8. Cấu trúc luận văn
3.2.3. Quản lý công tác tổ chức lớp học của GVCNL
GVCNL là người thay mặt Hiệu trưởng, tức thay mặt chính quyền nhà trường quản lý một lớp học- đơn vị cơ bản của nhà trường. GVCNL là người lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo lớp học thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch nhà trường đề ra. Chính vì vậy, tăng cường quản lý công tác tổ chức lớp học của GVCNL chính là tăng cường hiệu quả giáo dục học sinh, sinh viên.
3.2.3.1. Mục đích của biện pháp
Quản lý công tác tổ chức lớp học của GVCNL giúp GVCNL biết cách tổ chức một lớp học theo chuẩn mực: đoàn kết, thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ,…
3.2.3.2. Nội dung của biện pháp
Ban Giám Hiệu quản lý công tác tổ chức lớp học của GVCNL thông qua việc:
- Hướng dẫn GVCNL chỉ đạo giáo dục động cơ học tập và tổ chức các hoạt động học tập, rèn luyện đạo đức;
- Chỉ đạo GVCNL tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí.
3.2.3.3. Cách thực hiện biện pháp
- Ban Giám hiệu chỉ đạo GVCNL giáo dục động cơ học tập và tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh lớp mình phụ trách.
Kết quả của hoạt động học tập của học sinh, sinh viên thể hiện ở khả năng nắm tri thức, ở sự phát triển năng lực hoạt động trí tuệ, năng lực tư duy sáng tạo và còn phụ thuộc vào các yếu tố như: ý thức về nghĩa vụ học tập, động cơ, thái độ học tập, điều kiện và phương tiện học tập… Do đó để nâng cao kết quả hoạt động học tập của lớp, Ban Giám hiệu cần chỉ đạo GVCNL thông qua tập thể lớp, đề ra các yêu cầu học tập đối với các em, giúp các em xác định nghĩa vụ học tập của mình, xác định được động cơ và thái độ học tập đúng đắn, tích cực tìm tòi biện pháp hay, tốt để đạt được kết quả học tập cao nhất.
Ban Giám hiệu cũng cần hướng dẫn GVCNL chỉ đạo đội ngũ tự quản của lớp tổ chức các nhóm học tập, tổ chức hội nghị học tốt để trao đổi kinh nghiệm học tập, giúp nhau cùng tiến bộ. Đối với học sinh yếu, kém, lãnh đạo Khoa cần phối hợp với GVCNL tìm hiểu rõ nguyên nhân để giúp đỡ; đối với học sinh giỏi, phải có kế hoạch bồi dưỡng, giúp các em phát huy hết khả năng của mình, tích cực nâng cao hơn kết quả học tập của bản thân và tích cực giúp đỡ bạn cùng tiến bộ. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, GVCNL vận động lớp giúp đỡ và đề nghị gia đình tạo mọi điều kiện cho các em vươn lên trong học tập.
Việc tổ chức có kế hoạch các hoạt động học tập cho học sinh nhằm nâng cao kết quả học tập là một trong những việc làm quan trọng hàng đầu của GVCNL. Vì vậy, Ban Giám hiệu cũng cần chỉ đạo GVCNL nghiên cứu, tìm hiểu nắm vững tình hình cụ thể của cả lớp, của từng học sinh để lực chọn biện pháp tác động phù hợp.
- Chỉ đạo GVCNL tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể
thao, vui chơi giải trí.
Ban Giám hiệu, quản lý Khoa cần định hướng, giúp GVCNL quan tâm, cố vấn cho cán bộ lớp, cán bộ chi đoàn lớp tổ chức cho cả lớp vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe như: các trò chơi, các hoạt động thể thao, văn nghệ, tham quan du lịch, cắm trại, xem triển lãm, xem phim tập thể, thi học sinh thanh lịch, thi hiểu biết về văn hóa xã hội, lễ hội truyền thống văn hóa của trường, của địa phương, giao lưu văn hóa giữa các trường. Các hoạt động này giúp các em sảng khoái về tinh thần, mở mang trí tuệ, phát triển thể chất, tăng cường sức khỏe, hình thành các phẩm chất cơ bản. Qua đó, tạo ra các điều kiện thuận lợi để học sinh giao tiếp, hình thành ý thức, năng lực hòa nhập vào cộng đồng xã hội sau này.
Đồng thời, Ban Giám hiệu cũng nên chỉ đạo GVCNL tổ chức các hoạt động y tế học đường, giúp học sinh có ý thức giữ vệ sinh chung, bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật, hiểm họa AIDS, tệ nạn nghiện hút ma túy, mại dâm, nghiện chơi điện tử; tích cực bảo vệ môi trường và sự cân bằng sinh thái.
3.2.3.4. Điều kiện để thực hiện biện pháp
Để tổ chức tốt các hoạt động trên, Ban Giám hiệu, quản lý Khoa phải dựa vào tổ chức đoàn, các cơ quan văn hóa, thể dục thể thao, cơ quan y tế, các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, các cơ quan kinh tế, các nhà tài trợ,…