Những yêu cầu có tính nguyên tắc.

Một phần của tài liệu Dạy học truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn cho học sinh trung học phổ thông theo hướng tiếp cận lịch sử phát sinh (Trang 54)

3.1.1.Yêu cầu giảng dạy truyện ngắn.

Chương trình văn học trong nhà trường từ khi cải cách giáo dục đến nay, khối lượng truyện ngắn hiện đại khá lớn. Nét riêng về phong cách của các nhà văn biểu hiện rất rõ qua các tác phẩm của họ. Điều này rất thuận lợi cho công việc nghiên cứu, nhưng thực tế cũng không ít những vấn đề đáng lo ngại: nhiều tác phẩm nội dung nghèo nàn mà số trang quá lớn, làm cho giờ học tác phẩm ấy ít có cớ để tồn tại.

Dù sao, học sinh cũng phải kể lại được, tóm tắt được, nhớ được, hình dung ra được bức tranh nghệ thuật. Với truyện ngắn, phải hiểu được thi pháp tác giả, để theo bước tác giả, theo nhân vật... tìm ra tư tưởng chủ đề. Phải tùy từng tác phẩm cụ thể mà có phương pháp và biện pháp thích hợp. Những đoạn văn hay, nếu cần thiết, giáo viên yêu cầu học sinh phải thuộc bằng biện pháp tích cực qua đọc diễn cảm và kết hợp giảng dạy với bình.

Tránh những quy trình nhàm chán, lặp đi lặp lại như: giới thiệu, chủ đề, bố cục, phân tích, tổng kết. Đây vẫn có thể là lôgic bên trong của một tiết dạy học một tác phẩm văn chương nói chung, nhưng không phải là công thức chung cho mọi giờ dạy học tác phẩm [28, tr. 40].

Dạy học truyện ngắn không thể không phân tích sự vận hành của tình huống, quá trình hình thành, diễn biến tâm trạng nhân vật. Những điểm nút của tình huống cũng là nơi có phẩm chất thẩm mĩ nghệ thuật cao nhất. Câu hỏi hình dung tưởng tượng phát huy tác dụng xen kẽ với câu hỏi phân tích lý giải, đan xen con đường theo bước tác giả và theo nhân vật.

Đặt tác phẩm vào hệ thống thi pháp tác giả và cả thi pháp thời đại để phát hiện rõ những nét phong cách được biểu hiện trong tác phẩm (Tư tưởng, ngôn ngữ, cách thể hiện, cấu trúc...)

Về phương pháp, biện pháp dạy học tác phẩm truyện ngắn nói chung, đầu tiên phải quan tâm tới đọc. Đọc cho “vang nhạc sáng hình”. Tác phẩm “chỉ được bắt đầu mở ra cho bạn đọc khi nó vang lên trong tâm hồn như một sự độc thoại bên trong” (V.G.Marantxman) [27, tr. 79]. Vì vậy, hơn bất kỳ ở thể loại nào, phương pháp “đọc sáng tạo” và biện pháp “đọc diễn cảm” có một vị trí đặc biệt quan trọng gần như chủ công, thiếu nó hoặc chưa đúng liều lượng thì xem như giờ dạy học tác phẩm có xác mà chưa có hồn. Tác phẩm “xao động, phập phồng, thấp thỏm ở đằng sau mỗi câu chữ... chỉ có nhờ âm điệu... thì nhà thơ, người dạy, người học... mới cộng hưởng được với nhau” và nó trở thành “tiếng nói đồng ý, đồng tình” [27, tr.85].

Cả người dạy và người học đều phải thuộc, phải nhớ và thể hiện theo nhiều giọng điệu.

Phải có những thiết kế giờ dạy thích hợp như: vào bài, câu hỏi, chú giải từ khó, hoạt động liên môn và các phương án kết thúc giờ dạy học tác phẩm.

Một phần của tài liệu Dạy học truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn cho học sinh trung học phổ thông theo hướng tiếp cận lịch sử phát sinh (Trang 54)