Sử dụng di sản văn hóa để tiến hành bài học trên lớp.

Một phần của tài liệu Noi dung 2 BDTX 2013 (Trang 25)

2. Các hình thức dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục với di sản

2.1. Sử dụng di sản văn hóa để tiến hành bài học trên lớp.

Bài học có một vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình dạy học các bộ môn ở trường phổ thông. Nó là hình thức cơ bản của việc tổ chức quá trình thống nhất giữa giảng dạy và học tập của GV và HS. Bài học là thành phần chính, chiếm đa số thời gian của quá trình dạy học ở trường phổ thông. Do đó, tiến hành bài học là điều tất yếu và bắt buộc trong việc dạy học ở trường phổ thông. Song bài học có để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn HS hay không, có làm cho HS yêu thích những vấn đề đã học và biết vận dụng chúng một cách năng động, sáng tạo để giải quyết các vấn đề bức xúc của cuộc sống hay không là tuỳ thuộc ở phương pháp của người thầy. Bởi vậy tiến hành bài học bằng cách sử dụng sáng tạo, đa dạng, nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học của GV sẽ có tác dụng rất lớn trong việc bồi dưỡng, khắc sâu kiến thức, giáo dục đạo đức, tư tưởng, tình cảm và rèn luyện các năng lực nhận thức, năng lực thực hành bộ môn cho HS. Một trong những biện pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn là sử dụng tài liệu về di sản khi tiến hành bài học trên lớp.

Bài học trên lớp trong chương trình sách giáo khoa hay bài học địa

phương thì cách thức tiến hành sử dụng di sản trong dạy học căn bản giống

nhau (phần thực hành sẽ có hướng dẫn soạn giáo án đính kèm) và vẫn phải đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình:

- Lập kế hoạch về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học theo từng môn học (được lựa chọn để sử dụng di sản văn hóa) cả năm học (có thể theo từng học kỳ).

- Xác định nội dung để sử dụng di sản vào mục, phần nào trong bài; - Tiến hành sưu tầm, lựa chọn di sản văn hóa để sử dụng trong bài;

- Tổ chức soạn bài, giảng dạy theo kế hoạch (Khi soạn bài chú ý làm rõ việc sử dụng di sản văn hóa trong bài qua từng bước: Từ mục đích, yêu cầu; chuẩn bị của GV, học sinh; thể hiện nội dung và phương pháp sử dụng di sản trong bài; củng cố, giao bài tập về nhà…).

Tài liệu về di sản đóng vai trò là một nguồn kiến thức góp phần bổ sung, cụ thể hoá, làm phong phú hơn nội dung bài học do quy định số trang có hạn, sách giáo khoa không đề cập tới. Nó làm cho những kiến thức trong bài học không chỉ đơn thuần là con số, các sự kiện khô khan mà sinh động hơn, có hồn hơn, giúp cho HS tái hiện được kiến thức và hiểu bài nhanh, nhớ lâu hơn.

Tuy nhiên, để khai thác các tài liệu về di sản phục vụ cho bài nội khoá thì GV phải tuân thủ những yêu cầu sau:

- GV phải tiến hành chọn lọc kỹ và xác minh tính chân thực của các tài liệu về di sản.

- Tài liệu di sản có nhiều nhưng do thời gian của một tiết trên lớp có hạn (45 phút) nên đòi hỏi GV phải biết chọn lọc những tài liệu điển hình nhất, sắp xếp các tài liệu đó thành hệ thống phù hợp với tiến trình bài học kết hợp với các phương tiện trực quan, phương tiện kỹ thuật hiện đại làm cho bài học sinh động hơn. Đồng thời, tuỳ theo mục đích, nội dung bài học mà GV khai thác những tài liệu khác nhau (có bài dùng tranh ảnh, có bài dùng hiện vật kết hợp các đoạn miêu tả, tường thuật về di sản, nhân vật lịch sử) phù hợp với trình độ và khả năng nhận thức của HS.

Sử dụng tài liệu về di sản trong tiến hành bài học trên lớp là phương pháp khá phổ biến được nhiều GV sử dụng. Do những điều kiện chủ quan và khách quan của từng địa phương, của từng trường, đặc biệt là những địa phương ở xa nên GV nhiều khi không thể tiến hành bài nội khoá ngay tại nơi có di sản. Để bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn, gây hứng thú học tập cho HS, GV phải sử dụng các phương tiện trực quan trong bài giảng. Ngoài các kênh hình có sẵn trong SGK thì việc sưu tầm tài liệu về các di sản vào dạy học là điều cần thiết. Song vấn đề đặt ra là làm thế nào sưu tầm được các tài liệu về di sản một cách tốt nhất, hiệu quả nhất? Trách nhiệm này thuộc về nhà trường, GV và việc tổ chức cho HS sưu tầm (Hiện nay Dự án Phát triển giáo dục THCS II và Viện KHGD Việt Nam đã công bố phần mềm tra cứu thông tin di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào tháng 5-2012. GV có thể khai thác tài liệu tranh ảnh về các di sản Quốc gia vào dạy học, còn các di sản văn hóa địa phương chưa có phần mềm cần tổ chức sưu tầm).

Có thể tiến hành khai thác tài liệu về di sản bằng cách: Nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất, đặc biệt là hỗ trợ về vật chất cho GV bộ môn đến các nơi có di sản sưu tầm tài liệu phục vụ cho việc dạy học. Trước khi đến tìm hiểu, sưu tầm tài liệu ở nơi có di sản GV phải nghiên cứu kỹ SGK và lập một

bản danh sách các di sản cần thiết phải sử dụng trong việc dạy học bộ môn của mình. Còn khi trực tiếp đến nơi có di sản thì điều đầu tiên là GV phải tìm hiểu bao quát quá trình hình thành và xây dựng của khu có di sản. Sau đó đi tham quan toàn bộ để xác định những tài liệu nào (tranh ảnh, hiện vật, những mẩu chuyện) phù hợp với nội dung giảng dạy. Hoặc GV có thể liên hệ, trao đổi với cán bộ quản lý di sản để nhờ họ giúp đỡ tìm hiểu sâu hơn, có hiệu quả hơn về sự hình thành, tồn tại và nội dung của di sản. Mỗi GV những bộ môn có ưu thế trong việc sử dụng di sản vào dạy học phải luôn có ý thức sưu tầm tư liệu để phục vụ bài giảng.

Nhà trường và GV nên phát động HS tham gia sưu tầm tài liệu, tranh ảnh hoặc hiện vật về di sản phục vụ cho hoạt động dạy học. Công việc này có thể phát động thường xuyên hoặc trong các đợt thi đua chào mừng những ngày lễ lớn, thông qua đây mà tạo hứng thú học tập và bước đầu tập dượt nghiên cứu khoa học cho HS.

Sau khi đã sưu tầm được tài liệu về di sản, GV phải tiến hành phân loại cho phù hợp với nội dung từng bài học cụ thể và sắp xếp thành hồ sơ dạy học.

Khi tiến hành soạn giáo án, GV phải chọn những tài liệu điển hình nhất, cần thiết nhất để đưa vào bài giảng. Tránh tình trạng đưa quá nhiều tài liệu, không phân biệt đâu là tài liệu cần thiết, điển hình, sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ, làm loãng nội dung cơ bản của bài học. Những tài liệu về di sản được sử dụng trong hình thức này như là các phương tiện trực quan, nguồn kiến thức, do đó cần kết hợp chặt chẽ với trình bày miệng và các phương pháp khác. Song phải đảm bảo phù hợp với từng đối tượng HS. Ví dụ: GV có thể sử dụng ảnh chụp về di sản kết hợp với việc miêu tả khái quát có phân tích những kiến thức liên quan, hoặc GV có thể sử dụng tranh ảnh về di sản kết hợp với những mẩu chuyện để cụ thể hoá kiến thức hay kết hợp sử dụng tranh ảnh về di sản với trao đổi đàm thoại nhằm giúp HS hiểu sâu sắc những kiến thức cơ bản của bài học.

Một phần của tài liệu Noi dung 2 BDTX 2013 (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(93 trang)
w