phổ thông hiện nay.
Giáo sư Lương Duy Thứ đã viết: “ Chúng tôi chủ trương đưa “Thuốc” vào giảng dạy ở trung học phổ thông, ngoài lý do vì ngắn, có thể giúp học sinh tiếp xúc với chỉnh thể văn bản nghệ thuật, mà còn vì tác phẩm thể hiện đầy đủ quan niệm văn chương và phong cách sáng tác của Lỗ Tấn”. Nhà văn Mỹ Edgar Snow nói: “Thuốc cũng giống như hàng loạt tác phẩm khác của Lỗ Tấn, đã miêu tả một nỗi bi ai mang màu sắc triết lí, đó là người Trung Quốc vì dốt nát, ngu muội mà thất bại và lâm vào tình thế thất vọng” [47, tr. 64].
“Thuốc” của Lỗ Tấn trước năm 2000 ở trong chương trình sách giáo khoa lớp 11, khi sách giáo khoa được chỉnh lý năm 2000 đã đưa “Thuốc” lên chương trình lớp 12 và hiện nay tiếp tục nằm trong sách giáo khoa Ngữ Văn 12 đổi mới năm 2008.
“Thuốc” nguyên văn là “Dược”, được sáng tác năm 1919 khi Lỗ Tấn 39 tuổi, sau “Nhật ký người điên” một năm và trước “AQ chính truyện” hai năm. Trong cuộc đời mình, Lỗ Tấn đã đổi nghề nhiều lần. Trước khi làm văn nghệ, ông làm nghề y. Sở dĩ có lần đổi nghề cuối cùng này là bởi ông nhận ra rằng chữa bệnh cho đồng bào về thể xác còn chưa quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần. “Thuốc” là một truyện ngắn thể hiện rõ quan niệm về văn chương của Lỗ Tấn. Thực hiện sứ mệnh đó nhưng văn chương vẫn là văn chương, chứ không thể là đơn thuốc. Chỗ xuất phát của văn chương là tâm hồn người viết, chỗ đến của văn chương là tâm hồn người đọc. Văn chương tác động vào tâm hồn người đọc bằng sự gợi ý, bằng đường dây liên tưởng, khiến người đọc phải suy tư trăn
trở. Đó chính là tác dụng thanh lọc tâm hồn của văn chương. “Thuốc” là tâm huyết của nhà văn, là kết quả của bao năm suy tư trăn trở xung quanh câu hỏi: “Liệt căn tính của quốc dân Trung Hoa là gì?”
“Thuốc” là tiếng “gào thét” để trợ uy cho “những dũng sĩ đang bôn ba trong chốn quạnh hiu”, vừa là sự bộc bạch tâm huyết của một ngòi bút lạc quan. Tác phẩm là sự dồn nén sự nghiền ngẫm của tác giả về xã hội Trung Quốc, con người Trung Quốc và con đường giải phóng dân tộc Trung Quốc.
Học sinh trung học phổ thông Việt Nam học “Thuốc”, hiểu Lỗ Tấn, sẽ hình thành ý thức đối với dân tộc mình trước những biến động của lịch sử, có thái độ tích cực để xóa căn bệnh vô cảm, phép “ thắng lợi tinh thần” mà không chỉ người Trung Quốc mắc phải.
Đọc “Thuốc”, không thể bỏ qua hàm nghĩa của tên truyện, không thể bỏ qua hình tượng những người dân hăm hở đi mua máu người cách mạng, không thể bỏ qua hình tượng con đường mòn do tập quán lâu ngày tạo ra, ngăn cách nghĩa địa người chết chém và người chết bệnh, không thể bỏ qua câu hỏi sửng sốt bàng hoàng của bà mẹ người tử tù khi trên mộ con xuất hiện một vòng hoa...
Người dạy sẽ có được cái hứng thú khai thác một tác phẩm có nhiều vấn đề để khai thác. Có điều, thầy cô giáo nắm được chiều sâu của nhà văn nhưng lại phải ý thức đầy đủ đến trình độ kiến thức cũng như đặc điểm tâm sinh lí của đối tượng học sinh.