Sách giáo khoa đề ra năm câu hỏi xoay quanh tên truyện, thời gian hai mùa của tác phẩm, vòng hoa trên mồ liệt sĩ, câu hỏi của bà mẹ người tử tù, chủ đề tư tưởng tác phẩm.
Tên truyện có thể dịch là “Thuốc chữa bệnh”, nhà văn Nguyễn Tuân dịch là “Vị thuốc”. Tác phẩm này viết ngày 25 tháng 4 năm 1919 sau “Nhật kí người điên” đúng một năm, đăng trên tạp chí “Tân thanh niên” tháng 5 năm 1919, đúng vào những ngày bùng nổ phong trào học sinh sinh viên Bắc Kinh, mở đầu cuộc vận động “Cứu vong” (cứu nước Trung Quốc khỏi diệt vong) thường gọi là Ngũ Tứ (ngày 4 tháng 5). “Thuốc ” là một dấu hỏi, một dấu hỏi bắt những ai lòng dạ chưa tuyệt đối dửng dưng phải trả lời. Trung Quốc như một con bệnh thập tử nhất sinh, phải dùng thứ thuốc nào đây?
Tên truyện ít ra có ba lớp nghĩa. Trước hết đó là thuốc chữa bệnh lao của những người dân u mê lạc hậu. Lấy máu người để chữa bệnh lao! Nghe như chuyện thời trung cổ. Rốt cục con bệnh chết oan trong cái không khí ẩm mốc hôi tanh mùi máu của nước Trung Hoa cổ lỗ. Nhưng không phải chỉ có thế. Tác giả muốn đề cập đến một vấn đề sâu xa hơn. Nước Trung Quốc theo chế độ phong
kiến gia trưởng. Hậu quả hàng nghìn năm của “Tam cương ngũ thường” của Nho gia đã tạo ra chế độ gia trưởng nặng nề mà không một nước phong kiến nào trên thế giới có. Cũng lúc này Lỗ Tấn viết bài tạp văn: “Ngày nay chúng ta làm cha như thế nào?” trong đó ông yêu cầu các thế hệ đi trước phải biết tôn trọng thế hệ sau, giải phóng tư tưởng cho thê hệ sau. “Thuốc” đặt dấu hỏi về phương thuốc mà bố mẹ thằng Thuyên trị bệnh cho nó mà ông Ba vì cuồng tín đã bán đứng thằng cháu làm cách mạng, mà lão Cả Khang giết hại Hạ Du. Đó không phải là thuốc chữa bệnh mà là thuốc độc. Vậy thì cái gọi là thuốc phải là sự giác ngộ ra rằng đó là thuốc độc, phải tìm một thứ thuốc khác.
Nhưng Lỗ Tấn không chỉ là nhà xã hội học, ông còn là nhà cách mạng . Ông trực tiếp tham gia vào cuộc vận động giải phóng dân tộc và ông trăn trở tìm đường đi. Đã bao lần ông phân tích lí giải cái được cái mất của cuộc cách mạng tư sản đầu tiên xảy ra vào năm Tân Hợi. Những người cách mạng như Hạ Du trong truyện là những con người xả thân vì nghĩa lớn, dũng cảm không sợ chết. Nhưng họ cô đơn, không ai hiểu họ và ủng hộ họ, đến nỗi bà mẹ của Hạ Du chỉ biết kêu oan, ông chú Ba coi cháu làm giặc và quần chúng lao khổ lấy máu họ để chấm bánh bao. Ở đây, nổi lên một vấn đề, phải có một phương thuốc để cứu người Trung Quốc. Đó là một phương thuốc chữa trị được bệnh hững hờ mê muội của quần chúng và bệnh xa rời quần chúng của những người cách mạng.
Lỗ Tấn không chủ trương kê đơn bốc thuốc (có người dịch: “Đơn thuốc” là không đúng). Ông nói, “tôi chỉ tìm cách lôi hết bệnh tật ra để mọi người không chú ý tìm cách chữa chạy” [34, tr. 64]. Vả chăng lúc này Lỗ Tấn không vừa lòng với cách mạng Tân Hợi, vì nó không chữa được bệnh trạng dân tộc, nhưng phải có một cuộc cách mạng như thế nào thì chưa rõ. Ông chỉ biết nó phải khác cách mạng Tân Hợi. Mãi đến sau này, trước bài học thực tế phũ phàng, ông mới khẳng định dứt khoát: đó phải là cách mạng vô sản.
Từ cách đặt tên cho đến cách dẫn truyện toát lên đầy đủ đặc điểm thi pháp Lỗ Tấn. Đó là dung dị, trầm lắng và sâu xa. Cốt truyện thực đơn giản.
Đó là câu chuyện của một số người tìm thuốc, bán thuốc và uống thuốc... Ở đây có mấy chi tiết cần khai thác. Cốt truyện thật là dung dị, nghĩa là không có gì, chỉ là vài nét chấm phá như tranh mực nước (thủy mặc) Trung Quốc, chỉ có 2 màu đen trắng với các sắc độ đậm nhạt khác nhau. Một bức tranh gần gũi cuộc sống đời thường, như xảy ra quanh quẩn đâu đây ở một thị trấn hẻo lánh nào đó của nước Trung Hoa u ám nặng nề. Bối cảnh của truyện cũng thật dung dị. Một quán trà nghèo nàn tẻ nhạt của những người vô công rồi nghề. Một pháp trường toàn bóng đen lượn lờ, dưới ánh đèn dầu khi mờ khi tỏ. Một bãi tha ma “mộ dày khít như bánh bao nhà giàu trong tiệc mừng thọ”, ở giữa có một con đường mòn cố hữu (con đường mà Lỗ Tấn nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các tác phẩm của mình) ngăn chia phải trái, phía trái là nghĩa địa người chết chém. Bối cảnh ấy là bức tranh điển hình của người Trung Hoa trung cổ. Bối cảnh ấy là môi trường thích hợp cho một cốt truyện dung dị, chẳng có gì là li kì siêu phàm như “Tam quốc”, “Thủy hử”, cũng chẳng huyền ảo như “Tây du” mà rất hiện thực. Có cái gì trầm lắng, tĩnh lặng, rất Lỗ Tấn.
Nhưng thời gian nghệ thuật của tác phẩm thì có tiến triển. Hai cảnh đầu xảy ra vào mùa thu, cảnh sau xảy ra vào mùa xuân đúng vào Tết thanh minh. Theo Kim Thánh Thán, thu là buổi chiều của năm, là sự thu vén để kết thúc. Mùa thu lá vàng rơi để tích nhựa qua đông, đón mùa xuân đâm chồi nảy lộc. Cái chết của hai người còn do sự u mê của mọi người cũng như hai chiếc lá rời cành để tích nhựa cho một mùa xuân hi vọng, cũng như sự gieo mầm, như trả giá cho một sự giác ngộ. Đến mùa xuân, vào tiết thanh minh, hai bà mẹ đã bước qua con đường mòn cố hữu, “con đường do con người dẫm mãi mà thành” - đến thăm nhau, bắt đầu có sự đồng cảm. Vòng hoa trên nấm mộ Hạ Du hứa hẹn một sự tiếp bước
người cách mạng. Câu hỏi: “Thế này là thế nào?” hứa hẹn một câu trả lời, một sự giác ngộ.
Nhà văn Nguyễn Tuân có nhận xét: “ Cái câu hỏi: Thế này là thế nào? trong đoạn cuối truyện được láy đi láy lại như là một điệp khúc. Nó cũng tác động đến cảm nghĩ của người đọc y như điệp khúc kể khổ trong truyện “Cầu phúc”... Trong “Cầu phúc” cũng là một bà mẹ đau khổ bâng khuâng mà tự trách. Trong “Thuốc” lại là một bà mẹ đau khổ khác, cũng vấn vương mà tự hỏi: “Thế này là thế nào?”. Người đọc yên sao được trước những câu hỏi như thế... Hình như nhân vật trong truyện hỏi thẳng vào chính mình” [44, tr. 58].
Đó không phải là một câu hỏi lửng lơ mà là một thắc mắc, một day dứt, không câu trả lời không yên.
Nguyễn Tuân viết tiếp “ Tôi đọc truyện “Thuốc” cách đây đã lâu và tồn tại mãi trong đầu câu hỏi đó của bà mẹ nước Tàu cũ. Cho tới một ngày gần đây, tôi đọc một bài thơ ta... Tôi cảm thấy như lời và ý thơ “Mồ anh hoa nở” (làm ra trong năm 1956) là để giải đáp trực tiếp cho một bà mẹ Trung Quốc khoảng năm Tân Hợi...” [44, tr. 60]
Bài thơ “Mồ anh hoa nở” của Thanh Hải nói đến sự gắn bó keo sơn giữa quần chúng và cách mạng trong những năm tháng khủng bố dưới chính quyền Ngô Đình Diệm. Tác giả ngợi ca sự bất diệt của lí tưởng cách mạng khi nó đã cắm rễ sâu trong lòng quần chúng.
Trong “Thuốc” quần chúng chưa có được sự giác ngộ như thế. Nhưng cũng đã có những người nhớ đến liệt sĩ đặt lên nấm mộ Hạ Du một vòng hoa, bày tỏ quyết tâm tiếp bước người đã khuất. Vòng hoa thể hiện niềm lạc quan đối với tiền đồ cách mạng của tác giả. Trong “Tựa viết lấy” ông nói: “Đã gào thét thì phải tuân theo mệnh lệnh chủ tướng cho nên tôi thêm một vòng hoa trên mộ Hạ Du” [47, tr. 60].
Không nên quá cường điệu vòng hoa, coi là dấu hiệu về sự vươn tới của một tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa như một nhà bình luận Trung Quốc đã viết. Có điều, trong những năm tháng khủng bố ác liệt, khi mà tên của nữ chiến sĩ cách mạng Thu Cận phải ẩn dấu dưới biệt danh của một người đàn ông là Hạ Du (chỉ những người quan tâm mới hiểu ra được) khi mà Lỗ Tấn lam vào tâm trạng “Bàng hoàng” như hai câu thơ tự bộc lộ: “Lưỡng gian dư nhất tốt, Hà kích độc như bàng hoàng” (một mình đứng ở giữa, mục kích riêng bàng hoàng), thì đó là biểu hiện đáng quý của một niềm tin, của sự lạc quan không gì vùi dập được.
Sau khi tóm tắt truyện và phân tích các tín hiệu nghệ thuật nổi bật, giáo viên có thể phân tích thêm hình tượng người chiến sĩ cách mạng Hạ Du. Tác phẩm này có nhiều nhân vật, nhưng khó xác định đâu là nhân vật chính. Đây là loại truyện ngắn theo kiểu xén mặt ngang cuộc sống, tái hiện một mẩu đời sống trong một khoảnh khắc nào đó, không theo lối bàn giao một số phận, một cuộc đời, có trước có sau, có thủy có chung như truyện “Cầu phúc” hay “Khổng Ất Kỷ”. Tác giả không tập trung mô tả một nhân vật nào. Ở cảnh một, các nhân vật chủ yếu là vợ chồng lão Hoa Thuyên và thằng con ho lao, thêm lão cai ngục “áo quần đen ngòm”. Cảnh hai chỉ thấy xuất hiện một người khách trong quán trà, đúng lúc thằng Thuyên ăn bánh bao tẩm máu. Cảnh ba, huyên náo hơn, một tốp khách trong quán trà. Ở đây nhân vật Hạ Du - người cách mạng vừa bị chém, được nhắc đến qua đối thoại. Cảnh bốn, chỉ có hai bà mẹ trên bãi tha ma.
Mặc dù chỉ là ảnh chiếu - miêu tả gián tiếp qua suy tư của nhân vật khác, nhưng hình ảnh của Hạ Du có một vị trí đặc biệt, là đầu mối của mọi tình tiết gieo vang âm hưởng thống thiết trong lòng người đọc. Đó là hình tượng người cách mạng giác ngộ sớm, cùng một hệ thống những người điên trong “Nhật kí người điên”, người điên trong “Ngọn đèn sáng mãi”. Anh ta cũng bị gọi là điên bởi vì “đi trước buổi bình minh”, thức dậy sớm khi mọi người còn “mê ngủ trong
cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”. Anh ta có lí tưởng cách mạng rõ ràng: lật đổ ngai vàng, đánh đuổi ngoại tộc, dành lại độc lập. Anh ta dũng cảm hiên ngang dám tuyên truyền lí tưởng cách mạng với cả người cai ngục trong những ngay chờ lên đoạn đầu đài. Trong một thiên hồi kí ở tập “Nhặt cánh hoa tàn” Lỗ Tấn nói: “Viết Hạ Du là để kỉ niệm Thu Cận, một nữ chiến sĩ cách mạng của Quang phục hội (tiền thân của Quốc dân đảng do Tôn Trung Sơn đứng đầu, sau này lãnh đạo cách mạng Tân Hợi) một người cùng quê Thiệu Hưng, từng du học Nhật, khai sáng tờ “Trung Quốc nữ báo” tuyên truyền giải phóng phụ nữ bị lên đoạn đầu đài lúc 32 tuổi” [47, tr. 64]. Tác giả bày tỏ thái độ trân trọng và kính phục nhân cách của người cách mạng nhưng có ngầm ý phê phán anh ta xa rời quần chúng. Xa vời đến mức mẹ anh ta không hiểu, chú anh ta coi là “làm giặc” và đi tố giác, người dân lấy máu anh ta để chữa bệnh như lấy máu súc vật vậy. Mặc dù chỉ được miêu tả gián tiếp theo thủ pháp “ảnh chiếu”, nhưng vòng hoa tưởng niệm anh ta đã trở thành điểm sáng để kết thúc một câu chuyện bi thảm. Điều đó nói lên khuynh hướng tư tưởng tác giả và gợi cho ta hiểu chủ đề và tư tưởng chủ đề tác phẩm.
Những năm 20 đầu thế kỉ, có nhà nghiên cứu Trung Quốc coi chủ đề tư tưởng “Thuốc” là chống mê tín dị đoan. Đó là một cách hiểu hời hợt, xa lạ với phong cách trầm lắng ưu phản của ngòi bút Lỗ Tấn. Vả chăng về cuối tác phẩm, tác giả để con quạ bay đi một cách dửng dưng, nghĩa là không đặt ra vấn đề mê tín hay không. Có nhà nghiên cứu lại cho chủ đề tư tưởng tác phẩm là phê phán sự thoát li quần chúng của cách mạng. Cách hiểu này có tiếp cận tư tưởng tác phẩm, nhưng chưa toàn diện. Nhà văn đã bày tỏ lòng đồng tình và kính phục sâu sắc đối với những người cách mạng hiên ngang. Mặt khác bi kịch của người cách mạng cô đơn còn do sự ngu muội dốt nát của quần chúng, tiêu biểu là vợ chồng
lão Hoa Thuyên, có thể kể thêm ông Ba – người chú đã tố giác cháu, cùng những người chen chúc đi mua máu tử tù..
Thực ra truyện “Thuốc” có hai chủ đề: sự tê liệt của quần chúng và bi kịch của người cách mạng tiên phong. Hai chủ đề này gắn bó với nhau bởi cái bánh bao tẩm máu. Sự gắn bó đó làm nổi bật lên chủ đề tư tưởng tác phẩm: phương thuốc chữa chạy bệnh tê liệt đớn hèn của dân tộc. Tác phẩm đặt ra câu hỏi, chưa có câu trả lời. Nhưng từ hình tượng khách quan người đọc có thể tìm được lời giải đáp. Đó là phải làm một cuộc cách mạng của quần chúng và vì quần chúng. Như trên đã nói, lúc này Lỗ Tấn chưa có nhận thức đầy đủ về cách mạng vô sản, nhưng tấm gương cách mạng Mười Nga mà ông từng hoan nghênh nhiệt liệt (xem bài “Thánh võ”) đã khẳng định khuynh hướng tư tưởng của ông.
Với một chủ đề tư tưởng như vậy, “Thuốc” đã có kích thước của một truyện dài. Nó dồn nén sự quan sát, nghiền ngẫm của nhà văn về xã hội Trung Quốc, con người Trung Quốc, về con đường giải phóng dân tộc. Đó là một chủ đề tư tưởng sâu sắc, chứng tỏ nhà văn đã cầm ngọn bút có trách nhiệm. Nguyến Tuân có nhận xét: “Văn phẩm Lỗ Tấn gồm nhiều thể tài văn học. Riêng về tiểu thuyết thì những truyện này thường mang cái hình thù truyện ngắn. Song có lẽ có những truyện của Lỗ Tấn – theo chỗ thiển nghĩ của tôi, về danh và hình thì gọi là truyện ngắn nhưng bản chất đúng là cái cốt của truyện dài... ở đây tôi muốn nói đến một số truyện ngắn rất cô đúc của Lỗ Tấn có thể gợi đến không khí truyện dài, nó tiềm tàng một sinh lực đòi hỏi sự phát triển nó gợi đến bút pháp truyện dài và kĩ thuật truyện dài” [49, tr. 73].
Tóm lại, đó là sự cô đọng, súc tích truyền thống của truyện cổ Trung Hoa mà Lỗ Tấn đã dày công nghiên cứu và thể hiện rõ trong công trình “Trung Quốc tiểu thuyết sử lược và tuyển tập truyện truyền kì đời Đường”. Cần phải nói thêm rằng, những tác phẩm thời kì đầu của Lỗ Tấn có chịu ảnh hưởng bút pháp của
trường phái chủ nghĩa biểu hiện (Expressionnisme) và chủ nghĩa ấn tượng (Impressionnisme). Dấu ấn rõ nhất của ảnh hưởng này nằm ở tập “Cỏ dại”. Trong một số truyện ngắn như: “Nhật kí người điên”, “Đèn sáng mãi”, “Thuốc”... [52, tr. 66] Có thể thấy nhà văn có vận dụng một số thủ pháp của các trường phái nói trên.
Tóm lại, “Thuốc” là một truyện chung đúc được quan niệm văn chương, khuynh hướng ngòi bút các truyện ngắn Lỗ Tấn. Đó là quan niệm: văn chương phải chú trọng chỉ ra các bệnh của quốc dân để lưu ý mọi người tìm phương chạy chữa. Đó là khuynh hướng: nhìn thẳng vào hiện thực, không tô hồng, bôi đen, cũng không dửng dưng “khách quan chủ nghĩa”. Đó là tình điệu trầm lắng ưu tư mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc gọi là “bi phẫn thâm quầng”. Người dạy sẽ có được cái hứng thú khai thác một tác phẩm có vấn đề để khai thác. Có điều, thầy cô giáo nắm được chiều sâu của nhà văn nhưng lại phải ý thức đầy đủ đến trình độ kiến thức cũng như đặc điểm tâm sinh lí của đối tượng học sinh.