? Trên thực tế không hẳn là không có những người hiểu không đúng cách tính hai phần ba của một suất thừa kế chia theo pháp luật. Để có cách hiểu thống nhất trong việc áp dụng Điều 669 Bộ luật Dân sự, cần xây dựng quy tắc xác định hai phần ba của suất thừa kế chia theo pháp luật (luận văn trình bày chi tiết cách tính 2/3 của một suất thừa kế chia theo pháp luật tại Chương 3: Hướng hoàn thiện của pháp luật về hiệu lực của di chúc).

Di chúc hợp pháp là di chúc không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, có đủ các điều kiện quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự, tuy nhiên người để lại di sản cũng bị hạn chế ý chí khi Điều 669 Bộ luật Dân sự quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Chương 2

Một phần của tài liệu ÁP dụng pháp luật dân sự về hiệu lực của di chúc trong thực tiễn xét xử của tòa án (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)