Sử dụng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề, dẫn dắt.

Một phần của tài liệu Dạy học truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn cho học sinh trung học phổ thông theo hướng tiếp cận lịch sử phát sinh (Trang 65)

Phát huy tính tích cực của học sinh trong quá trình chiếm lĩnh tác phẩm không có nghĩa là giáo viên cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh. Cần vận dụng nhiều phương pháp khác nhau để kích thích khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Sử dụng câu hỏi nêu vấn đề trong quá trình khám phá giá trị nội dung nghệ thuật là một trong những phương pháp tối ưu để thu hút niềm say mê và

khả năng sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, hệ thống câu hỏi đặt ra không phải theo ý thích chủ quan của người dạy mà phải dựa trên nội dung bài học, khả năng của học sinh... Giáo sư Phan Trọng Luận đưa ra yêu cầu chung khi tiến hành xây dựng hệ thống câu hỏi: “câu hỏi phải sát với tác phẩm, căn cứ vào nội dung và nghệ thuật của tác phẩm và kích thích khả năng tư duy và hứng thú của học sinh. Câu hỏi phải có tính liên tục, phải định hướng vào mối quan hệ hữu cơ giữa yếu tố cụ thể với những vấn đề tổng hợp của bài học. Câu hỏi phải vừa sức với học sinh, phù hợp với thời lượng của bài học” [27, tr. 102].

Trong một giờ dạy văn, câu hỏi đóng vai trò hết sức quan trọng. Giờ dạy học là thời lượng mà học sinh và giáo viên cùng đi tìm chân lý khoa học qua việc phát hiện và lý giải các mâu thuẫn nảy sinh, vì thế giờ dạy học nào cũng tồn tại nhiều điều để hỏi. Nếu như trước đây chúng ta quan niệm câu hỏi là sự đặt ra một cách ngẫu hứng để giáo viên kiểm tra bài cũ hay để có một khoảng thời gian cho giáo viên nghỉ ngơi, thì giờ đây câu hỏi đưa ra để học sinh phải đi tìm tận cùng của chân lý. Trước đây câu hỏi mà giáo viên đưa ra thường đông cứng chế lạnh, giờ đây câu hỏi phát huy tính tích cực linh hoạt của con người. Câu hỏi chính là sự trao đổi kiến thức giữa các nguồn thông tin, giữa giáo viên và học sinh. Câu hỏi là thứ hoa tiêu để định hướng đi đến thống nhất và nhiều khi chính câu hỏi tạo con đường mở trong tiếp nhận mà nhiều lúc chính giáo viên cũng không ngờ tới. Nêu câu hỏi trong giờ học là khơi sâu, khai thác vào chiều sâu của tác phẩm, đem đến hiệu quả dạy học cao.

Nhưng đối với truyện ngắn “Thuốc”, trong quá trình dạy học bằng cách đưa ra những câu hỏi nêu vấn đề thì giáo viên bên cạnh việc đặt câu hỏi hướng về nội dung về những cái mà học sinh đã biết, những cái cũ trong tác phẩm thì cũng cần phải đặt ra những câu hỏi nêu vấn đề để hướng học sinh vào cái mới, cái chưa biết, đó là đưa ra những câu hỏi nêu vấn đề mang tính lịch sử phát sinh

để học sinh có thể suy nghĩ và phát hiện ra những yếu tố lịch sử phát sinh được nói đến trong tác phẩm. Tuy nhiên, việc đưa ra những câu hỏi nêu vấn đề mang tính lịch sử phát sinh vào trong quá trình dạy học cũng không phải là việc dễ làm, vì phương pháp này là một phương pháp mới nên học sinh không dễ tiếp nhận ngay được. Vì vậy để cho phương pháp này đạt hiệu quả tốt thì giáo viên cũng phải hướng dẫn và khơi gợi cho học sinh.

Câu hỏi nêu vấn đề mang tính lịch sử phát sinh là nhằm để giáo viên và học sinh khai thác tác phẩm ở cả góc độ ngoài văn bản chứ không chỉ đơn thuần ở khía cạnh văn học như từ trước đến nay vẫn hay làm. Có như vậy thì mới hướng học sinh khai thác được triệt để những yếu tố ngoài văn bản. Nếu không sử dụng hình thức câu hỏi nêu vấn đề để kích thích khả năng tư duy và làm việc một cách chủ động của học sinh thì học sinh sẽ không có ý thức để tự tìm tòi và khai thác những yếu tố ngoài văn bản. Vì vậy, đối với truyện ngắn “Thuốc”, các yếu tố ngoài văn bản chỉ cần học sinh chịu khó suy nghĩ và làm việc trong quá trình học, các em sẽ phát hiện ra và có thể khai thác một cách triệt để.

Câu hỏi nêu vấn đề là loại câu hỏi đặt ra cho chủ thể học sinh và được học sinh tiếp nhận một cách có ý thức, do nhu cầu khám phá tìm hiểu của bản thân. Câu hỏi nêu vấn đề thường có tính chất phức tạp về nội dung. Nó gợi nên mâu thuẫn giữa cái đã biết với cái chưa biết, giữa cái cũ và cái mới trong nhận thức của học sinh, mâu thuẫn giữa nhận thức của học sinh với tác giả, giữa học sinh với nhau về một vấn đề trung tâm nào đó trong tác phẩm. Câu hỏi phải thể hiện được mối quan hệ hữu cơ giữa những yếu tố cụ thể những vấn đề tổng hợp của tác phẩm. Câu hỏi phải mang tính hệ thống liên tục, khơi gợi hứng thú của học sinh.

Có thể thấy rằng câu hỏi nêu vấn đề có liên quan chặt chẽ đến vấn đề và tình huống có vấn đề. Trong nhiều trường hợp khi đã xác định được vấn đề, nhờ

câu hỏi (hoặc hệ thống câu hỏi, tùy thuộc vào vấn đề đơn giản hay phức tạp) mà giáo viên tạo được tình huống có vấn đề, tức là xác định được cái chưa biết, cuốn hút sự quan tâm của học sinh và tiên lượng được khả năng của các em.

Câu hỏi nêu vấn đề có hình thức gần gũi với các loại câu hỏi thường gặp khi phân tích tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, chỉ những câu hỏi nhằm xác định rõ vấn đề và tạo ra tình huống có vấn đề mới được coi là câu hỏi nêu vấn đề.

Câu hỏi nêu vấn đề không nhằm tái hiện kiến thức, cũng không nhằm khơi gợi sự biểu hiện của học sinh khi đánh giá chi tiết hay toàn bộ tác phẩm văn học. Câu hỏi nêu vấn đề phải làm rõ được vấn đề tiềm ẩn trong tác phẩm, phải gây hứng thú cho học sinh và phải động viên, khuyến khích học sinh giải quyết vấn đề đã nêu. Câu hỏi nêu vấn đề phải làm rõ hoặc đặt ra được vấn đề, đưa người nghe vào tình huống có vấn đề.

Phương pháp giảng văn truyền thống yêu cầu giáo viên nắm bắt và hiểu sâu sắc, tự mình rung cảm tác phẩm văn học thực sự để rồi truyền thụ tới học sinh sao cho hấp dẫn, để học sinh có thể đồng cảm, ghi nhớ theo cách cảm thụ của thầy. Mục đích của việc dạy văn hiện nay đã có sự thay đổi, không phải là giáo viên truyền thụ lời giảng của mình mà hướng tới mục đích làm sao để chủ thể học sinh, dưới sự hướng dẫn của thầy, cảm nhận khám phá, chiếm lĩnh tác phẩm, từ đó tạo ra sự tự phát triển toàn diện về trí tuệ, tâm hồn, nhân cách, năng lực và gây hứng thú, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của học sinh. Người giáo viên cần xác định được mục đích của việc dạy văn, học văn coi học sinh là chủ thể với những quan hệ đa phương: tác phẩm- học sinh- giáo viên đan xen. Ở đây học sinh giữ vai trò chủ thể trực tiếp tiếp nhận, chiếm lĩnh tác phẩm cũng như giáo viên. Học sinh vừa quan hệ với tác phẩm vừa được giáo viên hướng dẫn, giáo viên không cảm thụ hộ mà là người tổ chức, hướng dẫn quá trình, học sinh

tiếp nhận, chiếm lĩnh tác phẩm. Trong lĩnh vực tư tưởng tình cảm, nhất là trong văn chương nghệ thuật, không thể áp đặt cảm thụ thay thế cho sự hoạt động bên trong của chủ thể tiếp nhận. Trong quá trình tiếp nhận văn học, không phải bao giờ học sinh cũng nghe theo lời giảng của giáo viên. Sự tiếp nhận của học sinh về tác phẩm chịu nhiều tác động của nhiều yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp ở ngay trong giờ học nhưng cũng có thể là những kỷ niệm ký ức sâu đậm. Trong văn chương, biết cách nêu câu hỏi cung cấp cho người đọc những kiến thức, cho biết những rung cảm của con người trước cuộc sống. Nếu không có câu hỏi, giờ học trở thành giờ tự độc thoại của giáo viên, không có sự gợi mở. Nhận thức mới về câu hỏi đầy đủ học sinh tới sự bùng phát để phát hiện những kiến thức đẩy học sinh đến chỗ muốn khẳng định, đảm bảo cho giờ học có tính dân chủ, bình đẳng, công khai trong quá trình giáo dục. Trong giờ văn, người giáo viên cần chuẩn bị trước một hệ thống câu hỏi tránh sự đơn điệu, câu hỏi cần đa dạng, sinh động, làm nảy sinh những băn khoăn trí tuệ, đòi hỏi tiếp tục tìm tòi. Câu hỏi có thể hướng tới nhiều mục đích khác nhau: Câu hỏi để trao đổi kiến thức giữa những nguồn thông tin liên quan đến tác phẩm của giáo viên và học sinh nhằm khuấy động không khí văn chương. Câu hỏi để định hướng cho sự nhất quán. Có thể đặt ra những câu hỏi ngay giáo viên chưa có lời giải đáp để trở thành tiêu điểm, để tiếp tục suy nghĩ, để giáo viên và học sinh tiếp tục học tiếp, bởi cuộc sống không ngừng vận động và có nhiều vấn đề luôn nảy sinh trong cuộc sống. Nêu câu hỏi để khẳng định để khai thác chiều sâu của cuộc sống.

Câu hỏi trong giờ dạy tác phẩm văn chương cần đảm bảo được tính sư phạm, không đối lập với thực tế, câu hỏi hướng tới học sinh, tạo ra sức để hướng học sinh vươn lên trên tầm hiện có. Câu hỏi cần có tính tư tưởng, kích thích hứng thú trong học tập. Câu hỏi cũng cần có tính nghệ thuật hướng tới hình thức sáng tạo của tác phẩm, thi pháp cuả tác phẩm, sự diễn đạt câu phải có chất văn.

Ngoài hệ thống câu hỏi học sinh đã chuẩn bị khi soạn bài theo hướng dẫn của sách giáo khoa, giáo viên có một hệ thống câu hỏi để phát huy khả năng chủ động tiếp nhận kiến thức của học sinh.

Khi dạy bài “Thuốc”, giáo viên có thể đặt ra những câu hỏi nêu vấn đề theo hướng lịch sử phát sinh như sau: Dấu ấn của dân tộc và thời đại trong các nội dung sáng tác của Lỗ Tấn như thế nào? Em hãy chỉ ra dấu ấn của cuộc cách mạng Tân Hợi trong truyện “Thuốc”? Em có hình dung gì về nhân vật Hạ Du trong ý đồ xây dựng nhân vật của tác giả? Truyện “Thuốc” mang đậm dấu ấn của lịch sử thời đại như thế nào?...

Một phần của tài liệu Dạy học truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn cho học sinh trung học phổ thông theo hướng tiếp cận lịch sử phát sinh (Trang 65)