Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người rất quan tâm đến việc đặt kế hoạch cho công việc để chủ động đi trước sự biến đổi. Người viết: “Công việc bất kỳ to, nhỏ, đều có điều nên làm trước, điều nên làm sau. Nếu không có kế hoạch, điều nên làm trước mà để lại sau, điều nên làm sau mà đưa lên làm trước như thế thì sẽ hao tổn thì giờ, mất công nhiều mà kết quả ít” [22, tr.633]. Tuy nhiên, kế hoạch đặt ra không phải mang tính đối phó với sự thay đổi mà là một kế hoạch chủ động tạo ra sự thay đổi. Sẽ là tốt hơn nếu chúng ta biết chủ động tạo ra sự thay đổi, chứ không phải ngồi chờ sự thay đổi diễn ra rồi đón
lấy nó, chấp nhận nó. Vì vậy, Người xác định: “Muốn có lực lượng thì phải có tổ chức. Muốn có tổ chức thành công thì phải có kế hoạch, có quyết tâm” [22, tr.329], “phải có quyết tâm thật cao, kế hoạch chu đáo thì mới bảo đảm chắc chắn thành công”[28, tr.383]. Do đó, trong công tác quy hoạch cán bộ, chúng ta cần phải tập trung nghiên cứu để hoạch định hai vấn đề: Một là kế hoạch về tạo nguồn cán bộ, hai là kế hoạch về cơ cấu cán bộ.
Kế hoạch tạo nguồn cán bộ là vấn đề rất quan trọng. Người viết: “Người
già thì chết, người trẻ thì già. Chúng ta già thì ta chết, chúng ta phải chuẩn bị cán bộ” [22, tr. 59]. Chuẩn bị cán bộ có nghĩa là phải có kế hoạch tạo nguồn cán bộ, dựa trên những dự đoán về các khả năng trong tương lai của nội bộ và của xu thế bên ngoài. Để có những cán bộ nối tiếp nhau xây dựng đất nước, chúng ta phải có kế hoạch chuẩn bị trước, thậm chí hàng trăm năm. “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà” [26, tr.222]. Ngày nay, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác tạo nguồn cán bộ, số lượng cán bộ của chúng ta cũng nhiều, nhưng thật ra thì vẫn còn thiếu cán bộ có năng lực ngang tầm với nhiệm vụ mới.
Kế hoạch cơ cấu cán bộ tức là việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ có tác dụng lớn trong việc phát huy sức mạnh của cán bộ ở những hoàn cảnh khác nhau. Trong cơ cấu cán bộ, Người thường chú ý đến những thành phần vốn chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội cũ như: Về giới, Người khuyên nên tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ nâng cao vai trò và địa vị của họ trong xã hội mới; về giai cấp nông dân, Người khuyên “trong các cấp chính quyền cũng như trong các ban lãnh đạo Nông hội, phải có những anh em bần nông, cố nông tham gia thực sự” [22, tr.711]. Ngoài ra, Người cũng chú ý đến cơ cấu về độ tuổi trong công tác quy hoạch cán bộ. Trong thực tế, ở đâu có cán bộ là ở đó có nhiều loại cán bộ khác nhau: Cũ, mới, già, trẻ, tại chỗ và nơi khác điều
đến, khác nhau về độ tuổi, trình độ, cấp bậc, sự cống hiến...Làm thế nào để kết hợp được các loại cán bộ này? Điều này, đòi hỏi người làm công tác cán bộ phải “khéo kết hợp”, “khéo dùng người” và phải hiểu, đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của mỗi loại cán bộ. Với tinh thần “Đảng phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ”, tức là cán bộ già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt cán bộ trẻ, không nên coi thường cán bộ trẻ. Vì vậy, trong Đảng cần cán bộ già nhưng đồng thời cũng rất cần nhiều cán bộ trẻ.
Nói chung, cả kế hoạch về tạo nguồn cán bộ và kế hoạch cơ cấu cán bộ trong công tác quy hoạch cán bộ đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến bằng nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Cho nên khi nghiên cứu, phân tích tư tưởng của Người thì chúng ta phải biết nhìn từ nhiều phía, từng sự kiện, từng việc làm, từng quan điểm của Người để rút ra những kết luận khác nhau.
TIỂU KẾT CHƢƠNG 1
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và quá trình CNH, HĐH đất nước hiện nay. Những tư tưởng của Người về công tác cán bộ vẫn còn nguyên giá trị và là những chỉ dẫn cho Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng.
Công tác cán bộ thực chất là công tác về con người, vừa khó, vừa nhạy cảm. Vì vậy, trong chương 1 luận văn chỉ tập trung làm rõ khái niệm về cán bộ, công tác cán bộ và vị trí, vai trò của công tác cán bộ, trọng tâm nhấn mạnh vào một số nội dung cơ bản như: Về công tác đánh giá, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng và quy hoạch cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh để làm cơ sở lý luận cho việc vận dụng vào các chương sau. Đây là nội dung có ý nghĩa thiết thực để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung và về ý thức tự rèn luyện, phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng. Bám sát những
nội dung này và thực tiễn của địa phương để vận dụng khéo và linh hoạt giữa các khâu trong công tác cán bộ, để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo, quản lý đang là vấn đề đặt ra đối với những nhà làm công tác tổ chức và cán bộ trên địa bàn huyện Từ Liêm. Vì vậy, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện Từ Liêm, Hà Nội hiện nay có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Chƣơng 2: CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ HUYỆN TỪ LIÊM - THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA