Các mỏ urani trong cát kết thường nằm trong các bồn trũng trầm tích tướng vũng vịnh hoặc nội lục, phát triển trong các giai đoạn cuối hoặc sau tạo núi, trên các cấu trúc uốn nếp, các địa khối trung tâm đã dần ổn định. Quá trình tái biến dạng thường dẫn đến sự nâng cao của vỏ trái đất, làm nghiêng hoặc uốn nếp nhẹ các đá của bồn trầm tích hoặc gây ra sự dập vỡ của đá, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiêm nhập của nước mặt và lưu thông của chúng trong các thân đá, tạo nên nguồn cung cấp dung dịch oxy hóa cho bồn actezi.
Theo các tài liệu hiện có, điều kiện thuận lợi nhất cho dung dịch oxy hóa chứa quặng hình thành, di chuyển và phản ứng với dung dịch khửđể tạo thành thân quặng urani là trong điều kiện thế nằm của lớp trầm tích có độ dốc khoảng 150 (Dahlkamp, 1993).
Trong quá trình hoạt hoá, các phá huỷ kiến tạo mới hình thành hoặc đứt gãy trước đây tái hoạt động có ảnh hướng không nhỏ đến sự di chuyển của urani. Vai trò của đứt gãy và khe nứt rất đa dạng, ví dụ chúng không chỉ là kênh dẫn dung dịch chứa quặng mà còn là nơi tích tụ quặng. Các thân quặng dạng kiến tạo-thạch học thường phát triển ở nơi tập trung các hệ thống khe nứt hở tạo điều kiện cho sự thẩm thấu của dung dịch từ trên xuống như các đứt gãy thuận. Ngược lại các kênh dẫn cổ trong các tầng trầm tích, đặc biệt là gần các bất chỉnh hợp có thể tạo nên các môi trường chứa thuận lợi cho các thân quặng kiểu kênh dẫn đáy.
Ngoài ra, sự có mặt của các phức hệ xâm nhập granitoit ở trong vùng cũng được xem là yếu tố thuận lợi cho sự hòa tan và tăng cao hàm lượng của urani trong nước. Hàm lượng urani trong các đá phân bố trên gương nước ngầm thấp hơn rõ rệt so với các đá phân bố ở tầng dưới sâu hơn. Do đó, sự hồi sinh của chuyển động kiến tạo đã góp phần không nhỏ trong quá trình hoà tan urani trong các đá kết tinh và chuyển vào tầng chứa nước của bồn actezi.